Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Trong quy trình thực hiện IVF tại Labo, nuôi cấy phôi là giai đoạn rất quan trọng, kỹ thuật nuôi cấy phôi tốt có vai trò quyết định đến tỷ lệ thành công và thất bại của một chu kỳ IVF.
Nuôi cấy phôi là gì?
Nuôi cấy phôi là quá trình nuôi dưỡng phôi từ sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong một môi trường nhân tạo với các điều kiện thích hợp cho phôi phát triển.
Khoảng năm 1998, Gardner đã nghiên cứu và thành công trong việc phát minh và tinh chỉnh môi trường nuôi cấy phôi để có thể nâng cao tỷ lệ thành công nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi ngày 5 (phôi nang).
Sự thành công của nghiên cứu Gardner đã mở ra một bước vượt bậc trong việc nuôi cấy phôi ở trong phòng thí nghiệm, thời gian nuôi cấy đã được kéo dài hơn từ 2-3 ngày lên tới 5-6 ngày. Viêc nuôi phôi dài ngày giúp tế bào trong phôi thai tăng từ 2-8 tế bào (phôi ngày 2,3) lên 60-200 tế bào (phôi ngày 5), giúp nâng cao khả năng sống sót và phát triển của phôi khi được cấy vào tử cung.
Quy trình nuôi cấy phôi
Noãn sau khi được chọc hút sẽ được chuyển đến phòng lab IVF và thụ tinh với tinh trùng để tạo phôi. Hiện tại, có hai cách được áp dụng nhiều nhất để thực hiện thụ tinh cho noãn:
- Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
- Thụ tinh cổ điển (IVF cổ điển)
Sau khi đã thực hiện xong kỹ thuật IVF/ICSI, khoảng 16 – 18 tiếng sau, chuyên viên phôi học sẽ kiểm tra sự thụ tinh giữa noãn và tinh trùng. Các noãn đã thụ tinh thành công sẽ được tiếp tục theo dõi để đánh giá tình hình và quá trình phân chia tế bào ở phôi đến ngày 3 hoặc ngày 5,6 trước khi cấy phôi vào tử cung của người mẹ.
Hệ thống nuôi cấy phôi
Hệ thống nuôi cấy phôi bao gồm các vi giọt môi trường được đặt trong các đĩa nuôi cấy đã được bao phủ bởi dầu, các đĩa này sẽ được để trong một tủ cấy để duy trì với môi trường khí và nhiệt độ ổn định. Các ưu điểm của hệ thống nuôi cấy phôi bao gồm:
- Một đĩa cấy có thể chứa nhiều vi giọt môi trường giúp nuôi cấy được nhiều phôi cùng một lúc, cho nên sẽ dễ dàng hơn trong việc cập nhật và đánh giá chất lượng phôi.
- Thể tích môi trường cũng khá lớn có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng với nồng độ ổn định, môi trường nuôi cấy còn có tác dụng pha loãng chất thải.
- Lớp phủ dầu có vai trò bảo vệ và chống lại sự bay hơi, nó cũng được xem là một bộ tản nhiệt và khí giúp bảo vệ phôi khỏi những biến động khi chuyên viên phôi học mở cửa tủ cấy hoặc lấy đĩa cấy ra ngoài để thực hiện thao tác.
- Tủ cấy giúp cung cấp và duy trì môi trường nhiệt độ và không khí thích hợp cho sự phát triển của phôi.
Môi trường nuôi cấy phôi
Hiện nay có 2 loại môi trường nuôi cấy phôi chính:
- Môi trường nuôi phôi liên tục (môi trường đơn bước). Môi trường sẽ nuôi phôi liên tục từ khi thụ tinh đến giai đoạn phôi ngày 5,6. Ưu điểm của môi trường này là sẽ hạn chế những tác động tiêu cực khi thay đổi sang môi trường mới.
- Môi trường nuôi phôi gián đoạn (môi trường chuyển tiếp). Môi trường sẽ được thay mới sau các giai đoạn thụ tinh, phôi ngày 2,3 và phôi ngày 5,6. Ưu điểm của môi trường này là tránh được tác động bất lợi do việc nuôi cấy dài ngày.
Hiện nay môi trường nào là tốt nhất cho sự phát triển của phôi vẫn chưa được chứng minh. Việc lựa chọn môi trường đơn bước hay chuyển tiếp dựa vào điều kiện từng trung tâm IVF.
Ý nghĩa của việc nuôi cấy phôi
Các tế bào phôi cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi môi trường bên ngoài do vậy việc tối ưu kỹ thuật nuôi cấy phôi là một yếu tố rất quan trọng vì phôi sẽ được nuôi cấy trong một thời gian dài. Đặc biệt hiện nay việc nuôi cấy phôi ngày 5,6 đã trở thành thường quy ở tất cả các trung tâm IVF trên cả nước. Do đó việc tối ưu kỹ thuật nuôi cấy phôi tốt sẽ giúp gia tăng tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ sống và tỷ lệ em bé sinh ra khỏe mạnh sau chu kỳ IVF.