TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC XÉT NGHIỆM TRONG ĐIỀU TRỊ IVF

 Thụ tinh trong ống nghiệm là một chặng đường dài mà các cặp vợ chồng hiếm muộn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để tăng khả năng thành công. Một trong những bước chuẩn bị quan trọng nhất của hành trình này là việc thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe cho cả cặp vợ chồng nhằm tìm ra nguyên nhân gây hiếm muộn và giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về tầm quan trọng của các xét nghiệm nhé!

Các cận lâm sàng cho nữ giới 

Việc đánh giá sức khỏe trước các thủ thuật, phẫu thuật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Và trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng không ngoại lệ, trước khi bắt đầu điều trị bác sĩ sẽ chỉ định bộ xét nghiệm nhằm đánh giá khả năng gây mê và tình trạng sức khỏe chuẩn bị mang thai cho người nữ để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.

Người vợ cần kiểm tra sức khỏe để đánh giả khả năng gây mê và chuẩn bị mang thai

Các xét nghiệm cần tầm soát gồm:

Xét nghiệm sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục

Khi người bệnh mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ làm giảm tỷ lệ thành công của TTTON đồng thời làm tăng nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và thai nhi. Vì vậy, trước khi bắt đầu điều trị bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở nữ giới như xét nghiệm HIV, Viêm gan B, Giang mai, Chlamydia. 

Thông thường, các xét nghiệm trên sẽ dùng phương pháp lấy máu làm xét nghiệm và không cần nhịn ăn. Ngoài ra đối với xét nghiệm giang mai và chlamydia còn có thể áp dụng phương pháp thông qua lấy mẫu nước tiểu hoặc lấy mẫu dịch tiết âm đạo, dịch cổ tử cung. Trường hợp xét nghiệm (viêm gan B, giang mai, chlamydia) dương tính thì sẽ điều trị ổn trước khi bắt đầu áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì các bệnh lý này sẽ làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu, truyền nhiễm cho thai nhi dẫn tới suy thai hoặc thai lưu. Đặc biệt đối với xét nghiệm HIV sẽ không điều trị hỗ trợ sinh sản nhằm tránh tăng nguy cơ lây nhiễm.

Xét nghiệm liên quan đến bệnh nội tiết

Đây là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể có vai trò đặc biệt ý nghĩa trong quá trình thụ thai và mang thai. Việc xét nghiệm nội tiết tuyến giáp giúp xác định tình trạng chức năng tuyến giáp nhằm hỗ trợ điều chỉnh các nội tiết này về mức ổn định tăng khả năng thành công trong quá trình điều trị. Ngoài ra, tuyến giáp còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều loại chuyển hóa của cơ thể nên có các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như bướu cổ, bướu basedow, cường giáp, suy giáp và bão giáp đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm khi tiến hành thủ thuật mà không phát hiện ra. 

Đồng thời, chức năng tuyến giáp của thai nhi được hình thành và hoạt động ở tuần thứ 10-12 của thai kỳ. Nên trong giai đoạn này thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào hormone tuyến giáp từ người mẹ, nếu người mẹ bị bất thường về tuyến giáp thì thai nhi cũng bị bất thường. Ngoài ra, hormone tuyến giáp còn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia và hình thành các cơ quan cũng như sự phát triển bộ não của trẻ. Nếu chức năng tuyến giáp của người mẹ không được điều trị ổn định sẽ dễ bị sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, chứng đần độn ở trẻ.

Xét nghiệm tiền gây mê

Bộ xét nghiệm này sẽ bao gồm nhiều loại xét nghiệm kết hợp với nhau cần được tầm soát trước khi tiến hành gây mê trong phẫu thuật bao gồm:

  • Nhóm máu nhằm giúp người bệnh xác định được nhóm máu của mình trong quá trình thủ thuật, phẫu thuật cần hỗ trợ về truyền máu (nếu có). Về mặt di truyền thì xét nghiệm nhóm máu của mỗi người là không thay đổi. Vì vậy, tầm soát nhóm máu từ khi bắt đầu điều trị cũng sẽ giúp bạn được theo dõi sát trong suốt quá trình mang thai và sinh bé nếu bạn biết được mình thuộc nhóm máu hiếm có nguy cơ bị bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé sẽ được bác sĩ điều trị hỗ trợ kịp thời tránh tình huống đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, giúp bạn có thể sớm tham gia được nhóm cộng động những người có nhóm máu hiếm của nước ta nhằm hỗ trợ những người trong cộng đồng và bản thân khi cần thiết.

  • Công thức máu giúp phát hiện ra mức độ thiếu máu ở hồng cầu, ở bạch cầu cho biết được tình trạng nhiễm trùng, và ở tiểu cầu sẽ giúp hỗ trợ khả năng cầm máu. Đặc biệt, trong TTTON thì chúng ta sẽ phát hiện được sự thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Nếu 2 vợ chồng cùng thiếu máu dạng này thì cần tầm soát sâu hơn để tầm soát bệnh Thalassemia. 

