VIÊM ÂM ĐẠO SAU SINH

Sau khi sinh bé, tỷ lệ phụ nữ viêm nhiễm âm đạo ngày càng cao. Vậy nguyên nhân của viêm âm đạo sau sinh là do đâu? Ảnh hưởng như thế nào? Cùng IVFMD tìm hiểu nhé.

1.Viêm âm đạo sau sinh là gì?

Viêm âm đạo sau sinh là tình trạng âm đạo bị vi khuẩn, virus, tạp trùng,… xâm nhập gây ra viêm nhiễm. Sau khi mắc bệnh, người mẹ sẽ cảm thấy nóng, ngứa âm đạo, tiết dịch nhầy bất thường, tiểu buốt,… Nếu không nhanh chóng phát hiện, kiểm tra và điều trị kịp thời, viêm âm đạo sau sinh sẽ gây ra rất nhiều biến chứng, di chứng nặng nề về sau. Thậm chí, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.

2. Nguyên nhân viêm âm đạo sau sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm âm đạo sau sinh. Các nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

  • Sự thay đổi nội tiết tố

Sau khi sinh, nội tiết tố ở chị em thường bị rối loạn khiến cho nồng độ pH ở âm đạo bị mất cân bằng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, nấm men, Trichomonas gây viêm âm đạo.

  • Do sức khỏe, hệ miễn dịch suy giảm

Sinh con là cả một quá trình vô cùng gian nan, vất vả và tiêu tốn nhiều sinh lực của người mẹ, lúc này sức đề kháng của các sản phụ cũng bị ảnh hưởng như: cơ thể bị mất sức và suy yếu, hệ miễn dịch suy giảm … Vì thế trong giai đoạn này rất dễ mắc nhiều loại bệnh trong đó có viêm âm đạo sau sinh.

  • Âm đạo bị tổn thương

Sau sinh vùng kín người mẹ bị tổn thương do phần tử cung bị kéo giãn hoặc phải rạch tầng sinh môn dẫn đến nấm, vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào trong. Lúc này, cổ tử cung co bóp để đẩy dịch sản ra bên ngoài, nếu không được vệ sinh đúng cách, sạch sẽ thì vi khuẩn, virus sẽ nhanh chóng tấn công vào vết thương và gây bệnh.

  • Vệ sinh không đúng cách

Sau khi sinh con, sản dịch sẽ được đẩy dần dần ra bên ngoài, khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, bí bách. Trên thực tế, sản dịch có tính chất giống như chu kỳ kinh nguyệt của chị em, và chỉ xuất hiện vài tuần sẽ tự hết. Do đó, nếu không biết cách vệ sinh sạch sẽ, tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm âm đạo là rất cao.

  • Quan hệ tình dục quá sớm

Sau khi sinh, nếu không kiêng quan hệ tình dục, quan hệ khá sớm khi cơ thể chưa phục hồi nguyên trạng cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo sau sinh.

Chưa kể, quan hệ quá thô bạo hoặc người chồng bị viêm nhiễm nam khoa, vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập vào cơ quan sinh dục của chị em.

3. Triệu chứng viêm âm đạo sau sinh

Cũng giống với viêm âm đạo thông thường, sau sinh nếu chị em mắc phải chứng bệnh này cũng sẽ phải đối diện với những triệu chứng như: thay đổi về khí hư, vùng kín xuất hiện những dấu hiệu bất thường,… Cụ thể đó là:

Ngứa ngáy vùng kín: Khi vùng kín bị viêm nhiễm, chị em sẽ có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu ở quanh bộ phận sinh dục. Giai đoạn đầu, bạn chỉ thấy ngứa nhẹ nhưng nếu tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng nề hơn sẽ gây hiện tượng ngứa kèm theo sưng tấy, đau rát dữ dội.

Vùng kín có mùi hôi, tanh: Khi bị bệnh, các loại vi khuẩn, trùng roi, nấm men ở âm đạo sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và khiến cho tình trạng viêm nhiễm sẽ trở nên nặng nề hơn. Khi đó, âm đạo xuất hiện mùi hôi, tanh rất khó chịu. Đặc biệt, mùi hôi sẽ nặng hợp khi chị em quan hệ tình dục.

Khí hư bất thường: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm âm đạo nói chung và viêm âm đạo sau sinh nói riêng. Bình thường khí hư có màu trắng trong không mùi, nhưng nếu bị viêm âm đạo khí hư sẽ chuyển màu bất thường. Lượng khí hư tiết ra nhiều hơn, kèm theo mùi hôi, tanh khó chịu.

Một số triệu chứng khác: Ngoài những triệu chứng trên, khi bị viêm âm đạo sau sinh chị em còn cảm thấy bị đau rát vùng kín khi quan hệ tình dục, tiểu buốt, tiểu rắt nhiều lần,…

4. Bệnh lý viêm phụ khoa sau sinh thường gặp

Sau khi sinh con chị em thường gặp các bệnh lý phụ khoa sau đây:

  • Viêm âm hộ:

Đây là bệnh phụ khoa tương đối dễ phát hiện, Khi thấy nhiều mụn ở xung quanh bẹn, háng, viêm lỗ chân lông. Sản phụ sẽ cảm thấy nhức, rát, ngứa ngáy.

  • Viêm âm đạo:

Viêm âm đạo thường xuất hiện song song với khí hư ra nhiều. Khí hư có mùi hôi, tanh khó chịu. Viêm âm đạo sẽ khiến sản phụ bị đau, rát khi quan hệ và tiểu buốt.

  • Bệnh viêm tử cung, cổ tử cung:

Khi bị viêm cổ tử cung, chị em sẽ ra nhiều khí hư màu vàng hoặc tanh. Kèm theo đó là triệu chứng đau bụng dưới, chảy máu âm đạo đặc biệt là sau khi quan hệ. Bệnh nặng hơn có thể kèm theo triệu chứng sốt, mệt mỏi.

  • Viêm vòi dẫn trứng:

Khi bệnh viêm cổ tử cung không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh viêm vòi dẫn trứng. Bệnh có triệu chứng đau bụng dưới, kinh nguyệt thất thường, đau vùng chậu, viêm vòi hay ống dẫn trứng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản.

5. Cách phòng tránh và hướng điều trị

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín luôn khô thoáng
  • Mặc đồ lót mỏng nhẹ, chất liệu cotton, thấm hút tốt. Hạn chế mặc đồ lót ẩm ướt, dính bẩn
  • Loại bỏ tất cả các loại nước tẩy rửa có chứa chất gây kích ứng cho da
  • Không quan hệ tình dục quá sớm khi chưa được sự đồng ý, cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời giúp quá trình điều trị bệnh mang lại hiệu quả cao hơn
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học kiêng ăn đồ cay nóng, chất kích thích, rượu bia… Bổ sung vitamin, đậu phụ, thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa như cam, chanh, bưởi,…

Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng sưng ngứa, đau rát do viêm âm đạo sau sinh gây ra, sản phụ có thể sử dụng lá trầu không, lá chè xanh hoặc muối pha với nước ấm để vệ sinh vùng kín. Đây là một trong những cách giúp làm dịu cơn ngứa rát vùng kín rất hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu thấy tình trạng viêm nhiễm không thuyên giảm, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, các sản phụ  không nên chủ quan và cần tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Nhs. Ngô Nguyên Hạnh Thảo – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh