TRƯỚC KHI MANG THAI CHỊ EM CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

“Mang thai và sinh con” là một hành trình diệu kỳ, thiêng liêng nhất trong đời của người phụ nữ mà bất kì ai cũng sẽ phải trải qua. Việc có chuẩn bị từ sớm sẽ tạo môi trường tốt nhất để thai nhi phát triển toàn diện và mẹ bầu sẽ có một thai kỳ nhẹ nhàng hơn. Vậy khi có ý định mang thai các chị em cần chuẩn bị những gì? IVFMD xin gửi đến các bạn một số thông tin hữu ích sau.

Chuẩn bị tâm lý

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuẩn bị tâm lý tốt trước khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thụ thai và việc hình thành nhân cách, phát triển não bộ của trẻ sau này. Để tinh thần bạn được thoải mái nhất, bạn hãy lựa chọn cho mình các cách để thư giãn và giảm căng thẳng hiệu quả như: Tập yoga, tập hít thở, nghe nhạc, ngồi thiền, đọc sách, trò chuyện cùng người thân hoặc tham gia các khóa học về kiến thức sinh sản để bổ sung thêm thông tin.

Chuẩn bị tâm lý

Khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai (khám tiền sản)

Sức khỏe bà mẹ trước khi mang thai quyết định rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi sau này. Khám tiền sản là việc khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai ở cả hai vợ chồng với mục đích phát hiện những bất thường trong cơ thể để khắc phục kịp thời. Đồng thời phát hiện các yếu tố di truyền có nguy cơ ảnh hưởng đến em bé. Trong quá trình khám bạn sẽ được kiểm tra các vấn đề như: tiền căn bệnh lý bản thân và gia đình, tiền căn thai kỳ trước đó, bệnh lý di truyền có thể lây sang con, khám phụ khoa, các loại thuốc đang sử dụng …

Ngoài ra nếu bạn đang mắc các loại bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, trầm cảm … có thể gây ra các rủi ro cao khi mang thai. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị ổn trước khi mang thai.

Khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai

Tiêm phòng các loại vacxin trước khi mang thai

Trong thời gian mang thai phụ nữ rất dễ bị bệnh do hàng rào đề kháng hoạt động khá yếu ớt. Chúng dễ dàng lây nhiễm sang thai nhi và gây nên các tình trạng như thai lưu, sinh non, thai dị tật,…kể cả khi được can thiệp y tế. Vì vậy theo khuyến cáo của các tổ chức y tế phụ nữ nên tiêm ngừa vacxin trước khi có ý định mang thai ít nhất là 3 tháng với các loại vaccine quan trọng gồm: Vaccine ngừa cúm, viêm gan B, thủy đậu và sởi-quai bị- rubella, uốn ván…

Tiêm phòng các loại vacxin trước khi mang thai

Bổ sung Axit folic và các vitamin dưỡng chất

Để có một sức khỏe tốt bạn cần có một chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng, đầy đủ các vitamin và khoáng chất trong bảng 5 nhóm thực phẩm thiết yếu gồm:

  • Hạt: Ưu tiên thực phẩm từ lúa mạch, gạo, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt (óc chó, hạn nhân, macca, hạt dẻ,…)
  • Rau củ: Thay đổi thường xuyên các loại rau củ, nên chọn các loại rau củ có màu xanh đậm, đỏ và cam, đậu hà lan, đậu lăng…
  • Trái cây: Tất cả các loại trái cây tươi dưới dạng nguyên chất, đóng hộp, nước ép không đường hoặc sấy khô.
  • Sản phẩm bơ sữa: Sữa và các thực phẩm giàu canxi như: sữa chua, phô mai, bơ… Bạn nên sử dụng các loại sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo để tránh nguy cơ tăng cân quá nhanh trong thai kỳ.
  • Chất đạm: Tất cả các loại thịt đỏ, cá, trứng, hải sản…
Bổ sung Axit folic và các vitamin dưỡng chất

 

Duy trì cân nặng hợp lý

Bạn sẽ dễ dàng thụ thai hơn nếu có cân nặng phù hợp. Điều này được xác định thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI). Phụ nữ có chỉ số BMI cao sẽ dễ gặp các biến chứng trong thời gian mang thai và trong khi sinh. Ngược lại, người có chỉ số BMI thấp dễ sinh con nhẹ cân.

Để tính chỉ số BMI bạn lấy cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (mét). Thông thường, chỉ số BMI của phụ nữ nên nằm trong khoảng từ 19 đến 25 là tốt nhất để mang thai.

  • Thiếu cân: BMI dưới 18.5
  • Cân nặng bình thường: BMI từ 18.5-24.9
  • Thừa cân: BMI từ 15.5-24.9
  • Béo phì: BMI từ 30 trở lên

Tập thể dục trước mang thai có thể giúp cơ thể bạn đối phó với tất cả những thay đổi mà bạn sẽ trải qua trong thai kỳ. Không chỉ giúp duy trì cân nặng lý tưởng mà còn tránh được các rủi ro khi mang thai và chuyển dạ như: Tiền sản giật, sinh non, tiểu đường thai kỳ… Bạn có thể bắt đầu quá trình tập luyện của mình mỗi 30 phút/ 5 ngày/ tuần vào trước, trong và sau khi mang thai. Lưu ý, bạn hãy lựa chọn những bài tập phù hợp với thể trạng hiện tại và có tham khảo ý kiến từ bác sĩ.

Tập thể dục trước mang thai

Bổ sung thêm sắt và Axit folic

Việc bổ sung axit folic sớm giúp làm giảm đến 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh của bé, giúp cho quá trình tạo máu và phân chia tế bào cơ thể. Bạn hãy bắt đầu uống các vitamin có chứa 400 microgam axit folic mỗi ngày trước khi bạn muốn mang thai ít nhất 1-3 tháng.

  • Thiếu sắt trong thai kỳ có thể dẫn đến nguy cơ: trẻ sinh non, còi cọc, suy dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt, gia tăng băng huyết sau sinh ở mẹ…Theo khuyến nghị của WHO, phụ nữ nên bổ sung sắt tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai với liều lượng từ 30-60 mg/ ngày thông qua thực phẩm giàu sắt hoặc các loại vitamin đa sinh tố.
  • Tránh tự ý dùng bất kỳ loại vitamin nào với liều lượng cao, đặc biệt là vitamin A, D, E và K. Những loại vitamin này có thể gây dị tật bẩm sinh nếu bạn dùng nhiều hơn lượng khuyến cáo bình thường hàng ngày. Bạn nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này.
Bổ sung thêm sắt và Axit folic

Tìm hiểu thông tin các bệnh viện phụ sản uy tín

Khi lựa chọn bệnh viện để theo dõi từ lúc chuẩn bị mang thai đến lúc sanh bạn nên tìm hiểu rõ và ưu tiên các tiêu chí phù hợp như sau:

  • Có đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiêm ,có thể theo dõi kỹ trong suốt thai kỳ.
  • Cơ sở vật chất mới, máy móc hiện đại.
  • Có khoa chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU).
  • Có phòng dịch vụ riêng.
  • Chi phí phù hợp với tài chính gia đình.

Việc chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai có ý nghĩa quyết định đối với thai kỳ của bạn. Và những vấn đề nói trên không phải là khó khăn để thực hiện nếu bạn thật quyết tâm. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm kiến thức vào hành trang mang thai của mình. IVFMD chúc các mẹ sẽ có một hành trình hạnh phúc và trọn vẹn để mang thai và làm cha mẹ.