Hiếm muộn đang được xem là một chứng bệnh của thời đại khi tỷ lệ mắc phải ngày càng tăng và đang có dấu hiệu trẻ hóa. Điều này gây nên rất nhiều sự lo lắng cho các cặp vợ chồng. Việc thăm khám và phát hiện sớm sẽ giúp các cặp vợ chồng tăng hiệu quả điều trị đồng thời tiết kiệm được chi phí điều trị. Vậy hiếm muộn được định nghĩa như thế nào và thời điểm nào nên quyết định bắt đầu điều trị. Hãy cùng nghe lời khuyên của IVFMD.
Hiếm muộn là gì
Hiếm muộn theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tình trạng một cặp vợ chồng chung sống, có quan hệ tình dục thường xuyên từ 2 -3 lần/ tuần và không sử dụng biện pháp tránh thai nào sau 1 năm vẫn chưa có thai một cách tự nhiên. Nếu người vợ trên 35 tuổi thì thời gian này được rút ngắn lại chỉ còn 6 tháng.
Hiếm muộn được phân thành 2 loại:
Hiếm muộn nguyên phát: Là người phụ nữ trước giờ chưa từng có thai lần nào.
Hiếm muộn thứ phát: Là người phụ nữ đã có thai ít nhất một lần trước đây (kể cả sảy thai, thai trứng, thai ngoài tử cung…).
Theo các chuyên gia, khoảng 85% phụ nữ sẽ có thai tự nhiên trong vòng 12 tháng đầu tiên. Vậy nên những cặp vợ chồng đang mong con và đã cố gắng thả tự nhiên trong ít nhất một năm mà vẫn chưa có tin vui thì nên đến thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Không nên trì hoãn điều trị vì càng lớn tuổi chức năng sinh sản sẽ càng suy giảm.
Điều gì khiến cho tỷ lệ hiếm muộn ngày càng tăng?
Ước tính hàng năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn và chiếm khoảng 50% trong số đó thuộc độ tuổi dưới 30 tuổi. Theo thống kê của WHO, dự báo hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Việt Nam là quốc gia trong khu vực châu Á có tỷ lệ sinh đang thấp dần và tỷ lệ hiếm muộn tăng cao so với thế giới. Một số nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, di truyền, chất độc hại trong thức ăn, kết hôn muộn, lối sống căng thẳng và không lành mạnh như: quan hệ tình dục bừa bãi, phá bỏ thai, lạm dụng các chất kích thích… Hiếm muộn xuất phát khoảng 40% từ người vợ, khoảng 40% từ người chồng còn lại đến từ cả hai hoặc hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân. Một số nguyên nhân gây tăng tỷ lệ hiếm muộn như:
Phụ nữ hiện đại có xu hướng vươn ra xã hội, xây dựng bản thân, chăm lo cho sự nghiệp và lập gia đình trễ dẫn đến gặp phải một số vấn đề như lớn tuổi khiến cho khả năng sinh sản suy giảm.
Xã hội hiện đại khiến một số ít thế hệ trẻ có lối sống buông thả, không lành mạnh như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình nhưng lại không sử dụng biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả dẫn đến việc phá bỏ, nạo hút thai, mắc phải các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Lối sống căng thẳng, lười vận động, sử dụng thức ăn nhanh, lạm dụng chất kích thích gây nên tình trạng béo phì, suy giảm chức năng sinh lý, sinh sản; khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng và rối loạn nội tiết dẫn đến việc mang thai gặp nhiều nguy cơ và khó khăn.
Một số công việc có tính chất liên quan đến phóng xạ, hóa chất, nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Ngoài ra yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Vậy khi nào nên bắt đầu đến thăm khám chuyên khoa và điều trị hiếm muộn?
Về khả năng sinh sản ở nam và nữ giới đều giảm dần theo độ tuổi. Đối với nữ giới, khả năng sinh sản giảm dần khi bước sang độ tuổi 30, giảm nhanh sau 35 tuổi và đến 40 tuổi khả năng có thai ở giới nữ giảm đi một nửa. Ở phụ nữ độ tuổi 40, khoảng 75% tổng số noãn bất thường về nhiễm sắc thể làm giảm cơ hội mang thai và tăng nguy cơ sảy thai. Đối với nam giới, sự giảm khả năng sinh sản thường bắt đầu muộn hơn và khó nhận biết hơn nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Nam giới trên 45 tuổi thì thời gian để người vợ có thai kéo dài gấp 5 lần thời gian ở những người đàn ông độ tuổi 20. Một số dấu hiệu cảnh báo nên bắt đầu thăm khám chuyên khoa như:
Đối với nữ giới:
Chu kỳ kinh nguyệt không đều (chu kỳ kinh nguyệt quá dài hoặc quá ngắn), thậm chí là vô kinh, đau bụng nhiều khi hành kinh, ra khí hư bất thường.
Có tiền sử sảy thai ít nhất 02 lần.
Có bệnh lý liên quan tới ống dẫn trứng như ứ dịch ODT, đã từng bị thai ngoài tử cung, viêm nhiễm vùng chậu tái đi tái lại nhiều lần.
Mắc các bệnh lý như: viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, tiểu đường, ung thư hoặc bệnh lý tuyến giáp…
Đối với nam giới:
Tần suất quan hệ quá ít, xuất tinh sớm khi quan hệ.
Đau, sưng hoặc cảm giác bị cứng một vùng ở vùng tinh hoàn.
Tinh trùng xuất ra loãng, có màu không đục, hoặc có gợn thạch, màu vàng….
Từng mắc các bệnh như quai bị, lậu, giang mai,…
Gặp nhiều vấn đề khó khăn trong giao hợp như rối loạn chức năng cương dương (khó duy trì sự cương cứng hoặc không thể cương cứng), khó đạt khoái cảm (xuất tinh chậm).
Để hạn chế tình trạng hiếm muộn ngày càng phổ biến, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên xây dựng lối sống lành mạnh. Các bạn trẻ cũng nên đi khám tiền hôn nhân để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản. Những cặp vợ chồng đang mong con không nên trì hoãn thời gian thăm khám quá lâu, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị để đạt được kết quả tốt nhất