THAI NGOÀI TỬ CUNG CÓ THỂ SINH EM BÉ ĐƯỢC KHÔNG?

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài. Mặc dù nền y học hiện tại có nhiều tiến bộ nhưng thai ngoài tử cung vẫn là bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai sản khoa của phụ nữ. Vậy thai ngoài tử cung là gì, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và có thể sinh em bé được không? Hãy cùng IVFMD giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây bạn nhé.

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung (TNTC) là hiện tượng phôi làm tổ và phát triển ở một vị trí ngoài buồng tử cung. Hơn 95% trường hợp TNTC có vị trí làm tổ là ở ống dẫn trứng. Ngoài ra, TNTC còn có thể làm tổ ở những vị trí khác của cơ thể, như buồng trứng, cổ tử cung, trong dây chằng treo tử cung, trong ổ bụng và cả ở sẹo mổ cũ (có thể là sẹo mổ lấy thai cũ, sẹo phẫu thuật khác trên thân tử cung,…).

Những nguy cơ gây thai ngoài tử cung

Một số yếu tố nguy cơ gây TNTC thường gặp như: 

  • Viêm sinh dục, đặc biệt do Chlamydia trachomatis
  • Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng
  • Tiền sử bị TNTC
  • Bất thường giải phẫu ống dẫn trứng
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa progestin

Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ khác đó là:

  • Hút thuốc lá (chủ động hoặc thụ động)
  • Tuổi mẹ lớn hơn 35

Tuy nhiên, nếu bạn không có những yếu tố nguy cơ trên thì vẫn không thể loại trừ nguy cơ có TNTC khi mang thai, dù tỷ lệ thấp hơn. Do đó mọi phụ nữ nên có kiến thức về những thay đổi của cơ thể, đặc biệt các triệu chứng của TNTC để có thể đi khám kiểm tra khi nghi ngờ.

Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung

Trễ kinh là dấu hiệu đầu tiên vì nó cũng là dấu hiệu của người mang thai bình thường. Tuy nhiên TNTC sẽ có những biểu hiện bất thường khác gồm: ra huyết âm đạo bất thường và đau quặn bụng dưới. Khi một khối TNTC phát triển to ra các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn, đặc biệt là khi khối thai vỡ sẽ gây đau bụng dữ dội, cơn đau quặn thắt, kéo dài liên tục, đau toát mồ hôi, kèm theo chảy máu âm đạo. Lúc này toàn thân còn có dấu hiệu bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, thậm chí ngất  xỉu và có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, nếu phụ nữ đột ngột có những triệu chứng trên phải đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm và điều trị.

Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

TNTC là cấp cứu sản khoa cần chẩn đoán sớm và điều trị sớm. Hiện tại có 3 cách xử trí như sau: 

  • Theo dõi (không can thiệp) cho đến khi TNTC thoái triển hoàn toàn và chỉ số β-hCG huyết thanh về âm tính.
  • Điều trị nội khoa với Methotrexate đối với TNTC chưa vỡ với những điều kiện xác định một cách nghiêm ngặt.
  • Điều trị ngoại khoa giải quyết khối thai bằng phương pháp mổ mở hay mổ nội soi tuỳ thuộc vào thể bệnh và biểu hiện lâm sàng của người bệnh.

Khả năng mang thai sau điều trị thai ngoài tử cung

Rất nhiều người lo lắng sau khi bị TNTC có thể sinh em bé được không? Câu trả lời là có thể. Hầu hết phụ nữ đã từng bị TNTC đều sẽ có thể mang thai lại và sinh em bé ngay cả khi họ đã phẫu thuật cắt ống dẫn trứng bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi. Tuy nhiên nguy cơ mắc TNTC ở thai kỳ tiếp theo sẽ cao hơn so với phụ nữ bình thường nên cần cung cấp thông tin cho bác sĩ về thời gian, diễn tiến, cách điều trị và theo dõi sát ở thai kỳ này.

Biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài tử cung

Không có cách nào chắc chắn là phòng ngừa hoàn toàn TNTC, nhưng sau đây là những cách có thể giúp làm giảm yếu tố nguy cơ:

  • Vệ sinh vùng sinh dục sạch sẽ phòng tránh viêm nhiễm
  • Quan hệ tình dục an toàn phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Không hút thuốc lá
  • Tầm soát và điều trị (nếu có) các bệnh lây qua đường tình dục càng sớm càng tốt. 
  • Theo dõi kinh nguyệt để nhận ra các dấu hiệu bất thường
  • Đến bác sĩ khám ngay khi nghi ngờ mình có thai
  • Cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử sản khoa cho bác sĩ khi có thai.

Thai ngoài tử cung là một bệnh lý sản khoa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mẹ, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường khi mang thai, bạn cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám và tư vấn. Nhằm phát hiện sớm các bất thường từ đó có biện pháp xử lý nhanh chóng và kịp thời.