  • Chức năng đông máu (TQ, TCK, Fibrinogen) nhằm mục đích tầm soát thời gian đông cầm máu rất quan trọng trong phẫu thuật, thủ thuật.

  • Đường huyết sẽ có nhiều loại xét nghiệm thường gặp như Glycemine, Glucose hay xét nghiệm đường huyết đói/ bất kỳ…nhằm xác định xem lượng đường trong máu của bạn đang ở ngưỡng giá trị nào cao hay thấp, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không.

  • Chức năng gan, thận tầm soát các bệnh lý liên quan đến gan thông qua xét nghiệm men gan ALT, AST hay SGOT, SGPT và thận qua các xét nghiệm Ure, Creatine.

  • Xét nghiệm nước tiểu sẽ phát hiện và đánh giá một số bệnh liên quan đến tiết niệu, thận, đường huyết.

  • Xét nghiệm nồng độ Natri, Canxi, Kali, Clo nhằm đánh giá sự cân bằng điện giải trong cơ thể.

Xét nghiệm truyền nhiễm

  • Rubella là bệnh truyền nhiễm không nguy cấp nhưng lại rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai bởi có khả năng gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nếu bạn chưa từng tiêm ngừa rubella thì cần làm xét nghiệm tầm soát và tiêm ngừa trước khi mang thai để có một thai kỳ an toàn. Nếu kết quả xét nghiệm Rubella IgG dương tính bạn đã có kháng thể và không cần tiêm ngừa; nếu Rubella IgG âm tính thì bạn cần tiêm ngừa trước khi chuyển phôi trước 1 tháng. Đặc biệt, Rubella IgM dương tính có thể bạn đang nhiễm bệnh và cần gặp BS tư vấn thêm nếu đang điều trị TTTON.

  • Lao cũng là một bệnh thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm cần tầm soát trước khi làm thủ thuật và chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn. Các xét nghiệm bạn có thể làm như xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, xét nghiệm đàm.

Xét nghiệm AMH

Anti- Mullerian Hormone (AMH) là loại hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt ở nang noãn tiền hốc và nang noãn có hốc tại buồng trứng. Chỉ số này phản ánh số nang noãn non đang phát triển và quần thể nang nguyên thủy hiện có trong cơ thể của người phụ nữ. AMH không bị dao động trong chu kỳ kinh nguyệt vì vậy có thể xét nghiệm để đánh giá chỉ số dự trữ buồng trứng của phụ nữ ở bất kỳ thời điểm nào. Dựa vào kết quả của chỉ số AMH có thể tiên lượng được khả năng sinh sản của người phụ nữ ở hiện tại và tương lai.

Siêu âm

Các cận lâm sàng trước khi làm TTTON không thể thiếu chỉ định siêu âm nhằm giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc và chức năng của một số bộ phận trên cơ cơ thể.

  • Siêu âm nhũ: ung thư vú là ung thư có tỷ lệ mắc phải cao nhất ở phụ nữ. Một số thuốc nội tiết điều trị TTTON có thể ảnh hưởng đến các bệnh lý về tuyến vú. Cần thăm khám định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến vú để bác sĩ điều trị lựa chọn cho bạn phác đồ phù hợp. Siêu âm nhũ, nhũ ảnh, FNA là các phương pháp tầm soát cơ bản.

  • Siêu âm tử cung buồng trứng qua qua ngã âm đạo/ Siêu âm đếm nang noãn: Mục đích nhằm đánh giá tổng quan về tình trạng của tử cung và buồng trứng có bất thường hay dị dạng nào không ví dụ như tử cung đôi, không có tử cung, u xơ tử cung, khối u buồng trứng, theo dõi ứ dịch ống dẫn trứng, khối lạc nội mạc, polyp buồng tử cung. Ngoài ra, khi người nữ đến khám vào ngày 2, 3 chu kỳ kinh sẽ được chỉ định siêu âm đếm nang noãn có kích thước từ 2-8 mm nhằm tiên lượng tỷ lệ thành công trong quá trình TTTON.

  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung: thường áp dụng với những trường hợp bác sĩ siêu âm có nghi ngờ các bất thường ở cấu trúc bên trong lòng tử cung cần kết hợp thêm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác. Phương pháp này có thể giúp chẩn đoán phát hiện các bệnh lý như dị tật bẩm sinh tử cung, polyp nội mạc tử cung , tăng sinh nội mạc tử cung,…

  • Siêu âm tim/ Điện tâm đồ: nhằm tầm soát sức khỏe tim mạch, phát hiện sớm một số bệnh lý về tim vì vậy khi bắt đầu quá trình điều trị bác sĩ thường chỉ định đo Điện tâm đồ nếu có nghi ngờ bất thường sẽ kiểm tra thêm về siêu âm tim để có hướng xử trí phù hợp và an toàn. Các bệnh lý về tim mạch thường ít gặp nhưng mức độ nguy cơ cao nếu có. Ngoài vấn đề nguy hiểm trong quá trình thủ thuật bạn còn có thể gặp vấn đề khi mang thai. Một số trường hợp đặc biệt bác sĩ chỉ định cần phải tạm hoãn chọc hút hoặc chọc hút nhưng hoãn chuyển phôi cho đến khi điều trị ổn.

