Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng đối với người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm mùa và biến chứng nghiêm trọng do cúm mùa gây ra là tiêm vắc xin ngừa cúm. Vậy khi mang thai có tiêm vắc xin cúm được hay không là câu hỏi mà các mẹ bầu rất quan tâm. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một bệnh rất thường gặp và lây lan dễ dàng qua giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc chung đồ vật. Cúm mùa thường bắt đầu đột ngột với các triệu chứng như sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, ho và đau họng.
Cúm mùa thường hồi phục sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ thay đổi, vì vậy có thể làm tăng nguy cơ nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng do cúm.
Vắc xin cúm có tác dụng gì?
Vắc xin cúm sẽ kích thích hệ miễn dịch của bạn tạo ra kháng thể. Các kháng thể này lưu thông trong máu và sẽ tiêu diệt các virus gây cúm. Sau khi bạn tiêm vắc xin cúm 2 – 3 tuần, các kháng thể sẽ được sản xuất đầy đủ và bảo vệ cơ thể bạn chống lại cúm.
Vắc xin cúm có gây ra tác dụng phụ nào không?
Hầu hết các phản ứng phụ sau tiêm vắc xin cúm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình và sẽ tự hết sau 2 – 3 ngày.
Tại vị trí tiêm bạn có thể bị sưng, đau, có quầng đỏ, bầm máu hoặc có nốt cứng. Nếu vết tiêm sưng cứng to hoặc có chảy dịch, bạn cần báo lại cho nhân viên y tế để được kiểm tra.
Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp sau khi tiêm ngừa vắc xin cúm như: sốt, khó chịu, run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, đau cơ khớp toàn thân.
Vắc xin cúm có an toàn khi mang thai không?
Vắc xin cúm là loại vắc xin chứa virus đã loại bỏ khả năng gây bệnh, được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn cao nhất và chỉ cần tiêm một liều. Vắc xin ngừa cúm được sử dụng nhiều năm cho hàng triệu phụ nữ mang thai và hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé trong bụng mẹ.
Nên tiêm vắc xin cúm thời điểm nào khi mang thai?
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm cho phụ nữ có thai vào bất cứ giai đoạn nào của thai kì, bất kể tuổi thai.
Việt Nam là quốc gia ở vùng nhiệt đới gió mùa nên cúm có thể xuất hiện quanh năm. Cúm mùa có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân (vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm). Bạn nên tiêm vắn xin trước khi vào mùa cúm khoảng 1 tháng để được bảo vệ tốt nhất.
Các kháng thể tạo ra sau khi tiêm ngừa có thể truyền qua nhau thai và giúp bảo vệ trẻ sau khi sinh. Điều này rất quan trọng vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm ngừa cúm. Do đó, bạn vẫn nên tiêm vắc xin cúm ở những tháng cuối thai kì, ở bất kì thời điểm trong hoặc ngoài mùa cúm để phòng bệnh cúm cho cả mẹ bầu và trẻ sau sinh.
Khi tiêm ngừa vắc xin cần lưu ý gì?
Trước khi tiêm vắc xin
- Nên ăn uống đầy đủ để phòng ngừa hạ đường huyết trong khi ngồi đợi theo dõi sau tiêm.
- Nên mặc áo thoải mái, có cánh tay rộng để thuận lợi khi tiêm ở cánh tay.
- Nên thông báo với Bác sĩ các thông tin về tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi được chỉ định tiêm ngừa.
Sau khi tiêm vắc xin, bạn sẽ được hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 tiếng:
- Không nên chà xát hay đắp bất kì thứ gì vào vị trí tiêm.
- Nên duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng như thường ngày, uống nhiều nước và mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
- Nếu có bất kì các triệu chứng bất thường như sốt cao kéo dài, tím tái, khó thở… bạn hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và theo dõi kịp thời.
Đã tiêm ngừa cúm thì có bị cúm hay không?
Các virus cúm mùa không ngừng biến đổi mỗi năm. Do đó, vắc xin cúm được sản xuất hàng năm để bảo vệ bạn chống lại các loại cúm dự kiến trong năm, nhưng không chống lại tất cả các loại cúm đang lưu hành.
Các kháng thể được tạo ra sau tiêm ngừa cúm giúp bạn phòng ngừa bệnh trong khoảng 6 – 12 tháng và tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của bạn. Vì vậy, bạn vẫn có thể bị bệnh cúm dù đã tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cúm mùa có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc cúm, giảm độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Tiêm phòng vắc xin cúm là biện pháp phòng ngừa cúm an toàn và hiệu quả cho mẹ bầu ở bất kì giai đoạn nào của thai kì. Hãy tiêm ngừa cúm để bảo vệ bản thân và em bé đang phát triển của bạn nhé!
Tác giả: Đỗ Thị Loan – Điều dưỡng, Khoa CC-HSCĐ, Bệnh viện Mỹ Đức