XIN NOÃN TRONG ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN

Hiện này, kỹ thuật xin noãn (hay còn gọi là xin trứng) để thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là một kỹ thuật phổ biến hỗ trợ cho các cặp vợ chồng đang mong con. Vậy khi nào cần phải xin noãn? Quy trình và thủ tục pháp lý xin noãn diễn ra như thế nào? Người cho noãn phải thỏa những tiêu chí gì? Hãy để IVFMD giải đáp những thắc mắc cùng bạn nhé!

Những trường hợp nào cần xin noãn?

Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) cho – nhận noãn là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà noãn của người phụ nữ (bên cho) sẽ được lấy ra ngoài và kết hợp với tinh trùng của người chồng (bên nhận) bên ngoài cơ thể để tạo thành phôi. Sau thời gian nuôi cấy bên ngoài (thường 3 – 5 ngày), phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung của người vợ (bên nhận) hay đông lạnh để sử dụng sau này.

Vì mục đích nhân đạo, và mong muốn mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng mong con, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể áp dụng kỹ thuật này. Xin noãn chỉ được áp dụng cho các trường hợp mà nguyên nhân hiếm muộn đến từ phía người vợ, người chồng bắt buộc phải có tinh trùng tự thân.

Chỉ định xin noãn gồm:

  • Suy buồng trứng sớm.
  • Lớn tuổi.
  • Thất bại nhiều chu kỳ TTTON bằng noãn (trứng) tự thân.
  • Số lượng hay chất lượng noãn kém.
  • Có các bệnh lý về di truyền.

Người cho noãn cần thỏa những điều kiện nào?

Khi có chỉ định xin noãn để thực hiện TTTON từ bác sĩ, các cặp vợ chồng sẽ phải tự chủ động tìm người tình nguyện cho/hiến noãn. Người cho/hiến noãn phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Chưa từng cho noãn
  • Tự nguyện hiến/ cho noãn.
  • Là người gốc Việt Nam.
  • Không có quan hệ huyết thống với chồng người xin noãn (trong phạm vi 3 đời).
  • Độ tuổi: Tối thiểu 18 tuổi (không giới hạn độ tuổi tối đa người cho noãn). Tuy nhiên, để tăng khả năng thành công khi điều trị, độ tuổi lý tưởng nhất là 25 – 30 tuổi. Đây là độ tuổi ổn định về khả năng sinh sản nhất của một người phụ nữ.
  • Đã có quan hệ tình dục. Nếu người cho noãn đã có gia đình thì bắt buộc phải có sự đồng ý từ phía người chồng.
  • Hiện không có thai và không cho con bú.
  • Các xét nghiệm và siêu âm không phát hiện bất thường ở chức năng buồng trứng.
  • Không mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, Viêm gan siêu vi B,C, Giang mai).
  • Không mắc các bệnh lý di truyền và tâm thần.
  • Không có người thân trong gia đình bị bệnh di truyền hoặc tâm thần.

Lưu ý:

  • Trường hợp đã từng cho noãn tại IVFMD có thể tiếp tục cho người khác nếu: người nhận đã sử dụng hết phôi trữ lạnh tạo thành từ noãn người cho mà không sinh con thành công và hiện tại không có thai.
  • IVFMD có quyền ngưng điều trị bất kỳ lúc nào nếu phát hiện người cho hoặc người nhận noãn cố tình vi phạm các điều kiện trên.

Quy trình TTTON cho – nhận noãn được tiến hành như thế nào?

  • Bước 1: Tầm soát

Đầu tiên, người cho noãn và cặp vợ chồng người nhận noãn sẽ được bác sĩ tư vấn quy trình. Sau đó người cho noãn sẽ được lấy dấu vân tay, chụp hình lưu hồ sơ và thực hiện một số xét nghiệm đánh giá có đạt tiêu chuẩn cho noãn hay không. Bên cạnh đó, người nhận noãn cũng sẽ được chỉ định làm xét nghiệm tổng quát để đánh giá khả năng mang thai trước khi điều trị cho người cho noãn.

Sau khi đạt tiêu chuẩn, người cho noãn sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để đánh giá khả năng gây mê. Đồng thời, người chồng nhận noãn cũng sẽ bổ sung xét nghiệm.

Sau khi khám tiền mê ổn, người cho noãn sẽ được kích thích buồng trứng ngay vào ngày thăm khám hoặc được hẹn quay lại vào thời điểm đang có kinh tùy thuộc theo phác đồ của bác sĩ.

  • Bước 2: Kích thích buồng trứng

Người cho noãn sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày và tổng thời gian tiêm thường kéo dài khoảng từ 9 – 12 ngày. Trong thời gian tiêm thuốc, người cho noãn sẽ được hẹn quay lại tái khám khoảng 2 – 3 lần để theo dõi sự phát triển của nang noãn.

