Sự ảnh hưởng của ung thư tuyến giáp tới thai kỳ hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng và cũng ít gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, tuy nhiên không tránh khỏi sự lo lắng của nhiều phụ nữ kể từ khi phát hiện bệnh. Vì vậy, việc quản lý và điều trị ung thư tuyến giáp cũng cần được quan tâm để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh
Ung thư tuyến giáp trong thai kỳ có phổ biến không?
Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất, phổ biến thứ hai sau ung thư vú trong thai kỳ và chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Đặc biệt hay gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, việc sàng lọc bệnh lý tuyến giáp nên được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước lúc mang thai để có hướng điều trị can thiệp kịp thời.
Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ độ tuổi sinh sản
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Hầu hết các bà mẹ thường lo lắng các tia phóng xạ trong chụp chẩn đoán hình ảnh có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của phóng xạ tới bào thai phụ thuộc vào giai đoạn của thai kỳ, số lượng, biện pháp và nồng độ phóng xạ sử dụng cũng như mức độ bào thai được bảo vệ khỏi phóng xạ. Dụng cụ kim loại chì thường được sử dụng để bảo vệ vùng bụng của người mẹ trong quá trình chụp để làm giảm ảnh hưởng của phóng xạ đến mức thấp nhất.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm được cho là an toàn trong suốt thai kỳ vì không sử dụng tia phóng xạ.
Chụp X-quang để xác định ung thư tuyến giáp chỉ sử dụng một lượng phóng xạ nhỏ nên khá an toàn cho phụ nữ mang thai.
Chụp CT scan sử dụng một nồng độ phóng xạ cao hơn X-quang để cung cấp những hình ảnh rõ hơn các cấu trúc và cơ quan sâu bên trong. CT scan rất có giá trị để chẩn đoán ung thư cũng như đánh giá sự di căn nhưng CT scan chỉ được bác sĩ thận trọng cân nhắc và ra chỉ định khi thực sự cần thiết cho việc điều trị tình trạng ung thư.
Hormon tuyến giáp đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì thai kỳ và thúc đẩy sự phát triển tối ưu của thai nhi đặc biệt là hệ thống não bộ. Sự phát triển này sẽ phụ thuộc nhiều vào chức năng tuyến giáp của mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Sau đó cơ thể của bé sẽ tự sản xuất ra hormon tuyến giáp. Mặc dù vậy, bé vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng I-ốt của người mẹ bổ sung.
Còn trong giai đoạn sơ sinh, tế bào ung thư tuyến giáp không truyền sang trẻ qua đường sữa mẹ. Nhưng các thuốc hóa trị có thể được truyền qua và gây ảnh hưởng xấu đến bé. Một số chất phóng xạ sử dụng điều trị ung thư tuyến giáp có thể được vận chuyển qua sữa mẹ gây hại cho bé. Vì vậy phụ nữ điều trị ung thư thường được yêu cầu không cho con bú. Nếu có thể cho con bú, hãy nhớ luôn luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Sự tiến bộ của y học sẽ đảm bảo sự an toàn cho cả người mẹ và em bé đến khi chào đời trong quá trình điều trị. Những ảnh hưởng của ung thư tuyến giáp thì chưa thực sự rõ ràng nhưng dường như ung thư tuyến giáp không truyền từ người mẹ sang thai nhi. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn tư vấn cần theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của em bé để có những can thiệp xử trí kịp thời.
Thay đổi nội tiết tuyến giáp ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?
Ung thư tuyến giáp di căn có thể là nguyên nhân dẫn đến cường giáp và việc điều trị phẫu thuật ung thư tuyến giáp cũng có thể gây ra suy giáp. Khi mắc cường giáp hoặc suy giáp, chức năng nội tiết của tuyến giáp sẽ bị rối loạn và gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Giống như nhiều bệnh lý và rối loạn khác xảy ra trong thời kỳ mang thai, các rối loạn nội tiết tuyến giáp có thể dẫn đến thai kỳ nguy cơ cao.
Mẹ mắc bệnh cường giáp khi mang thai có thể dẫn đến bé sinh non, cân nặng trẻ khi sinh thấp, rối loạn chức năng tuyến giáp ở thai nhi, sảy thai,…
Các biến chứng của suy giáp khi mang thai bao gồm: phát triển não bộ kém ở trẻ sơ sinh, sảy thai, sinh non, cân nặng trẻ khi sinh thấp,…
Mang thai có ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư tuyến giáp?
Đa số các loại ung thư không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình mang thai và ngược lại quá trình mang thai cũng không làm ảnh hưởng đến diễn tiến của ung thư. Nhưng một số biện pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Điều trị ung thư trong quá trình mang thai rất phức tạp. Các biện pháp điều trị ung thư khi mang thai có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Trước đây các bác sĩ thường đình chỉ và chấm dứt thai nghén đối với các bà mẹ cũng vì lí do này.
Nhưng trong thời gian gần đây, dưới sự phát triển của y học, tỷ lệ được điều trị ung thư tuyến giáp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ngày càng tăng. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần có sự phối hợp của bác sĩ sản khoa, bác sĩ nội tiết và bác sĩ chuyên khoa ung bướu.
Ngoài ra một số biện pháp điều trị ung thư tuyến giáp có thể gây ảnh hưởng đến bào thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, đây là giai đoạn hình thành và phát triển cơ quan tổ chức của thai nhi. Đôi khi quá trình điều trị có thể bị trì hoãn tới những thời điểm muộn hơn, 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Còn ở giai đoạn muộn hơn, việc điều trị còn có thể được hoãn lại sau khi em bé ra đời.
Các biện pháp điều trị ung thư được sử dụng bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Nhưng do hóa trị và xạ trị có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi nên sẽ được bác sĩ sử dụng sau khi cân nhắc kỹ càng nguy cơ và có kế hoạch điều trị đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Phẫu thuật thường được xem là phương pháp có ít nguy cơ nhất đối với thai nhi và là lựa chọn điều trị an toàn nhất đối với một số loại ung thư đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Với những thành tựu trong phẫu thuật và gây mê, kết hợp với sự kiểm soát chặt chẽ tình trạng mẹ và bé sẽ làm giảm nguy cơ trong quá trình phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, nhưng thời điểm thực hiện cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nếu ung thư được phát hiện trong những tháng đầu thai kỳ, siêu âm tuyến giáp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi. Nếu có thể thực hiện phẫu thuật, thường diễn ra trong ba tháng giữa của thai kỳ (khoảng từ tuần thứ 13 đến trước tuần 26). Phẫu thuật trong thời điểm này ít ảnh hưởng nhất đến mẹ và thai nhi. Nếu bệnh ổn định ở giữa thai kỳ hoặc phát hiện muộn, phẫu thuật có thể được hoãn lại đến sau sinh.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung thư tuyến giáp cũng sẽ được cân nhắc giữa những lợi ích và rủi ro đem lại cho người mẹ và thai nhi. Và ung thư tuyến giáp hầu như không phát triển trong thời kỳ mang thai, do đó các quyết định điều trị thường được hoãn lại đến sau khi sinh trừ những trường hợp thực sự cần thiết.
Tóm lại, ung thư tuyến giáp là bệnh lý có thể trì hoãn điều trị trong một số trường hợp và cần có quyết định điều trị một cách cá thể hóa để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong thai kỳ và sau khi sinh. Vì vậy, những trường hợp ung thư tuyến giáp cần phải được theo dõi cũng như phối hợp điều trị liên khoa, giữa sản khoa – nội tiết và ung bướu.