THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ

Khi mang thai các mẹ bầu có nguy cơ thiếu máu cao do cơ thể cần tạo ra nhiều máu hơn để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và chú trọng trong suốt thời gian thai kỳ diễn ra. Vậy làm thế nào để có một đảm bảo các mẹ không bị thiếu máu trong suốt quá trình mang thai? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

1. Các dấu hiệu nhận biết thiếu máu trong thai kỳ 

Các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết thiếu máu trong khi mang thai phổ biến nhất với các mẹ bầu gồm có: 

Da nhợt nhạt: Mẹ bầu có thể gặp các tình trạng chính như màu da trở nên nhợt nhạt, thiếu sức sống, môi tái nhợt, lòng bàn tay bớt hồng hào và hơi lạnh, niêm mạc mí mắt có dấu hiệu thiếu các mạch máu nhiều hơn, lưỡi nhạt màu,…

Tóc gãy rụng nhiều, móng tay khô: Khi bị thiếu máu, tóc hay móng tay sẽ thiếu hụt dưỡng chất nuôi dưỡng và trở nên yếu ớt hơn bình thường. Lúc này, mẹ bầu có thể nhận thấy tình trạng móng tay nhạt màu, giòn yếu và dễ bị gãy hơn dù không chịu tác động gì. Cùng với đó, tóc cũng trở nên dễ gãy, rụng hơn bình thường, thậm chí có thể rụng thành từng mảng khi vuốt hoặc chải tóc.

Giảm khả năng gắng sức, cơ thể mệt mỏi hơn: Khi mang thai, mẹ bầu có thể cảm thấy tình trạng hồi hộp, khó thở nhẹ, đánh trống ngực liên tục,… Khi thiếu máu là nghiêm trọng hơn, thai phụ sẽ thấy người mệt mỏi thường xuyên, giảm khả năng gắng sức, hoa mắt kéo dài,… thậm chí là ngất xỉu.

Ý thức bị ảnh hưởng: Thiếu máu trong thời gian dài có thể khiến mẹ bầu gặp các vấn đề về thần kinh hoặc ý thức bị ảnh hưởng như trí não mơ hồ, mất ngủ, giảm trí nhớ, tê tay chân, dễ cáu gắt,…

Dễ bị nhiễm trùng: Thiếu máu trong quá trình mang thai khiến sức đề kháng của sản phụ bị suy giảm nhanh chóng. Đây chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu hoá, nhiễm trùng hô hấp, rộp loét, nứt nẻ môi,…

Rối loạn tiêu hóa: Thiếu máu khi thai kỳ diễn ra có thể khiến mẹ gặp phải tình trạng đau bụng, dễ nôn ói, kém ăn, bị táo bón hoặc đi phân lỏng xen lẫn,… Thông thường, nhiều mẹ bầu dễ nhầm lẫn những triệu chứng nói trên với vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài và không rõ nguyên nhân, mẹ cần thực hiện thăm khám để xác định rõ bệnh lý.

2. Các nguyên nhân dẫn đến thiếu máu ở phụ nữ mang thai

Khi mang thai tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị thiếu máu do họ cần nhiều sắt và acid folic hơn bình thường. Nếu phụ nữ mang thai có các yếu tố sau đây thì tình trạng thiếu máu lại càng dễ mắc hơn và nếu mắc thì càng nặng hơn:

  • Đa thai
  • Khoảng cách giữa hai lần mang thai gần nhau
  • Nôn rất nhiều vì ốm nghén nặng
  • Tuổi dậy thì mang thai
  • Không ăn đủ lượng thực phẩm giàu chất sắt
  • Bị thiếu máu trước khi mang thai.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, nhưng các nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu trong thai kỳ là:

Thiếu máu do thiếu sắt: Trong quá trình mang thai, nhu cầu sử dụng sắt của cơ thể mẹ tăng lên, để cung cấp sắt cho sự phát triển thai nhi.  Nếu mẹ bầu không điều chỉnh lượng sắt cung cấp đủ, có thể dẫn đến thiếu máu.

Thiếu máu do thiếu folate: Folate là một loại vitamin B có vai trò quan trọng trong việc tạo ra hồng cầu mới. Nếu mẹ bầu thiếu folate, sản xuất hồng cầu trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến thiếu máu.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12: Vitamin B12 cũng là một yếu tố cần thiết để sản xuất hồng cầu. Nếu mẹ bầu thiếu vitamin B12, cơ thể sẽ không sản xuất đủ hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.

