Beta hCG là nội tiết tố được tiết ra từ giai đoạn sớm của thai kỳ, nên dựa vào nồng độ beta hCG trong máu có thể xác định sớm dấu hiệu đang có thai cũng như dự đoán sự phát triển của thai.
Nguồn gốc và vai trò của beta hCG?
Beta hCG được tiết ra từ tế bào lá nuôi – sau này hình thành bánh nhau, có tác dụng duy trì hoàng thể chế tiết hai loại nội tiết tố thai kỳ là estrogen và progesterone. Progesterone có tác dụng duy trì niêm mạc tử cung, tạo môi trường đủ chất dinh dưỡng để thai phát triển. Nếu beta hCG thấp không đủ duy trì hoàng thể tiết progesterone thì niêm mạc tử cung sẽ bong tróc, có thể dẫn đến sẩy thai. Tuỳ vào từng giai đoạn của thai kỳ mà nồng độ beta hCG sẽ thay đổi chứ không cố định. Dựa vào mối tương quan giữa nồng độ beta hCG trong máu và tuổi thai, chúng ta có thể đánh giá được sự phát triển của thai.
Chỉ số beta hCG bao nhiêu là có thai?
Nồng độ beta hCG ở phụ nữ không có thai < 5 mIU/mL và ở phụ nữ có thai > 25 mIU/mL, trường hợp beta nằm trong khoảng từ 5-25 mIU/mL cần theo dõi thêm và xét nghiệm lại sau 2 đến 3 ngày để xác định chính xác.
Trên lâm sàng, một số trường hợp beta hCG tăng chậm sau chuyển phôi khiến nhiều cặp vợ chồng không khỏi lo lắng, vậy có khả năng đậu thai cho những trường hợp này không? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu tiếp sau đây nhé.
Beta hCG thay đổi như thế nào trong thai kỳ?
Ở thai tự nhiên, beta hCG có thể được phát hiện trong máu mẹ một ngày sau khi phôi làm tổ.
Khi thai dưới 6 tuần, beta hCG tăng gấp đôi mỗi 2 đến 3 ngày và đạt đỉnh ở tuần thứ 8-10, có thể vào khoảng 100000 mIU/mL. Sau đó, nồng độ hCG sẽ giảm dần và đạt cực tiểu tại thời điểm thai 16-20 tuần rồi giữ ổn định ở mức này đến cuối thai kỳ.
Thông thường, khi nồng độ beta hCG đạt mức 1500 mIU/mL, có thể thấy được hình ảnh túi thai trong buồng tử cung khi siêu âm đầu dò qua ngã âm đạo. Nếu không thấy hình ảnh túi thai ở thời điểm này cần nghĩ đến thai ngoài tử cung, thai ngưng tiến triển hoặc thai đã sẩy hoặc đây là giai đoạn sớm của một trường hợp đa thai. Khi beta hCG trên 4000 mIU/mL, trên siêu âm có thể thấy được hình ảnh phôi thai với hoạt động tim thai. Khi beta hCG đạt mức 5000 – 6000 mIU/mL có thể thấy hình ảnh túi thai qua siêu âm đầu dò bụng.
Sau chuyển phôi thì bao lâu xét nghiệm beta hCG?
Với thai thụ tinh trong ống nghiệm, thời điểm xét nghiệm beta hCG chính xác nhất là 12-13 ngày sau chuyển phôi ngày 3 và 10-11 ngày sau chuyển phôi ngày 5. Xét nghiệm quá sớm hoặc quá muộn có thể không chính xác và ít có giá trị tiên lượng sự phát triển của thai.
Vào đúng ngày thử thai, nồng độ beta hCG > 100 mIU/mL có thể cho biết có thai và thai lúc đó đang khoẻ mạnh. Trong trường hợp kết quả < 100 mIU/mL, beta hCG cần được xét nghiệm lại 2 đến 3 ngày sau để đánh giá sự phát triển của thai. Thông thường, nếu beta hCG tăng gấp đôi có thể cho thấy thai đang phát triển đúng tiến độ.
Trước khi đọc phần tiếp theo, các chị cần chú ý rằng thai thụ tinh trong ống nghiệm là thai kỳ đặc biệt. Các mốc đánh giá chỉ đúng trong khoảng 95% các trường hợp, điều này có nghĩa là sẽ có những tình huống khác so với lý thuyết. Vì thế, lời khuyên là các chị nên được khám, tư vấn bởi bác sỹ được đào tạo chuyên về hiếm muộn để được đánh giá chính xác nhất.
Vì sao beta hCG thấp hoặc tăng chậm?
Một số nguyên nhân khách quan có thể gây ảnh hưởng mà các chị em cũng cần lưu ý trước khi kết luận chỉ số beta hCG thấp hoặc đang tăng chậm:
- Không cần thử thai sớm, nên thử thai đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Chỉ so sánh hai kết quả beta hCG tại cùng một cơ sở y tế. Hai phòng xét nghiệm khác nhau sử dụng các kỹ thuật định lượng beta hCG máu khác nhau sẽ cho ra hai kết quả khó có thể theo dõi và so sánh với nhau được.
