TẦM QUAN TRỌNG CỦA XÉT NGHIỆM DUNG NẠP ĐƯỜNG HUYẾT TRONG THAI KỲ

Để chuẩn bị cho thiên chức làm mẹ, chúng ta nên biết những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ cũng như những mốc xét nghiệm quan trọng. Trong đó, xét nghiệm dung nạp đường huyết là một trong những xét nghiệm cần thiết không nên bỏ qua. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu xét nghiệm này là gì nhé!

Ý nghĩa của xét nghiệm dung nạp đường huyết là gì?

Xét nghiệm dung nạp đường huyết (hay còn được gọi tắt là OGTT) là xét nghiệm tầm soát đái thái đường thai kỳ cho các mẹ bầu. Từ đó, các bác sĩ có thể kiểm soát và dự phòng các biến chứng cho cả mẹ và bé.

Những ảnh hưởng khi đường huyết bất thường?

Đối với mẹ:

  • Gây đái tháo đường trong thai kỳ.
  • Có thể dẫn đến đái tháo đường về sau.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng sau sinh nếu không được kiểm soát và dự phòng tốt.

Đối với bé:

  • Con to.
  • Sinh khó.
  • Tăng khả năng mổ lấy thai.
  • Nguy cơ mất tim thai trong thai kỳ.

Vậy khi nào chúng ta biết đường huyết bất thường?

Thông thường, bạn không thể tự phát hiện ra đường huyết của bản thân có bất thường. Vậy cho nên bạn cần tái khám thai đều đặn theo đúng hẹn của bác sĩ để được làm xét nghiệm dung nạp đường huyết (OGTT).

Đường huyết được xác định là bất thường khi các chỉ số xét nghiệm lớn hơn ngưỡng bình thường.

Ngưỡng chỉ số bình thường:

  • Đường huyết lúc đói:                            < 5.3 mmol/L
  • Đường huyết sau 1 giờ uống đường:   < 10 mmol/L
  • Đường huyết sau 2 giờ uống đường:   < 8.6 mmol/L

Bạn chuẩn bị gì cho xét nghiệm OGTT?

Bạn sẽ phải nhịn ăn từ 23 giờ đêm hôm trước để làm xét nghiệm vào sáng hôm sau. Bạn sẽ được lấy máu 3 lần trong vòng 2 tiếng. Trong suốt quá trình đó bạn tuyệt đối được không được ăn hoặc uống nước có đường. Tuy nhiên, nếu khát bạn vẫn có thể uống nước lọc nhé.

Quy trình xét nghiệm:

  • Lấy máu lần thứ 1.
  • Uống 1 chai nước đường.
  • Lấy máu lần 2 sau 1 giờ uống nước đường.
  • Lấy máu lần 3 sau 2 giờ uống nước đường.

Cần làm gì khi xét nghiệm bị đái tháo đường thai kỳ?

Khi được chẩn đoán xác định là đái tháo đường thai kỳ, điều đầu tiên là bạn nên bình tĩnh và nghiêm túc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Vận động tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ.
  • Điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
  • Khám chuyên khoa nội tiết.

Sau khi kiểm soát được đường huyết có được gọi là khỏi bệnh hay không?

Nhiều thai phụ sẽ thắc mắc rằng: Đã kiểm soát được đường huyết là đã khỏi bệnh rồi, có thể ăn uống tự do đúng hay không?

Thực tế chúng ta chỉ kiểm soát được bệnh mà thôi. Thế nên, bạn vẫn cần điều trị tiết chế hoặc dùng thuốc tiếp tục cho đến sau sinh để tránh những nguy cơ biến chứng của bệnh nhé. Chúc các bạn có một hành trình mang thai khỏe mạnh và an vui.