THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM LÀ GÌ?

Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là kỹ thuật giúp tạo điều kiện cho tinh trùng tự kết hợp với noãn để tạo ra phôi trong điều kiện phòng thí nghiệm. Quá trình này được mô phỏng tương tự như trong cơ thể người mẹ.

Hiện nay trên thế giới, hàng năm có khoảng 500.000 chu kỳ TTTON và các kỹ thuật tương đương được thực hiện mỗi năm. Tại các nước phát triển, tỉ lệ bé sinh ra từ TTTON chiếm 5% trẻ sinh ra từ cộng đồng. Điều  này cho thấy, TTTON là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiệu quả và  được thực hiện phổ biến trên thế giới.. 

Vậy TTTON là gì? Các vấn đề liên quan đến Thụ tinh trong ống nghiệm bạn cần biết và chuẩn bị để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là từ để chỉ kỹ thuật điều trị hiếm muộn. Trong đó, noãn của người phụ nữ sẽ được lấy ra ngoài và kết hợp với tinh trùng của người nam bên ngoài cơ thể để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (vào khoảng  2-5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng từ cung của người phụ nữ. Từ đó, phôi sẽ làm tổ bên trong tử cung của người mẹ, và ngày qua ngày phát triển thành thai nhi khỏe mạnh.

Những trường hợp nào cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

  • Phụ nữ lớn tuổi (trên 35 tuổi)
  • Phụ nữ  đã từng bị tổn thương ống dẫn trứng (ví dụ như: tắc ống dẫn trứng hoặc ống dẫn trứng bị ứ dịch bên trong …)
  • Phụ nữ có các bệnh lý liên quan lạc nội mạc tử cung (lạc nội mạc tử cung là sự hiện diện mô nội mạc tử cung tại các vị trí khác nhau ngoài buồng tử cung)
  • Người nam có tinh trùng bất thường (số lượng tinh trùng ít, hay tinh trùng yếu, hoặc tinh trùng bị dị dạng về hình thể) 
  • Các cặp vợ chồng hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân
  • Các cặp vợ chồng đã thất bại với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung
  • Ngoài ra, TTTON còn được áp dụng cho những trường hợp người vợ không có noãn hoặc chồng không có tinh trùng, chẩn đoán di truyền tiền làm tổ

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện qua những bước sau:

 

Kỹ thuật chọc hút noãn tại Bệnh viện Mỹ Đức diễn ra như thế nào?

Tỉ lệ thành công của kỹ thuật TTTON như thế nào?

Trên thế giới, tỉ lệ thành công trong TTTON khoảng 40-50%. Tại Việt Nam, tỉ lệ này khoảng 35-40%. Tỉ lệ đậu thai tại   hệ thống IVFMD  6 tháng đầu  năm 2021 từ 40-60%. 

Sức khỏe trẻ sinh ra từ TTTON như thế nào?

Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học để kết luận trẻ sinh ra từ TTTON có tác động trực tiếp lên nguy cơ mắc các bệnh ác tính, cũng như sự phát triển tâm thần, vận động của trẻ TTTON so với các trẻ sinh ra từ thai kỳ tự nhiên. Vì vậy, nhìn chung trẻ sinh ra từ TTTON có bất thường tương đương với trẻ sinh ra từ thai kỳ tự nhiên khoảng 1-2%.

Các rủi ro có thể gặp khi làm TTTON là gì ?

Nguy cơ là một xác suất rủi ro có thể gặp phải trong bất kỳ kỹ thuật y khoa nào. Và TTTON cũng vậy. Tuy nhiên, nhìn chung TTTON là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả nếu được thực hiện bởi những Bác sĩ và ekip lành nghề, tại các cơ sở uy tín đảm bảo tính an toàn và phòng bị cấp cứu phù hợp. Một số rủi ro có thể gặp trong quá trình điều trị TTTON là: 

  • Quá kích buồng trứng (1.3%)
  • Xuất huyết nội (0.01%)
  • Đa thai (25%)

Ngoài ra còn có một số rủi ro khác hiếm gặp và tỉ lệ cũng cực kỳ thấp như:

  • Dị ứng, sốc phản vệ trong quá trình tiêm thuốc (rất hiếm)
  • Rủi ro trong quá trình gây mê (phụ thuộc nhiều yếu tố: cơ địa, thể chất người mẹ …)
  • Chọc hút không có noãn 
  • Noãn rụng sớm
  • Chảy máu bàng quang

Ngày nay, với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật và việc nghiên cứu không ngừng để đem lại hiệu quả cũng như sự an toàn cho các cặp vợ chồng điều trị TTTON. Vì vậy đừng trì hoãn việc có thai một khi anh/ chị đã biết nguyên nhân, hãy tiếp cận việc điều trị sớm để có được kết quả như mong muốn nhé.