Khi đã đủ điều kiện kết luận rằng beta hCG tăng chậm thì nguyên nhân thường được nghĩ đến do:
- Phôi làm tổ chậm
- Thai sinh hoá
- Thai lạc chỗ
Phôi làm tổ chậm
Các phôi có chất lượng kém có thể phát triển muộn hơn nên việc làm tổ cũng sẽ diễn ra chậm hơn so với phôi bình thường, vì thế beta hCG tiết ra thấp và tăng chậm hơn. Khi này, cần theo dõi thai kỳ theo lịch của bác sĩ điều trị để đánh giá sự phát triển của thai. Một số trường hợp thai vẫn sẽ bắt kịp tiến độ để phát triển thành bé khoẻ mạnh. Vì thế, các chị không cần quá lo lắng.
Thai sinh hoá
Đây hiện tượng sẩy thai sớm trước khi siêu âm thấy hình ảnh túi thai trong buồng tử cung. Nguyên nhân gây nên thai sinh hoá có thể do:
- Đa phần là do chất lượng phôi không tốt, phôi mang bất thường về số lượng hoặc cấu trúc nhiễm sắc thể và không thể phát triển bình thường.
- Một phần nhỏ liên quan đến sự thiếu hụt nội tiết tố từ hoàng thể như đã đề cập ở trên.
- Một số ít các bệnh hệ thống của người mẹ khiến cho cơ thể mẹ chống lại sự làm tổ của thai nhi giai đoạn sớm như trong hội chứng kháng Phospholipid, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, nhiễm trùng bào thai giai đoạn sớm, bệnh lý tuyến giáp…
Các trường hợp thai sinh hoá thường không cần và không thể can thiệp được nhiều, tuy nhiên bạn vẫn cần theo dõi chỉ số beta hCG cho đến khi trở về âm tính để đảm bảo an toàn và loại trừ nguy cơ thai lạc chỗ.
Thai lạc chỗ
Thai lạc chỗ (thuật ngữ trước đây là thai ngoài tử cung) là trường hợp phôi làm tổ ở các vị trí khác bên ngoài buồng tử cung, đa phần là ở ống dẫn trứng, vì không phải là môi trường đủ chất dinh dưỡng để phôi làm tổ nên chỉ số beta hCG sẽ tăng chậm hơn so với thai bình thường ở cùng giai đoạn, và trên siêu âm không thấy hình ảnh túi thai trong buồng tử cung.
Biến chứng nguy hiểm của lạc chỗ là túi thai vỡ ra chảy máu ồ ạt vào ổ bụng gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ, đây là một cấp cứu sản khoa. Vì thế bạn cần được theo dõi nồng độ beta hCG và siêu âm sau đó để xác định chính xác vị trí túi thai. Nếu có các biểu hiện như: đau bụng dữ dội có hoặc không kèm ra máu âm đạo bạn cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám kiểm tra.
Các chị cần lưu ý những gì?
Việc beta hCG thấp và tăng chậm sau chuyển phôi và những diễn tiến sau đó, đa phần là những bất thường xuất phát từ phía phôi chứ rất ít khi có nguyên nhân từ cơ thể người mẹ. Chính vì xuất phát từ phía phôi nên không có thuốc để tăng beta hCG, các chị em không nên sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc theo lời đồn thổi, không phải do bác sĩ kê đơn, vì kết quả mang lại đôi khi sẽ gây hại đến sức khoẻ nhiều hơn là có lợi.
Sinh hoạt, đi lại, ăn uống bình thường, vì đây là những yếu tố không ảnh hưởng đến beta hCG. Không nên tự ý ngưng thuốc dưỡng thai, vì trong nhiều tình huống phôi làm tổ muộn, em bé đang phát triển nhưng mẹ lại ngưng thuốc dưỡng thai dẫn đến sẩy thai. Mẹ cần uống thuốc theo toa và tái khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Các chị có thể theo dõi thêm thông tin về chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động sau chuyển phôi trong clip dưới đây của IVFMD – bệnh viện Mỹ Đức https://www.facebook.com/IVFMD.Vietnam/videos/1486207761839692/.
Sau cùng, chuyển phôi là giai đoạn cuối của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, không chỉ riêng các cặp vợ chồng mà cả các Bác sĩ điều trị cũng rất hồi hộp và luôn muốn dành những điều tốt nhất, phù hợp nhất để mong đợi một kết quả tốt cùng với bệnh nhân của mình. Vậy nên, nếu chu kỳ này thất bại các chị em không nên quá lo lắng vì đa phần các phôi được tạo ra là khác nhau nên lần chuyển phôi tiếp theo vẫn có thể đạt kết quả tốt như mong đợi.