3. Thiếu máu trong quá trình mang thai gây ảnh hưởng như thế nào?

Khi mẹ bầu mang thai nếu thiếu máu nặng sẽ gây nên tình trạng thiếu oxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não … có thể gây những hậu quả nặng nề nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Cụ thể như sau: 

Đối với thai nhi:

  • Thai nhi có nguy cơ bị suy thai, thai kém phát triển.
  • Trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, thiếu cân, nhẹ cân, sinh non,…
  • Mẹ thiếu máu khi mang thai khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cao hơn bình thường.
  • Trẻ có thể cần phải thực hiện các điều trị dưỡng nhi kéo dài đế có thể phát triển bình thường.
  • Trẻ gặp nguy cơ với các bệnh lý liên quan đến thần kinh và não bộ như tật vô sọ, chậm phát triển trí tuệ, cột sống chẻ đôi,…

Đối với mẹ bầu:

  • Dễ bị sảy thai trong ba tháng đầu của thai kỳ hoặc thai lưu.
  • Vỡ ối sớm gây sinh non.
  • Nguy cơ gặp phải các tình trạng như huyết áp thai kỳ, sản giật – tiền sản giật, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản,…
  • Thiếu sữa sau sinh.
  • Mệt mỏi, suy nhược kéo dài.

4. Dự phòng thiếu máu trong thai kỳ

Thiếu máu khi mang thai là hiện tượng thường gặp ở mẹ bầu, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sắt. Vì vậy, cần bổ sung sắt, vitamin B12 và axit folic đầy đủ. Việc bổ sung viên sắt và acid folic nên được tiến hành càng sớm càng tốt, không phải chỉ đến khi thiếu máu mới sử dụng.

Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo: “Phụ nữ có thai nên bổ sung từ 30-60mg sắt và 400mcg acid folic mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai”.

Để khắc phục và hạn chế tình trạng thiếu máu, các mẹ bầu nên thực hiện chế độ ăn cân đối, đặc biệt là các loại thuốc, thực phẩm giàu sắt, vitamin như:

Thực phẩm

Các loại thực phẩm giàu sắt, Vitamin B12: các loại thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng …Bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau muống…

Vitamin C cần thiết cho quá trình hấp thu sắt. Tuy nhiên, vitamin C sẽ tan trong nước chứ không dự trữ lâu trong cơ thể. Nếu chọn phương pháp bổ sung vitamin C qua chế độ ăn, bạn nên đảm bảo ngày nào cũng có thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn.

Sự kết hợp đa dạng các loại thực phẩm sẽ làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng.

Làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.

Không nên uống trà, cà phê ngay sau khi ăn vì sẽ dẫn đến giảm hấp thu sắt.

Thực phẩm chức năng

Trong suốt thai kỳ dùng thuốc bổ sung sắt có thể giúp mẹ đảm bảo nạp đủ sắt mỗi ngày. Tuy nhiên việc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Mẹ bầu tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc uống bổ sung sắt khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

Sắt là chất dinh dưỡng khó hấp thu, do vậy để cơ thể tăng cường hấp thu sắt các mẹ nên uống viên sắt lúc bụng đói và uống kèm với các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh… Uống sắt sau ăn 1-2 giờ để cơ thể được hấp thụ sắt tốt nhất.

Không dùng thuốc sắt cho bà bầu cùng thời điểm với sữa, thuốc bổ sung canxi hay thực phẩm giàu canxi vì canxi làm cản trở khả năng hấp thụ sắt. Vì vậy, thời điểm uống can xi và sắt nguyên chất phải cách xa nhau.

Ngoài ra, khi uống viên bổ sung sắt, mẹ cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa táo bón. Đặc biệt tránh sử dụng cùng trà hay cà phê vì sẽ làm giảm sự hấp thụ sắt.

Khi dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc, tránh bổ sung sắt quá liều lượng trong một thời gian dài có thể gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường.

Hiện nay thuốc sắt được bào chế dưới 2 dạng: sắt nước và viên sắt. Sắt nước có ưu điểm là dễ hấp thu, ít gây táo bón, ít gây nóng nhưng lại khó uống và dễ gây buồn nôn. Viên sắt có ưu điểm là dễ uống, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn sắt nước và gây nóng trong nhiều hơn.

Có thể dùng các loại viên thuốc chứa sắt đơn thuần được sản xuất ở dạng có hóa trị 2 như: viên sắt gluconat, sắt succinat, sắt fumarat, sắt oxalate…..

Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý những bệnh thiếu máu không do thiếu sắt (thiếu máu huyết tán, thiếu máu do nhiễm độc chì, thiếu máu do bệnh Thalassémie, suy tủy…) thì không được dùng loại thuốc có sắt.

Hy vọng thông tin bài viết có thể giúp ít cho các mẹ bầu trong quá trình mang thai. Chúc mẹ bầu có một “thai kỳ an vui”. Xin cảm ơn!

Tác giả: NHS. Ngô Nguyên Hạnh Thảo – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh