TÁO BÓN Ở PHỤ NỮ MANG THAI

Táo bón là một vấn đề khá phổ biến khi mang thai khiến không ít mẹ bầu khó chịu và gây ra nhiều phiền toái cho mẹ bầu. Các thai phụ có thể bị táo bón lần đầu hoặc quá trình mang thai sẽ làm nặng thêm các triệu chứng táo bón đã có. Vậy làm cách nào để mẹ bầu có thể giảm đi các triệu chứng táo bón? Bài viết dưới đây IVFMD sẽ cùng tìm hiểu với bạn về chủ đề này.

Táo bón là gì?

Táo bón được định nghĩa là sự khó khăn trong việc thải phân do giảm nhu động ruột. Đặc điểm chủ yếu là phân cứng, thô, lổm nhổm, cảm giác thải phân không hết và nhu động ruột không nhịp nhàng. Cơ chế bệnh của táo bón trong thai kỳ còn nhiều bàn cãi, với sự đóng góp của nhiều yếu tố và cơ chế chưa rõ ràng.

Tỷ lệ táo bón được báo cáo ở thai phụ dao động từ 11% đến 38% và xảy ra chủ yếu trong tam cá nguyệt thứ ba, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sớm từ tuần thứ 12 của thai kỳ.

Táo bón có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ hoặc do sự thay đổi hoạt động sinh học cũng như thói quen ăn uống trong thai kỳ. Bên cạnh đó, khi thai phát triển về mặt kích thước, cũng tạo áp lực đè nén lên đường ruột của người mẹ, gây ra táo bón do tắc nghẽn.

Táo bón thai kỳ

Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai?

  • Hormone

Thay đổi nồng độ hormone và đặc biệt là sự tăng đột biến của progesterone, có thể góp phần làm chậm nhu động ruột. Progesterone là chất giúp giãn cơ trơn khi thai lớn dần. Nhưng progesterone cũng có tác dụng phụ ngoài ý muốn trên cơ ruột đó là gây táo bón. Nồng độ progesterone tăng cao sẽ gây ức chế motilin, một loại hormone kích thích nhu động cơ trơn của ruột.

  • Chế độ ăn uống

Đối với nhiều thai phụ, các triệu chứng ốm nghén và giảm cảm giác thèm ăn có thể làm thay đổi thói quen ăn uống thông thường. Hệ thống tiêu hóa chưa thích nghi với sự thay đổi và có thể phản ứng lại bằng cách gây táo bón và các tác dụng phụ khó chịu khác như cảm giác đầy hơi, chướng bụng, chuột rút và đau.

Bên cạnh đó, một chế độ ăn ít chất xơ và uống ít nước là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở người bình thường cũng như ở thai phụ.

  • Giảm vận động

Đối với một số phụ nữ, thai kỳ có thể gây buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, và những triệu chứng cơ năng khác có thể làm cho họ giảm vận động. Việc giảm vận động toàn cơ thể có thể dẫn đến giảm nhu động ruột gây ra táo bón.

  • Căng thẳng

Quá trình học tập làm mẹ ban đầu sẽ rất thú vị, tuy nhiên nó cũng có thể gây ra căng thẳng. Trên thực tế, tất cả các loại căng thẳng, cả “xấu” (căng thẳng tiêu cực) và “tốt” (căng thẳng tích cực) đều tác động đến cơ thể theo cùng một cách.

Sự căng thẳng, lo lắng là bình thường và tự nhiên khi mang thai nhưng nó cũng có thể đưa cơ thể sang trạng thái “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight). Hiệp hội sản phụ Hoa Kỳ (APA) cho rằng căng thẳng dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thức ăn và sự di chuyển của thức ăn qua ruột, điều này có thể dẫn đến táo bón.

