VÔ SINH NAM KHÔNG CÒN LÀ NỖI LO – GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Ngày nay, vô sinh không chỉ là nỗi lo của riêng phụ nữ, mà còn là nỗi phiền muộn của rất nhiều nam giới. Thật vậy, vấn đề chậm con nam giới cũng có thể là nguyên nhân, và hoàn toàn có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Vậy vô sinh nam là gì? Nguyên nhân từ đâu? Điều trị như thế nào? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu rõ hơn nhé !

Vô sinh nam là gì ?

Vô sinh nam là tình trạng nam giới không có khả năng làm cho người bạn đời mang thai, dù hai vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn (2-3 lần/ tuần) và không sử dụng biện pháp tránh thai sau 1 năm. Vô sinh nam thường xảy ra ở người đàn ông có vấn đề về số lượng, chất lượng tinh trùng hoặc ống dẫn tinh bị tắc, khiến tinh trùng không thể thụ tinh với trứng để thụ thai tự nhiên.

Hiện nay, theo nhiều thống kê, khoảng 1/3 nguyên nhân gây vô sinh do vấn đề ở nam giới, dù họ khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường. Đa số các trường hợp này không hề biết mình đang gặp vấn đề cho đến khi đi thăm khám.

Nguyên nhân gây vô sinh nam

Vô sinh nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thường gặp như bệnh lý ảnh hưởng việc sản xuất tinh trùng thấp, chức năng tinh trùng bất thường hoặc tắc nghẽn đưa tinh trùng ra ngoài. Chấn thương, phẫu thuật trước đó, bất thường di truyền hoặc lối sống không lành mạnh và các yếu tố khác cũng có thể góp phần gây vô sinh ở nam giới.

  • Bệnh lý: Rối loạn sản xuất tinh trùng như không có tinh trùng (azoospermia), tinh trùng ít (oligospermia), tinh trùng yếu (asthenozoospermia), tinh trùng dị dạng (teratozoospermia). Tinh hoàn ẩn, tắc nghẽn ống dẫn tinh trùng do bẩm sinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh. Một số bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, sức khỏe tinh trùng hoặc có thể gây sẹo chặn đường đi của tinh trùng (viêm mào tinh hoàn hoặc viêm tinh hoàn)
  • Phẫu thuật trước đó: một số phẫu thuật có thể ngăn tình trạng có tinh trùng trong tinh dịch, bao gồm cắt ống dẫn tinh, phẫu thuật bìu hoặc tinh hoàn, phẫu thuật tuyến tiền liệt và phẫu thuật bụng lớn được thực hiện để điều trị ung thư tinh hoàn và trực tràng, chấn thương vô ý do phẫu thuật.
  • Các vấn đề về giao hợp tình dục: rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giao hợp đau hoặc các vấn đề về tâm lý ảnh hưởng đến tình dục
  • Rối loạn nội tiết: Vô sinh nam có thể do các rối loạn ở những cơ quan điều khiển hormone như vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận.
  • Bất thường nhiễm sắc thể: các rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter, xơ nang hoặc hội chứng Kallmann.
  • Các yếu tố môi trường và lối sống: Tiếp xúc quá nhiều với một số yếu tố môi trường như nhiệt (bức xạ, tia X…), độc tố và hóa chất (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kim loại nặng…). Sử dụng ma túy, rượu bia, thuốc lá, hoặc béo phì cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản theo nhiều cách.

Dấu hiệu nhận biết vô sinh nam là gì?

Dấu hiệu rõ ràng nhất của vô sinh nam là không thể làm cho bạn đời mang thai, dù quan hệ đều đặn và không dùng biện pháp tránh thai nào. Ngoài ra, nhiều người không có triệu chứng gì khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vô sinh nam có thể nhận thấy ở một số dấu hiệu như:

  • Các vấn đề về chức năng tình dục: khó xuất tinh hoặc xuất tinh ít, xuất tinh ngược dòng, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương
  • Đau, sưng hoặc có khối u ở vùng tinh hoàn
  • Tinh dịch có màu bất thường, lẫn máu hoặc mủ.
  • Tiểu buốt, tiểu mủ, đau khi quan hệ
  • Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát: có thể liên quan đến các bệnh lý như viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn
  • Sự phát triển bất thường của vú (vú to ở nam giới): mất cân bằng hormone

Chẩn đoán vô sinh nam dựa vào đâu?

