SỰ THẬT VỀ CHỤP HSG BỊ ĐAU VÀ PHẢI NẰM LẠI BỆNH VIỆN?

IVFMD thường xuyên nhận được những câu hỏi thắc mắc từ các anh chị khách hàng khi được bác sĩ chỉ định chụp phim X-Quang buồng tử cung – vòi trứng (hay còn gọi là ống dẫn trứng). Ví dụ như: Quá trình chụp có đau không? Có phải nằm lại bệnh viện không? Có cần phải chuẩn bị gì hay không? Sau chụp có lưu ý gì?

Hiểu được tâm lý lo lắng đó, IVFMD hy vọng bài viết dưới đây có thể giúp giải đáp phần nào các thắc mắc của các anh chị khách hàng đang không ngừng nổ lực trên hành trình tìm con nhé!

Chụp HSG là gì?

Chụp HSG, hay còn gọi là chụp X-Quang buồng tử cung – vòi trứng có chất cản quang để kiểm tra tình trạng bên trong tử cung và ống dẫn trứng.

Chụp HSG được sử dụng để chẩn đoán các trường hợp tắc, ứ dịch ống dẫn trứng cũng như phát hiện ra các bất thường về kích thước hay hình dạng của tử cung. Từ đó giúp các bác sĩ đưa ra các chỉ định điều trị hiếm muộn phù hợp.

Chụp HSG được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm chẩn đoán hình ảnh. Thời điểm để chụp HSG là trong nửa đầu của chu kì kinh nguyệt (tốt nhất là từ ngày 6 – ngày 9 chu kì kinh). Đây là thời điểm khả năng thụ thai thấp nhất.

Quá trình chụp HSG diễn ra như thế nào?

Bạn sẽ được bác sĩ kê cho một toa thuốc gồm có thuốc kháng sinh và giảm đau, uống trước khi chụp phim 30 phút để bạn bớt khó chịu và ngăn ngừa nhiễm trùng. Lưu ý là bạn cần ăn no trước khi uống thuốc và nếu bạn có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn hoặc tiền căn bệnh lý nội khoa thì phải báo ngay với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nhé.

Trước khi chụp phim, bạn cần đi tiểu sạch để làm trống bàng quang, vệ sinh và lau khô vùng kín để tránh nhiễm trùng.

Bạn sẽ được hướng dẫn nằm trên bàn với tư thế sản phụ khoa. Kỹ thuật viên sẽ đặt mỏ vịt, vệ sinh âm đạo và tiến hành bơm chất cản quang vào buồng tử cung. Thuốc cản quang sẽ phản ánh các cấu trúc bên trong của buồng tử cung và ống dẫn trứng khi chụp X-Quang.

Bác sĩ sẽ chụp phim X-Quang 4 lần ở 4 thời điểm khác nhau để đánh giá mức độ thoát thuốc cản quang. Từ đó đưa ra nhận định về tình trạng buồng tử cung và ống dẫn trứng.

Vậy thì chụp HSG có đau không?

Cảm giác sẽ gần giống như lúc bạn khám phụ khoa. Bạn cần thả lỏng cơ thể, thả lỏng vùng âm đạo để giảm bớt tối đa cảm giác khó chịu khi bác sĩ đưa mỏ vịt vào dễ dàng. Lúc đưa mỏ vịt vào, bạn sẽ thấy hơi thốn nhẹ nhưng sẽ không quá đau vì cổ tử cung không có đầu dây thần kinh.

Đa phần, sau khi chụp HSG bạn có thể về nhà ngay, không cần nằm lại bệnh viện. Tuy nhiên, bởi vì ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau, nên nếu bạn cảm thấy đau nhiều và cần nghỉ ngơi thì có thể liên hệ với nhân viên của IVFMD để sắp xếp cho bạn nhé!

Sau khi chụp HSG cần lưu ý những gì?

Sau khi chụp phim xong, bạn có thể thấy âm đạo tiết ra một ít dịch màu nâu đỏ. Dịch này chính là dung dịch Povidine 10% dùng để vệ sinh âm đạo trước khi chụp phim từ từ chảy ra. Dịch cũng có thể kèm theo máu do quá trình đặt mỏ vịt hoặc có thể do máu kinh còn sót lại của chu kỳ vừa sach kinh. Vì vậy bạn nên chuẩn bị băng vệ sinh nhỏ hằng ngày. Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu bạn không mang theo nhé, vì bệnh viện luôn trang bị đầy đủ cho các chị.

Một số triệu chứng có thể gặp ngay sau khi chụp:

  • Chảy ít máu âm đạo.
  • Co thắt tử cung.
  • Khó chịu vùng bụng dưới (giống đau bụng kinh).
  • Chóng mặt (rất hiếm trường hợp ngất xỉu).

Hy vọng qua những thông tin trên, anh chị đã có được câu trả lời rõ ràng về các vấn đề liên quan đến chụp phim HSG. Chúc anh chị sớm nhận được tin vui trong hành trình kiên cường của mình!