THAI KỲ SAU THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM VÀ THAI KỲ TỰ NHIÊN CÓ KHÁC BIỆT KHÔNG?

Ngày nay, thụ tinh trong ống nghiệm được coi là phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến hàng đầu trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn. Phương pháp này đã giúp hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn “tìm” được con. Tuy nhiên, quá trình thụ thai với sự trợ giúp của công nghệ hỗ trợ sinh sản cũng có những điều khác biệt so với thụ thai tự nhiên. Thế nên nhiều cặp vợ chồng vẫn lo lắng rằng sự khác biệt này liệu sẽ tiếp tục diễn ra trong quá trình mang thai hay không?

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là một kỹ thuật điều trị hiếm muộn. Trong đó, tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm tạo thành phôi.

Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (thông thường từ 2 – 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại vào buồng tử cung của người vợ. Phôi sau đó sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên (thai IVF).

Thai IVF có khác với thai tự nhiên, nguy cơ trong thai kỳ có cao hơn không?

Tin tốt cho các cặp vợ chồng đang điều trị IVF là mang thai nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản không nhất thiết được xem là thai kỳ có nguy cơ cao. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu hay bằng chứng cụ thể nào cho thấy thai IVF khác với thai tự nhiên hay gặp các vấn đề khác về sức khỏe. Theo Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, tỉ lệ sẩy thai ở phụ nữ mang thai tự nhiên trung bình khoảng 15-20%. Trong khi, theo một nghiên cứu năm 2003 cho thấy tỉ lệ phụ nữ mang thai IVF sẩy thai là khoảng 22%. Qua con số ta có thể thấy được rằng tỉ lệ sẩy thai đối với phụ nữ mang thai IVF có phần cao hơn nhưng nó không thực sự đáng kể.

Nguy cơ sẩy thai không liên quan trực tiếp đến quy trình làm thụ tinh trong nghiệm. Thay vào đó, yếu tố làm tăng nguy cơ trong thai kỳ của các mẹ có thai IVF liên quan đến lý do điều trị hiếm muộn nhiều hơn. Ví dụ như độ tuổi của người mẹ. Tuổi mẹ càng cao càng, nguy cơ sẩy thai càng cao. Hoặc ở một số phụ nữ có thể đã có một hoặc nhiều bệnh lý có sẵn từ trước khi điều trị IVF để có thai. Chính điều này làm nguy cơ trong thai kỳ của các mẹ tăng cao hơn. Vì thế, đối với các mẹ đã có sẵn bệnh lý nền nên được theo dõi chặt chẽ, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn bác sĩ để có một thai kỳ an toàn nhất.

Em bé được sinh ra bằng IVF có phát triển khỏe mạnh?

Những em bé được sinh ra bằng IVF hoàn toàn có thể sống một cuộc sống bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển tư duy tương tự như những em bé được sinh ra qua thụ thai tự nhiên.

Sau nhiều thập kỷ ra đời và được công nhận, thụ tinh trong ống nghiệm đã được hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn lựa chọn và hàng triệu em bé đã chào đời thành công. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho thấy sự hiệu quả và an toàn của phương pháp này. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những em bé sinh ra nhờ phương pháp IVF có thể phát triển hoàn toàn bình thường giống như những đứa trẻ khác. Hầu như không gặp rủi ro nào về chậm phát triển so với các bé sinh ra từ thai kỳ tự nhiên. Vậy nên các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm và đừng lo lắng nhiều nhé.

Các triệu chứng khi mang thai IVF có khác với thai tự nhiên?

Nhìn chung các triệu chứng khi mang thai IVF giống với các triệu chứng mang thai tự nhiên. Nhưng đối với phụ nữ có thai từ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, họ biết rằng bản thân đang có thai ngay từ đầu so với các phụ nữ thụ thai tự nhiên (thông thường sẽ không nhận ra đã có thai trong vòng 1 tháng). Có lẽ vì thế mà khi mang thai IVF các mẹ cũng trở nên lo lắng và căng thẳng hơn. Đặc biệt là lo lắng về việc làm sao để duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.