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh có nhiều hơn một nguyên nhân, vì vậy có khả năng cả hai đều cần đi khám bác sĩ. Có thể phải thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây vô sinh. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây vô sinh ở nam khó xác định. Thông thường, chẩn đoán các vấn đề vô sinh ở nam giới bao gồm:

  • Xét nghiệm tinh dịch: Phân tích tinh dịch về chất lượng và số lượng tinh trùng với điều kiện bạn nam kiêng xuất tinh 3 – 5 ngày. 
  • Khám lâm sàng tổng quát và khai thác tiền sử bệnh. Kiểm tra tinh hoàn, dương vật, khai thác các thói quen tình dục, tiền căn bệnh mãn tính, chấn thương hoặc phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung các xét nghiệm để giúp xác định nguyên nhân gây vô sinh trong một số trường hợp kết quả tinh dịch đồ hoặc khám tổng quát bất thường. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm nội tiết: Testosterone, LH, FSH, prolactin… những hormone do tuyến yên, vùng dưới đồi và tinh hoàn sản xuất đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tình dục và sản xuất tinh trùng…
  • Siêu âm bìu, sinh thiết tinh hoàn, MRI – Xét nghiệm di truyền nếu cần.

Điều trị vô sinh nam như thế nào?

Thông thường, không thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây vô sinh nam nhưng đa số các trường hợp này đều có thể can thiệp được, tuy nhiên cần điều trị tích cực và đúng cách. Các phương pháp điều trị vô sinh ở nam giới hiện nay có thể kể đến như:

  • Điều trị các vấn đề về giao hợp tình dục: thuốc nội tiết có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản trong các tình trạng như rối loạn cương dương hoặc xuất tinh sớm.
  • Phẫu thuật: điều chỉnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, tắc nghẽn ống dẫn tinh. Trong trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch, tinh trùng thường có thể được lấy trực tiếp từ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn bằng các kỹ thuật lấy tinh trùng (TESA-PESA-MESA).
  • Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART): Các phương pháp điều trị ART bao gồm lấy tinh trùng thông qua xuất tinh bình thường, phẫu thuật lấy tinh trùng.

Trong một số trường hợp hiếm, các vấn đề về khả năng sinh sản của nam giới không thể điều trị được. Bác sĩ có thể đề nghị cân nhắc sử dụng tinh trùng từ người hiến tặng để thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Phòng ngừa vô sinh nam như thế nào? 

 Để phòng ngừa vô sinh và tăng cường khả năng sinh sản, nam giới nên lưu ý:

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây hại cho tinh trùng: hóa chất độc hại, hạn chế hút thuốc lá, rượu bia và tuyệt đối tránh sử dụng ma túy
  • Duy trì đời sống tình dục lành mạnh
  • Tập luyện thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống đầy đủ chất, ngủ đủ giấc, giảm stress
  • Khám sức khỏe sinh sản định kỳ: Nam giới nên kiểm tra sức khỏe sinh sản, đặc biệt nếu có các dấu hiệu bất thường như tinh hoàn nhỏ, yếu sinh lý, hoặc có tiền sử bệnh lý liên quan đến sinh dục. Nếu đã lập gia đình và chậm có con sau 12 tháng quan hệ bình thường, cần đi khám càng sớm càng tốt.

Tóm lại, vô sinh nam là một vấn đề y khoa ngày càng được quan tâm đặc biệt, không chỉ vì ảnh hưởng đến khả năng có con mà còn liên quan đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Nếu bạn đang gặp phải các tình trạng đã đề cập trên, hãy tìm đến các cơ sở chuyên Nam khoa uy tín để được khám và điều trị tốt nhất. Trong số đó, đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD là địa chỉ đáng tin cậy hàng đầu bạn có thể lựa chọn.