TIẾP XÚC VỚI CHÓ MÈO LÚC MANG THAI LIỆU CÓ NGUY HIỂM?

Nhiều người phụ nữ vẫn luôn rất băn khoăn về việc có nên tiếp xúc với chó mèo trong lúc mang thai có gặp nguy hiểm hay không? Nhất là khi trong nhà đã nuôi sẵn thú cưng, vấn đề khi mang thai vẫn chăm sóc những thú cưng này thật sự là thứ đáng phải lưu tâm đến. Vậy hãy cùng nghe lời khuyên hữu ích đến từ IVFMD.

Vai trò của thú cưng với cuộc sống

Từ những năm 1980, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu bằng thực nghiệm để tìm hiểu về tác động của tương tác giữa con người và động vật đối với sức khỏe và sự phát triển của con người. Tương tác với động vật có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất bao gồm giúp giảm căng thẳng, lo âu và huyết áp. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc vuốt ve động vật có thể giúp giải phóng oxytocin, một loại hormone tạo cảm giác thư giãn và hạnh phúc. Ngoài ra, tương tác với động vật còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. 

Đối với trẻ em việc nuôi thú cưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Việc tiếp xúc với động vật có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng và viêm da dị ứng. Ngoài ra, nuôi thú cưng còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, điều tiết cảm xúc và giảm nguy cơ cô đơn.

 Một số nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của liệu pháp hỗ trợ bằng động vật đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao (nôn nghén, tiền sản giật) cho thấy rằng liệu pháp hỗ trợ bằng động vật có thể giúp giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Khoảng 60% hộ gia đình ở Hoa Kỳ sở hữu thú cưng. Trong số này, chó và mèo là hai loại thú cưng phổ biến nhất và được xem như là thành viên quan trọng trong gia đình. Mặc dù, được ghi nhận với nhiều lợi ích khi chăm sóc động vật nhưng cũng kèm theo một số nguy cơ cần được lưu ý.

Việc nuôi thú cưng cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Việc nuôi thú cưng cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Một số bệnh lý truyền nhiễm từ chó mèo

Một ghi nhận được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) vào năm 1987 ước tính có khoảng 4 triệu ca nhiễm trùng do chó, mèo và các vật nuôi khác xảy ra hàng năm ở Hoa Kỳ.

Toxoplasmosis là một căn bệnh do ký sinh trùng gây ra thường gặp ở vật nuôi. Bệnh thường không có triệu chứng hoặc nhẹ nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Tiếp xúc trực tiếp với phân mèo là một trong những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh.

Phụ nữ mang thai mới bị nhiễm Toxoplasmosis có thể truyền bệnh sang con. Trẻ sơ sinh có thể không có triệu chứng khi sinh hoặc phát triển các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sau này, bao gồm cả mù lòa và thiểu năng trí tuệ. Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sẽ bị tổn thương mắt hoặc não ngay từ khi sinh ra.

Bệnh giun đũa chó là một trong những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người phổ biến nhất liên quan đến chó, mèo. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh ở người không có triệu chứng, một phần do ấu trùng không thể hoàn thành vòng đời của chúng ở người. Tăng bạch cầu ái toan là triệu chứng phổ biến. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm ấu trùng di chuyển nội tạng và 700 trường hợp nhiễm ấu trùng di chuyển ở mắt ở Hoa Kỳ.

Những điều cần lưu ý khi nuôi chó mèo lúc mang thai 

Nếu bạn đã nuôi mèo trước khi mang thai bạn không cần phải quá lo lắng, chỉ cần làm theo những hướng dẫn sau:

  • Tránh thay chậu cát đi vệ sinh cho mèo, có thể nhờ người thân trong gia đình làm giúp.
  • Đảm bảo chậu cát đi vệ sinh cho mèo được thay hàng ngày vì ký sinh trùng Toxoplasma có thể tồn tại phát triển trong phân mèo từ 1-5 ngày.
  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với mèo hoặc chậu cát đi vệ sinh của mèo.
    Nên vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với chó, mèo

Ngoài ra, bạn cũng nên:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với động vật, thức ăn hoặc đất.

  • Rửa trái cây và rau quả kỹ lưỡng trước khi ăn.

  • Đeo găng tay khi làm vườn và khi tiếp xúc với đất hoặc cát.

  • Cho mèo ăn thức ăn khô hoặc đóng hộp thương mại; không nên cho chó, mèo ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín.

  • Giữ chó, mèo trong nhà.

  • Theo dõi vacxin cho thú cưng, diệt bọ chét và ve và tẩy giun định kỳ 3 tháng cho chó, mèo.

    Nên tiêm vacxin cho thú cưng để đảm bảo sức khỏe cho chúng và cả người chăm sóc

Nếu bạn chưa từng nuôi thú cưng, lúc mang thai nên tránh nuôi mèo mới hoặc hạn chế tiếp xúc với mèo đi lạc, đặc biệt là mèo con.

Tóm lại, việc nuôi dưỡng thú cưng trong gia đình mang đến những lợi ích tích cực cho sức khỏe tâm thần vượt xa những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh truyền nhiễm. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy chăm sóc thú cưng của bạn một cách hiệu quả và liên hệ bác sĩ thú y nếu thú cưng của bạn có vấn đề về sức khoẻ nhé.