Căng thẳng, lo lắng gây tăng tình trạng táo bón
  • Thực phẩm chức năng hoặc thuốc

Một trong những thực phẩm chức năng thai phụ thường dùng có thể gây táo bón là sắt. Các loại thuốc khác cũng có thể góp phần gây táo bón – vì vậy các thai phụ nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung bất kì thực phẩm chức năng nào trong thai kỳ.

Thực phẩm chức năng hoặc thuốc
  • Táo bón có thay đổi theo sự phát triển của thai hay không?

Táo bón có thể thay đổi theo sự phát triển của thai. Điều này là do sự thay đổi nội tiết tố ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ và những thay đổi về thể chất. Ví dụ, toàn bộ cấu trúc ở bụng giãn ra và mở rộng khi thai nhi phát triển, dẫn đến tăng áp lực lên các cấu trúc và cơ quan trong ổ bụng, bao gồm ruột non, ruột già, trực tràng và bàng quang.

Những phương pháp điều trị có thể dùng để giảm táo bón trong thai kỳ

Thực tế là trong thời gian mang thai, mẹ bầu không thể ngăn các tác động của hormone thai kỳ khiến bạn khó đi ngoài hơn. Thế nhưng, táo bón trong thai kỳ có liên quan đến suy giảm chất lượng cuộc sống và gây lo lắng cho thai phụ cũng như các vấn đề về thể chất, một số trường hợp có thể bị trĩ. Nếu như bạn bị táo bón khi mang thai, bạn có thể áp dụng các biện pháp trị táo bón sau đây để việc “đi nặng” diễn ra nhẹ nhàng hơn:

  • Các biện pháp can thiệp không dùng thuốc:

Thay đổi chế độ ăn uống, uống nước và tập thể dục được khuyến nghị đầu tiên. Sau đó là các biện pháp can thiệp dược lý nếu các biện pháp can thiệp không dùng thuốc thất bại.

  • Tăng lượng chất xơ (rau xanh, các cây họ đậu, trái cây họ cam, chuối, đu đủ chín, khoai lang, bí đỏ, cà rốt…) giúp cơ thể bạn hấp thu nhiều nước. Từ đó, hỗ trợ làm mềm phân và tăng tốc độ di chuyển của các chất thải này trong đường ruột.
Tăng lượng chất xơ giúp cơ thể bạn hấp thu nhiều nước
  • Uống nhiều nước từ 2,5- 3 lít nước/ ngày bao gồm tất cả đồ uống trong ngày đều được tính như sữa, nước lọc hay nước canh…
Uống nhiều nước từ 2,5- 3 lít nước/ ngày
  • Tập thể dục hàng ngày: theo Hiệp hội sản phụ Hoa Kỳ (APA) khuyến nghị nên tập thể dục cường độ trung bình từ 20 đến 30 phút ít nhất ba lần mỗi tuần, ví dụ bơi lội hay đi bộ, yoga.
Tập thể dục hàng ngày

Biện pháp can thiệp dùng thuốc:

  • Điều chỉnh liều lượng vitamin trước khi sinh.
  • Trong một số trường hợp, có thể chuyển sang chế phẩm sắt khác hoặc dùng liều thấp hơn để giảm triệu chứng táo bón.
  • Trong trường hợp mắc táo bón kéo dài hoặc nặng, mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc trị táo bón khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Biện pháp can thiệp dùng thuốc:

Theo đó, mẹ bầu nên đi khám dinh dưỡng để được chẩn đoán, tư vấn điều trị, cũng như xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp. Giúp các mẹ bầu nhanh chóng cải thiện tình trạng táo bón, đảm bảo sức khỏe mẹ và thai nhi.

Hy vọng rằng với những thông tin được cung cấp sẽ giúp các mẹ có thể hiểu rõ những nguy hiểm của chứng táo bón khi mang thai đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Đồng thời với những thông tin được cung cấp, các mẹ bầu sẽ có được cho mình các cách trị táo bón, để có một thai kỳ thật khỏe mạnh.