Điện tâm đồ là chỉ định đầu tay để tầm soát sức khỏe tim mạch

Tầm soát về ung thư cổ tử cung: Hai xét nghiệm đầu tay của tầm soát là kỹ thuật Pap’s và HPV. Kỹ thuật Pap’s nhằm tầm soát và phát hiện những tế bào bất thường ở cổ tử cung. Hiện nay, HPV đã có vắc xin phòng ngừa nhưng chỉ giới hạn ở một số ít chủng vì vậy cần phải kết hợp với pap’s để tăng giá trị tầm soát ung thư CTC. 

Các cận lâm sàng cho nam giới 

Khi bắt đầu tiến hành điều trị TTTON ngoài kiểm tra kỹ sức khỏe của người nữ thì vấn đề sức khỏe ở nam giới cũng không kém phần quan trọng. Một số trường hợp vô sinh nam không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nên cần kết hợp các xét nghiệm lâm sàng để tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị. Nhìn chung về nam giới các xét nghiệm tầm soát sức khỏe sẽ cơ bản như công thức máu, nhóm máu, xét nghiệm miễn dịch (HIV, Viêm gan B, Giang mai, Lao). Ý nghĩa của các chỉ định này cũng tương tự như ở người nữ.

Xét nghiệm tinh dịch đồ 

Đặc biệt, ở nam giới trước khi tiến hành điều trị bác sĩ cần chỉ định làm kiểm tra tinh dịch đồ là xét nghiệm với phương pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng có thể đánh giá tương đối chính xác tình trạng tinh trùng của người nam để đưa ra phương án điều trị phù hợp cho cả hai vợ chồng. Xét nghiệm này có yêu cầu kiêng xuất tinh trong vòng từ 2-7 ngày để có thể đạt được kết quả có tính chính xác tương đối cao.

Xét nghiệm phân mảnh tinh trùng

Ngoài ra, khi người chồng có các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng như sử dụng thuốc lá, rượu bia với tần suất thường xuyên và mức độ nhiều; làm việc ở môi trường độc hại (tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ, nhiệt độ cao) thì sẽ được cân nhắc làm thêm xét nghiệm phân mảnh tinh trùng. Mục đích nhằm đánh giá tình trạng đứt gãy DNA của tinh trùng nam giới.

Xét nghiệm nội tiết

Bộ xét nghiệm nội tiết nam giới chủ yếu đánh giá các loại: FSH, LH, Testosterone, prolactin, estradiol. Các chỉ số này có thể cảnh báo sự rối loạn trong quá trình sinh tinh và ảnh hưởng đến sự thành công của điều trị hỗ trợ sinh sản.

Người chồng cũng cần phải kiểm tra sức khỏe trước khi điều trị IVF

Các xét nghiệm di truyền

Một số trường hợp đặc biệt trước khi tiến hành điều trị TTTON bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm di truyền cho cả hai vợ chồng. Xét nghiệm này nhằm phát hiện các bất thường trên bộ nhiễm sắc thể của bố mẹ và tìm ra những bất thường có thể là nguyên nhân gây thất bại trong điều trị , vô sinh, sảy thai liên tiếp, thai chết lưu. Đồng thời, giúp chủ động phòng tránh truyền các dị tật bẩm sinh cho đứa bé trong tương lai.

Cần chuẩn bị những gì tốt nhất cho hành trình làm TTTON

Một số điều quan trọng cần lưu ý nhằm giúp tăng khả năng thành công trong điều trị TTTON:

  • Chuẩn bị một sức khỏe thật tốt bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát cân nặng giảm cân nếu đang ở trạng thái thừa cân béo phì.

  • Chuẩn bị tinh thần thoải mái, lạc quan không nên đặt áp lực cho bản thân.

  • Hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê… hoặc môi trường ô nhiễm độc hại và nhiều hóa chất.

  • Tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên gia uy tính khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng.

  • Lựa chọn địa điểm thực hiện điều trị hỗ trợ sinh sản uy tín để được tư vấn về quy trình thực hiện một cách kỹ lưỡng và an toàn.

Để thành công đón được một thiên thần nhỏ khỏe mạnh các cặp vợ chồng hiếm muộn phải trải qua một hành trình điều trị cần nhiều sự chăm sóc và tư vấn từ các bác sĩ chuyên gia. Xét nghiệm máu kết hợp với thể trạng, bệnh sử của bạn là thông tin quý giá cho các bác sĩ hỗ trợ bạn. IVFMD hân hạnh được khi là một lựa chọn đáng tin cậy của vợ chồng mong con hiếm muộn với đội ngũ chuyên gia uy tín, cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại cùng với áp dụng những phác đồ điều trị tiên tiến của thế giới nhằm tăng tỷ lệ thành công.