Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như hiện nay, các cặp vợ chồng hiếm muộn thật sự rất khó để tiếp cận với các biện pháp hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện. Trong thời gian chờ đợi dịch bệnh biến mất hoàn toàn, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về phương pháp đơn giản và truyền thống đã được áp dụng rất hiệu quả từ xưa đến nay. Đó là tính ngày rụng trứng.
Có thể bạn đã biết, “bé” trứng chỉ có khả năng sống sót trong tử cung từ 12 – 24 giờ đồng hồ sau khi rụng khỏi “tổ”. Trong khoảng thời gian đó, nếu “bé” không gặp được “anh” tinh binh nào vừa ý và kịp lúc thì chẳng thể nào diễn ra quá trình thụ tinh để hình thành thai nhi được. Hàng triệu “anh” tinh binh có tuổi thọ cao hơn trứng, khoảng 3-5 ngày, vì vậy chúng ta có thể tính được thời điểm rụng trứng để chủ động tránh thai hoặc thụ thai theo ý muốn của mình.
Dấu hiệu rụng trứng.
Mọi người thường đùa với nhau rằng, trong những ngày rụng trứng thì đừng dại gì cãi lời hay chọc giận vợ hoặc người yêu. Vậy “mùa dâu rụng” đó có gì mà đáng sợ đến vậy? Cùng liệt kê sơ qua một vài triệu chứng điển hình khi rụng trứng mà phụ nữ cảm nhận nhé.
- Chất nhầy trong cổ tử cung thay đổi như lòng trắng trứng và tăng tiết nhiều.
- Âm đạo ẩm ướt hơn những ngày bình thường, có thể trong ngày trứng rụng bạn sẽ cảm thấy ẩm ướt cả ngày.
- Căng tức ngực.
- Nhu cầu ham muốn “chuyện ấy” tăng cao.
- Đau bụng dưới, đầy hơi.
- Chuột rút.
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu.
- Có thể xuất hiện vài đốm máu.
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao.
Cách tính ngày rụng trứng.
Bản thân người phụ nữ có thể tính toán được khoảng thời điểm trứng rụng nếu chu kì kinh nguyệt hàng tháng đều đặn và cố định. Theo các nghiên cứu của Knaaus và Ogino, phụ nữ có chu kì kinh 28 ngày thì trứng có thể rụng trong khoảng từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 16 của chu kỳ. Trong đó, từ ngày thứ 13 đến ngày thứ 15 của chu kỳ là 3 ngày có khả năng thụ thai cao nhất. Như vậy, tính từ ngày đầu có kinh thì thời gian dễ thụ thai sẽ bắt đầu từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 19 của chu kỳ. Và ngược lại, ngày an toàn là từ ngày thứ 20 đến khi bạn có kinh trở lại.
Chu kỳ kinh dài hơn hoặc ngắn hơn 28 ngày cũng có thể áp dụng công thức trên. Nghĩa là chu kỳ cứ dài thêm một ngày thì ngày dễ thụ thai sẽ cộng thêm một ngày. Chu kỳ ngắn hơn một ngày thì ngày dễ thụ thai lại trừ đi một ngày.
Ví dụ: Chu kỳ kinh là 32 ngày thì thời điểm dễ thụ thai sẽ là từ ngày thứ 15 (11 + 4) đến ngày thứ 20 (16 + 4), và ngày rụng trứng có thể rơi vào ngày 18 (14 + 4) của chu kỳ.
Vậy chúng ta có thể chia làm 3 giai đoạn cụ thể :
- Giai đoạn 1 (từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 7): giai đoạn này nếu quan hệ thì an toàn tương đối, vẫn có khả năng có thai.
- Giai đoạn 2 (từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 19 – giai đoạn rụng trứng): thời điểm dễ mang thai.
- Giai đoạn 3 (từ ngày thứ 20 đến ngày thứ 28): ít có khả năng mang thai nhất.
Tuy nhiên, cách tính nhẩm ngày kinh cũng như dựa trên triệu chứng rụng trứng đều chỉ có tính tương đối và chủ quan tùy vào cơ địa, cảm nhận của mỗi người phụ nữ.
Đính chính quan niệm sai lầm.
Có thể các bạn cũng đã từng nghe qua hai quan niệm khá sai lầm như sau:
Ngày rụng trứng và ngày sau rụng trứng là khoảng thời gian dễ có thai nhất.
Như đã trình bày ở trên, thời điểm thụ thai cao nhất đó là 1 – 2 ngày trước rụng trứng. Quan hệ vào ngày rụng trứng thì khả năng có thai đã giảm so với những ngày trước đó. Và quan hệ trên 12 tiếng sau khi trứng rụng, khả năng có thai sẽ giảm rất nhiều hoặc có khi không còn. Trứng thụ tinh với tinh trùng càng muộn thì chất lượng phôi giảm, tỉ lệ sẩy thai tự nhiên cũng sẽ càng tăng.
Kiêng xuất tinh càng lâu, để dành tinh trùng càng lâu thì càng khỏe để thụ tinh với trứng.
Về mặt sinh lý sinh sản nam giới, sau khi dậy thì, tinh trùng sẽ được sản xuất liên tục. Sau đó vài ngày, tinh trùng sẽ thoái hóa dần dần và cơ thể tự tiêu hủy. Thế nên, nếu các anh “để dành” lâu thì chỉ còn lại “xác” tinh binh ứ đọng và gây ảnh hưởng đến sự sản xuất tinh trùng mới mà thôi.
Tính ngày rụng trứng chỉ đúng khi chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Tóm lại, các biện pháp theo dõi tự nhiên tại nhà như: canh ngày rụng trứng, đo thân nhiệt, kiểm tra chất nhầy cổ tử cung…chỉ áp dụng được cho những người có chu kỳ kinh nguyệt ổn định, ngày rụng trứng cố định.
Vẫn có những trường hợp hi hữu như: có rụng trứng nhưng không có kinh nguyệt, hoặc ngược lại bạn vẫn ra kinh hàng tháng nhưng sự thật thì buồng trứng lại không rụng một “bé” trứng nào cả. Vậy cho nên, nếu vợ chồng bạn đã áp dụng tất cả các biện pháp tự nhiên mà hơn một năm vẫn chưa có kết quả thì nên đến bệnh viện để kiểm tra. Có thể có một vài trục trặc nào đấy mà chúng ta không thể nhìn thấy và kiểm soát bằng phương pháp tự nhiên được.