Khi nang noãn đạt kích thước có thể chọc hút được, người cho noãn sẽ được tiêm mũi kích thích trưởng thành noãn (hay còn gọi là mũi tiêm rụng trứng). Đây là mũi tiêm quan trọng nên sẽ được yêu cầu tiêm đúng giờ chỉ định. Người cho noãn sẽ được hẹn quay lại để tiến hành chọc hút noãn vào 2 ngày sau.

  • Bước 3: Chọc hút noãn

Ngày chọc hút noãn, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút lấy noãn qua đường âm đạo, dưới hướng dẫn của siêu âm. Thời gian chọc hút sẽ rơi vào khoảng 36 tiếng sau mũi tiêm kích thích trưởng thành noãn. Vào ngày này, người chồng nhận noãn sẽ tiến hành lấy mẫu tinh trùng hoặc rã mẫu tinh trùng trữ để tạo phôi.

Sau chọc hút, người cho noãn sẽ được nằm theo dõi tại phòng Sau thủ thuật  khoảng 1 – 2 tiếng tùy theo tình trạng sức khỏe. Tại đây, người cho noãn sẽ được nữ hộ sinh theo dõi, chăm sóc, hướng dẫn uống trà đường và ăn cháo. Khi người cho noãn đã hoàn toàn tỉnh táo sau gây mê, nữ hộ sinh sẽ đo mạch, huyết áp, nhiệt độ, đánh giá lại tình trạng tri giác, đau bụng và ra huyết.

Người nhận noãn sẽ được thông báo số cụm noãn sau chọc hút. Người cho noãn sẽ được hướng dẫn toa thuốc kháng sinh dự phòng và các vấn đề cần lưu ý sau chọc hút trước khi ra về. Sau khoảng 2 tuần kể từ ngày chọc hút, nữ hộ sinh sẽ liên hệ để hỏi thăm sức khỏe và tình trạng hồi phục của người cho noãn.

  • Bước 3: Báo phôi

Noãn của cho người noãn và tinh trùng của người chồng nhận noãn sẽ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm tại phòng Lab. Sau 3 ngày, người nhận noãn sẽ được chuyên viên phôi học thông báo về số lượng noãn thụ tinh, số lượng phôi và chất lượng phôi. Lúc này, phôi đang ở giai đoạn 3 ngày tuổi. Chuyên viên phôi học sẽ tư vấn trữ đông các phôi có tiềm năng phát triển hoặc nuôi tiếp tục lên ngày 5 tùy từng trường hợp.

  • Bước 4: Chuyển phôi trữ

Khi có nhu cầu chuyển phôi, người vợ sẽ quay lại tái khám vào ngày 2 – 4 vòng kinh để được bác sĩ tư vấn chuẩn bị niêm mạc tử cung, tổng thời gian khoảng 2 tuần. Trong thời gian này, người vợ sẽ tái khám khoảng 2 – 3 lần để đánh giá niêm mạc tử cung và điều chỉnh thuốc nếu cần. Khi đủ điều kiện, bác sĩ sẽ cấp đơn thuốc tiếp tục, thông báo ngày chuyển phôi và ngày hẹn thử thai.

Vào ngày được chuyển phôi, chuyên viên phôi học sẽ tiến hành rã đông phôi và chuyển phôi này vào buồng tử cung của người vợ. Sau khi chuyển phôi, người vợ có thể đứng dậy và ra về ngay mà không cần phải nằm lại, trừ trường hợp có truyền thuốc.

Sau khi chuyển phôi, người vợ sẽ duy trì sử dụng đơn thuốc cho đến ngày hẹn thử thai. Người vợ sẽ được lấy máu để xét nghiệm Beta-hCG vào đúng ngày hẹn thử thai trên đơn thuốc.

Thủ tục hành chính

Trong tất cả các bước của quá trình điều trị, nhân viên y tế sẽ luôn yêu cầu đọc đầy đủ các thông tin cá nhân. Điều này có thể gây phiền phức không ít đối với, tuy nhiên đây là quy định bắt buộc tại IVFMD để luôn đảm bảo nhân viên y tế đang giao tiếp và phục vụ đúng người bệnh.

Bên cho noãn và nhận noãn sẽ được nhân viên tư vấn và hướng dẫn ký tên vào các cam kết và các giấy tờ liên quan đến quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản.

Bắt buộc phải có đầy đủ các giấy tờ:

  • Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (Passport) còn hạn sử dụng, rõ nét, không bong tróc hoặc có dấu hiệu chỉnh sửa.
  • Đăng ký kết hôn.

Một số lưu ý:

Người cho noãn chỉ liên quan về mặt di truyền với đứa trẻ được sinh ra. Không có bất cứ liên quan về mặt pháp luật, không có trách nhiệm và quyền lợi đối với trẻ.

Mọi hình thức thương mại với xin – cho noãn đều không hợp pháp theo pháp luật Việt Nam hiện tại.

Vì biết rằng con đường đi tìm kiếm những thiên thần nhỏ là một hành trình đầy gian nan, IVFMD mong muốn được sát cánh và chia sẻ cùng bạn trong suốt quãng đường này. Đừng bao giờ bỏ cuộc và cũng đừng nản lòng bạn nhé!