BỊ CHÓ MÈO CẮN KHI MANG THAI CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Xu hướng nuôi thú cưng, đặc biệt là chó – mèo, ngày càng trở nên phổ biến. Chúng vừa là vật cưng vừa là một thành viên thân thiết trong gia đình. Vậy cần làm gì nếu chẳng may bạn bị chó – mèo cắn? Và nếu bạn đang mang thai, có tiêm ngừa phòng bệnh dại được không? Chúng ta hãy cùng nhau trang bị thêm kiến thức cho những câu hỏi trên thông qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Virus dại lây truyền từ động vật (chủ yếu từ chó – mèo) sang người. Người nhiễm virus dại khi biểu hiện thành triệu chứng nặng thì xác xuất tử vong là gần như 100%. Đặc biệt, trong bệnh dại, điều trị chỉ mang tính hỗ trợ, do đó vấn đề dự phòng là rất quan trọng.

Virus dại lây truyền qua người từ nước bọt của động vật bị dại. Có 2 hình thức lây truyền: nước bọt tiếp xúc với vùng da trầy xước, vết thương hở hoặc qua vết cắn.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh dại là mệt, sốt, đau đầu. Ngoài ra, có thể kèm theo các dấu hiệu khác như cảm giác châm chích, khó chịu, ngứa, bỏng rá ở vị trí vết cắn hoặc vết thương tiếp xúc.

Số liệu về bệnh dại tại Việt Nam

Ở Việt Nam, bệnh dại được phát hiện ở hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước.

Giai đoạn từ năm 1990 – 1995, trung bình mỗi năm có 350 – 500 ca tử vong.

Giai đoạn từ năm 1996 – 2007, các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được tăng cường nên số ca tử vong đã giảm 75% so với năm 1995. Năm 2007, cả nước có 131 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Giai đoạn từ năm 2015 – 2016, có 169 ca bệnh dại được báo cáo. Trong đó có 2 trường hợp là mẹ đang cho con bú và 4 trường hợp đang trong thời kỳ mang thai. Tất cả đều bị phơi nhiễm vì bị chó cắn. Và đáng buồn là không ai tìm đến dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại nên đều tử vong.

Do đó, việc dự phòng luôn được ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất trong bệnh dại.

Bị chó mèo cắn cần xử trí như thế nào?

Sau khi bị chó mèo cắn, bạn cần bình tĩnh để xử trí đúng cách và kịp thời nhất.

  • Rửa vết thương ngay bằng xà phòng. Rửa cẩn thận và rộng ra xung quang vết thương. Sau đó là rửa lại bằng nước muối sinh lý.
  • Sát trùng vết thương bằng cồn, cồn iốt (povidine/ thuốc đỏ) để làm giảm lượng virus tại vết cắn càng sớm càng tốt.
  • Hạn chế làm dập vết thương và băng kín vết thương.
  • Đến trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được tiêm vaccine kịp thời, đúng cách và đầy đủ.
  • Tái khám đầy đủ và chắc chắn đúng lịch hẹn tiêm ngừa để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
  • Nhốt và quan sát chó, mèo đã cắn lại, theo dõi chúng trong 10 ngày.

Tiêm ngừa khi bị chó, mèo cắn có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Đây chắc hẳn là câu hỏi được quan tâm nhất. Bởi vì khi mang thai, không phải vaccine nào bạn cũng có thể tiêm được.

Vaccine dự phòng dại sau khi bị chó mèo cắn được chứng minh an toàn, không gây tác dụng phụ cho cả phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú.

Việc tiêm ngừa để dự phòng bệnh dại có thể được thực hiện trong suốt thời gian mang thai. Thai phụ không may bị chó mèo cắn không cần phải chấm dứt thai kỳ mà vẫn có thể theo dõi thai định kỳ như các mẹ bầu khác.

Phòng tránh bệnh dại

Như đã đề cập ở trên, trong bệnh dại, điều trị chỉ là mang tính chất hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bạn cần dự phòng bệnh dại bằng cách:

  • Tiêm ngừa dại đầy đủ cho chó – mèo, và tiêm nhắc lại đúng lịch.
  • Không thả rông chó – mèo, khi dắt chó – mèo đi dạo cần có đồ bảo hộ, khớp miệng an toàn.
  • Cần nhốt, cách lý và theo dõi vật nuôi có biểu hiện bệnh.
  • Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng và môi trường xung quanh vật nuôi như: nơi ở, chuồng, khay vệ sinh, nệm nằm,…
  • Tiêm bắt buộc các vật nuôi chó – mèo nằm trong vùng mắc dịch tễ bệnh dại hoặc tiếp giáp lân cận vùng có dịch dại.
  • Tuyệt đối không tự chữa bệnh tại nhà bằng phương pháp dân gian.
  • Xử lý vết thương đúng cách và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời.

Bị chó – mèo cắn trong lúc mang thai thật sự nguy hiểm nếu như chúng ta không hiểu biết đầy đủ và có kiến thức về phòng ngừa bệnh. Vaccine ngừa dại hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hy vọng bài viết này hữu ích và giúp các bạn vững tin trong hành trình chào đón thiên thần nhỏ của mình.