Các mốc khám thai IVF mà các mẹ cần lưu ý.

Mang thai là một hành trình rất quý giá nhưng cũng vô cùng vất vả. Người mẹ phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt về mặt sức khỏe, tinh thần. Vậy nên suốt quá trình mang thai cần được chú trọng ở nhiều khía cạnh khác nhau để chăm sóc thai nhi thật khoẻ mạnh. Đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Thử thai:

Sau khi chuyển phôi, các bạn thường có tâm lý sốt ruột, nôn nóng không biết mình có thai hay không, dẫn đến việc nôn nóng thử thai sớm và thử nhiều lần. Điều này vừa mất thời gian, tốn chi phí mà lại không có ý nghĩa cải thiện kết quả. Thời gian thử thai tốt nhất là khoảng 14 ngày sau khi chuyển phôi. Có thể sử dụng que thử thai hoặc làm xét nghiệm định lượng beta hCG trong máu. Xét nghiệm máu sẽ cho kết quả chính xác hơn. Sau khi xác định có thai, các mẹ sẽ tiếp tục sử dụng thuốc nội tiết và tái khám thai theo chỉ định của bác sĩ.

Khám thai:

Là một điều quan trọng không thể thiếu trong thai kỳ. Việc này giúp cả bác sĩ và các bạn có thể nắm được tình hình phát triển của thai nhi. Đồng thời cũng giúp phát hiện sớm những bất thường nếu có để đưa ra hướng giải quyết kịp thời.

Thông thường các mẹ bầu sẽ đi khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ mỗi tháng 1 lần. Trong trường hợp có việc bận hoặc vì lý do nào đó không thể đi khám thai thường xuyên thì các mẹ cần lưu ý những cột mốc quan trọng sau:

Khám thai tuần 11-13: Ngoài kiểm tra sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ siêu âm đo độ mờ da gáy và cho mẹ làm xét nghiệm Double Test giúp phát hiện sớm bệnh Down.

Khám thai tuần 21-24: Tầm soát đái tháo đường thai kỳ cho mẹ và khảo sát dị tật thai nhi, khảo sát những bất thường ở các bộ phận như hộp sọ, tim, cột sống, phổi, thận, tay chân,… qua siêu âm hình thái học.

Khám thai tuần 30-32: Đây là thời điểm giúp bác sĩ xác định tình trạng dây rốn, nước ối, vị trí nhau thai và là mốc thời gian giúp phát hiện những dị tật xuất hiện muộn như tim, cấu trúc não… để tư vấn cho mẹ.

Ngoài lịch khám thai mà bác sĩ hẹn, nếu các bạn có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như đau bụng, ra huyết âm đạo… thì nên đi khám ngay.

Chế độ ăn, uống khi mang thai IVF.

Chế độ ăn, uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, đa dạng và khoa học. Bữa ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm sau:

  • Tinh bột: Ngũ cốc, gạo, bánh mì,…
  • Chất đạm: Thịt, cá, trứng, ngũ cốc, đậu…
  • Tăng cường các loại chất xơ, rau xanh, trái cây. Tránh các loại hoa quả hay nước ép quá ngọt vì có thể gây rối loạn dung nạp đường huyết.

Uống đủ nước 2-3 lít nước mỗi ngày.

Hạn chế các loại thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh có chất bảo quản, những thực phẩm nóng như: ớt, tiêu, mù tạt…Không dùng các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga…

Ngoài ra, các mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ các loại vitamin trong quá trình mang thai để đảm bảo em bé được phát triển khỏe mạnh và người mẹ cũng có một chu kỳ mang thai thành công. Những loại vitamin người mẹ cần bổ sung bao gồm : Sắt, Canxi, Acid folic và các loại vitamin quan trọng khác theo chỉ định của bác sĩ.tới.