TIÊM PHÒNG UỐN VÁN KHI MANG THAI

Khi chuẩn bị mang thai để người mẹ và em bé chào đời được khỏe mạnh ngoài việc bổ sung chất dinh dưỡng trong thai kỳ và tiêm phòng vaccine cúm, sởi, rubella trước khi mang thai thì có một vaccine cũng rất quan trọng và cần thiết trong thai kỳ đó là vaccine tiêm phòng uốn ván. Vậy uốn ván là gì? Triệu chứng và cách phòng uốn ván như thế nào? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về vấn đề này nhé.

1. Khái niệm về uốn ván.

Uốn ván là một bệnh cấp tính do bào tử của vi khuẩn có tên Clostridium Tetani gây ra. Bào tử có ở khắp mọi nơi trong môi trường, đặc biệt là trong đất, tro, đường ruột hoặc phân của động vật và con người, các dụng cụ bị rỉ sét như kim, đinh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ. Vi khuẩn uốn ván có thể sống trong điều kiện yếm khí. Gặp hoàn cảnh không thuận lợi, nó tạo một lớp vỏ để bảo vệ.

Bệnh uốn ván bất cứ ai có thể mắc, nhưng phổ biến và nghiêm trọng thường gặp ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai chưa được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh uốn ván là một vấn đề sức khỏe cộng đồng được quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia hoặc khu vực có thu nhập thấp, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp và nơi sinh đẻ không đảm bảo.

2. Triệu chứng của bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh.

Uốn ván sơ sinh xảy ra khi sử dụng dụng cụ không vô trùng để cắt dây rốn, do tay nhân viên y tế khi đỡ sanh không vô khuẩn, băng gạc không vô trùng. Sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn đúng nên dễ nhiễm nha bào uốn ván.

Sau khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn uốn ván, sẽ không phát bệnh ngay mà sẽ có thời gian ủ bệnh, thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 7 ngày có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy vào mức độ bị nhiễm vi khuẩn.

Trong thời kỳ ủ bệnh trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, đôi khi quấy khóc và có sốt nhẹ.

Trong thời kỳ phát bệnh trẻ có dấu hiệu sốt từ 38 – 39 0C, có thể lên tới 41 độ C, quấy khóc, bỏ bú, hàm cứng càng ngày càng rõ, cứng cổ. cứng tay hoặc chân. Trẻ sẽ lên cơn co giật sau cơn co giật các cơ sẽ cứng lại làm cho trẻ có một tư thế lưng uốn cong (uốn người ra sau), cơn co giật co cứng có thể kéo dài hàng phút tùy theo mức độ nặng hay nhẹ. Trẻ sơ sinh có thể tử vong sau cơn co giật và co cứng mạnh. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời cơn giật sẽ giảm dần từ 10 – 15 ngày sau đó sẽ khỏi bệnh.

3. Cách phòng ngừa uốn ván.

Để phòng ngừa uốn ván sơ sinh hiệu quả tiêm vaccine uốn ván là biện pháp quan trọng và an toàn để phòng bệnh uốn ván cho mẹ và bé. Khi tiêm vaccine uốn ván vào cơ thể người mẹ, sau một thời gian cơ thể mẹ sẽ sản sinh kháng thể chống uốn ván và kháng thể sẽ truyền sang con.

4. Thời điểm tiêm phòng uốn ván.

  • Phụ nữ ở tuổi sinh đẻ từ 15 – 35 tuổi cần tiêm 3 liều uốn ván, tối thiểu 3 liều, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
  • Phụ nữ có thai tiêm 2 liều vaccine uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ hai phải tiêm trước khi sinh 1 tháng, những lần mang thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vaccine phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Uốn ván rất nguy hiểm, gây tử vong với tỷ lệ cao, nhất là đối với trẻ em. Nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván. Nhằm bảo vệ  mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai và giúp trẻ sơ khỏi nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy việc tiêm phòng uốn ván rất quan trọng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về việc tiêm phòng uốn ván.

Tác giả: NHS H meri Kbuor – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột