Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể. Đặc biệt, khi mang thai, tuyến giáp ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Vậy tuyến giáp là gì và đóng vai trò gì trong cơ thể? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu nhé!
Vai trò của tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp tiết ra các hormone (nội tiết tố) giữ nhiều vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, điều hoà hoạt động tim mạch, tác động lên tuyến sinh dục và tuyến sữa,… Và đặc biệt, trong thai kì, tuyến giáp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi.
Bệnh cường giáp
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến sản xuất nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể.
Khoảng 80 – 90% người bị cường giáp là do mắc bệnh Basedow (tình trạng rối loạn tự miễn). Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm: bệnh bướu tuyến giáp thể đa nhân, u tuyến độc, viêm tuyến giáp, khẩu phần ăn quá nhiều I ốt hoặc sử dụng qua nhiều hormone tuyến giáp tổng hợp.
Một số triệu chứng thường gặp:
- Cảm giác đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở khi xúc động hoặc làm việc gắng sức.
- Khó ngủ, tính khí thất thường, dễ cáu gắt.
- Rối loạn kinh nguyệt ở bệnh nhân nữ trẻ.
- Thường sụt cân nhanh mặc dù vẫn ăn uống bình thường.
- Lồi mắt.
Ảnh hưởng của bệnh cường giáp đến thai phụ và thai nhi
- Tiền sản giật.
- Nhau bong non.
- Bão tuyến giáp.
- Sinh non, sẩy thai, phù thai dẫn đến thai lưu.
- Trẻ sinh ra có thể bị rối loạn chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển về thần kinh – vận động của trẻ về sau.
Bệnh suy giáp
Suy giáp là tình trạng giảm sản xuất hormone tuyến giáp xuống dưới mức bình thường, làm chậm toàn bộ quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Phần lớn chúng ta đều cho rằng, suy giáp là do bị thiếu hụt I ốt. Tuy nhiên, suy giáp còn có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc do điều trị cắt bỏ tuyến giáp.
Một số triệu chứng thường gặp
- Sắc da nhợt, tái xanh.
- Chán ăn.
- Giọng nói trở nên khàn hoặc trầm hơn.
- Giảm sút khả năng ghi nhớ.
- Thỉnh thoảng cảm thấy khó thở, thở gấp hoặc nhịp tim đập chậm hơn.
- Đối với nữ giới, có thể xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Ảnh hưởng của suy giáp tới thai phụ và thai nhi
- Thiếu máu.
- Tiền sản giật.
- Nhau bong non.
- Băng huyết sau sinh.
- Myxedema: Đây là tình trạng suy giáp nặng không điều trị gây ra hôn mê thậm chí tử vong.
- Sẩy thai, phù thai dẫn đến thai lưu.
- Trẻ sinh ra có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, giảm chỉ số IQ, bất thường về phát triển trí tuệ.
Cần chuẩn gì trước khi mang thai khi gặp phải bệnh lý về tuyến giáp?
Nếu bạn đang gặp phải một trong những bệnh lý về tuyến giáp, hãy chủ động đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Bạn sẽ được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cũng như điều chỉnh lại các chỉ số tuyến giáp.
Việc tuân thủ điều trị là rất quan trong trong việc phòng tránh những nguy cơ đáng tiếc trong thai kì cho cả mẹ và bé.
Cần làm gì để phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp?
- Luyện tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Bổ sung vừa đủ I ốt: Thừa hoặc thiếu I ốt đều gây ra các vấn đề về tuyến giáp. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hằng ngày cần được cung cấp lượng I ốt vừa đủ.
- Dinh dưỡng hợp lý: Các chuyên gia khuyến cáo, trong phòng ngừa các bệnh về tuyến giáp, thực phẩm giàu chất oxy hóa luôn là lựa chọn hàng đầu. Các thực phẩm giàu oxy hóa có thể được tìm thấy trong các loại quả mọng như việt quất, dâu tây,… hoặc các loại rau xanh như cải xoăn, súp lơ…
Tầm soát các bệnh lý tuyến giáp nên được thực hiện định ký hằng năm đối với nữ giới từ 20 tuổi trở lên, đặc biệt là đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai. Hãy chuẩn bị cho thiên thần nhỏ của bạn và chính bạn một thai kì thật an vui và khỏe mạnh nhé! IVFMD rất vui được đồng hành cùng bạn trên chặng đường thiêng thiêng này.