SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI QUA TỪNG TUẦN

Mang thai là một hành trình đặc biệt và vô cùng thiêng liêng mà mọi người phụ nữ đều mong đợi. Suốt chín tháng mười ngày là khoảng thời gian trải qua nhiều mệt mỏi nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Vì vậy, việc tìm hiểu và theo dõi quá trình phát triển của thai nhi qua từng tuần đều gây hứng thú và kích thích sự tò mò của các cặp vợ chồng. Hãy đọc những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về điều này nhé.
1.Tại sao cần theo dõi sự phát triển của thai nhi?
Sự phát triển của thai nhi là một quá trình có trật tự và phức tạp. Quá trình này bắt đầu trước khi bạn biết mình mang thai và kết thúc bằng việc sinh con. Từ lúc thụ thai đến khi sinh, có rất nhiều bước chi tiết phải diễn ra. Việc chủ động theo dõi sự phát triển của thai nhi, giúp phát hiện sớm các bất thường và giảm thiểu các rủi ro không đáng có.

Chủ động thăm khám theo dõi sự phát triển của thai nhi là điều vô cùng cần thiết

2. Sự phát triển của thai nhi qua từng tuần
Ngay sau khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, một quá trình phức tạp được diễn ra để hình thành nên một em bé. Quá trình này được chia làm 3 giai đoạn tương ứng từ tam cá nguyệt thứ nhất đến tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối của thai kỳ). Trong mỗi giai đoạn, từng bộ phận quan trọng sẽ được hình thành và phát triển, hoàn thành đến khi trẻ chuẩn bị chào đời. Vì vậy, với mỗi giai đoạn khác nhau mà cách chăm sóc thai kỳ cũng sẽ khác nhau.
Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ)
1 – 8 tuần:
– Não và cột sống bắt đầu hình thành.
– Mô tim bắt đầu phát triển.
– Các cơ ở mắt, mũi và miệng hình thành.
– Các ngón tay và ngón chân có màng nhô ra từ bàn tay và bàn chân đang phát triển.
– Phổi bắt đầu hình thành các ống dẫn khí
– Tai trong bắt đầu phát triển.
– Vào cuối tuần thứ 8, em bé của bạn dài gần 1.27 cm.

9 – 12 tuần:
– Sụn ​​ở chân tay, bàn tay và bàn chân bắt đầu hình thành, nhưng sau vài tuần mới cứng lại thành xương.
– Mí mắt hình thành nhưng vẫn nhắm.
– Bộ phận sinh dục bắt đầu hình thành.
– Gan bắt đầu phát triển. Thận bắt đầu tạo ra nước tiểu.
– Tuyến tụy bắt đầu sản xuất insulin.
– Móng tay đang hình thành.
– Các dây thần kinh và cơ bắt đầu hoạt động cùng nhau. Em bé của bạn có thể nắm tay lại. Cuối tuần thứ 12, em bé dài khoảng 5 cm, nặng 14gram.
Tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ)
13 – 16 tuần:
– Xương trở nên cứng hơn, đặc biệt là xương dài.
– Da mỏng và trong suốt nhưng sẽ sớm dày lên.
– Hình thành móng chân.
– Cổ được xác định rõ ràng và chi dưới phát triển.
– Khả năng nghe bắt đầu phát triển.
– Phổi bắt đầu hình thành mô
– Phân su phát triển trong đường ruột của bé.
– Em bé của bạn có động tác mút bằng miệng (phản xạ mút).
– Cuối tuần thứ 16, em bé của bạn sẽ dài hơn 10.1 cm và nặng hơn 85 gram.
17 – 20 tuần:
– Phần não điều khiển các chuyển động vận động đã hình thành đầy đủ.
– Hệ tiêu hóa đang hoạt động.
– Tai, mũi và môi có thể nhìn thấy được qua siêu âm.
– Ở bé gái, tử cung và âm đạo bắt đầu hình thành.
– Em bé của bạn hoạt động nhiều hơn. Bạn có thể cảm thấy em bé cử động (thai máy) nhẹ.
– Em bé của bạn có thể nghe và nuốt.
– Cuối tuần thứ 20, em bé của bạn dài hơn 15.2 cm và nặng ít nhất 311gram.
21 – 24 tuần:
– Em bé cử động tay chân và xoay mạnh hơn
– Phản xạ mút đang phát triển.
Tóc bắt đầu mọc trên đầu bé.
– Phản xạ tay và phản xạ giật mình phát triển.
– Con bạn ngủ và thức dậy đều đặn.
– Nếu con bạn là con trai, tinh hoàn của bé bắt đầu di chuyển từ bụng vào bìu. Nếu con bạn là con gái, tử cung và buồng trứng của bé đã vào đúng vị trí, và số lượng trứng cũng đã hình thành trong buồng trứng.
– Cuối tuần thứ 24, em bé dài khoảng 30.4 cm, nặng khoảng 680 gram.
Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ)
25 – 28 tuần:
– Phổi đã hình thành đầy đủ nhưng chưa sẵn sàng hoạt động bên ngoài tử cung.
– Âm thanh lớn có thể khiến thai nhi phản ứng bằng những cử động giật mình và co tay, co chân.
– Mí mắt có thể mở và đóng.
– Cuối tuần thứ 28, em bé dài khoảng 38.1 cm, nặng khoảng 1134 gram.

29 – 32 tuần:
– Thai nhi có thể duỗi người, đá và thực hiện các động tác nắm bắt.
– Mắt có thể cảm nhận sự thay đổi của ánh sáng.
– Đầu có thể có một ít tóc.
– Ở bé trai, tinh hoàn đã bắt đầu di chuyển xuống bìu.
– Cuối tuần thứ 32, em bé dài gần 43.1 cm và nặng khoảng 1814 gram.
33 – 36 tuần:
– Xương cứng lại nhưng hộp sọ vẫn mềm và linh hoạt.
– Móng tay đã mọc đến tận đầu ngón tay.
– Tứ chi bắt đầu trông đầy đặn.
– Thai nhi có thể xoay đầu hướng xuống
– Cuối tuần thứ 36, em bé dài khoảng 45.7 cm và nặng khoảng 2722 gram.
37 – 40 tuần:
– Hệ tuần hoàn, hệ thống cơ xương, phổi, não và hệ thần kinh đã hoàn thiện.
– Chất béo tiếp tục được bổ sung khắp cơ thể để giữ ấm cho em bé sau khi sinh.
– Cuối tuần thứ 40, em bé của bạn có thể nặng từ 3402 gram đến 3629 gram và dài khoảng 50.8 cm.

Một em bé khỏe mạnh đều trải qua những giai đoạn đặc biệt trong thai kỳ

Lưu ý các chỉ số về chiều dài hay cân nặng chỉ mang tính chất tham khảo. Để theo dõi sự phát triển thai nhi nên đi khám thai định kỳ và siêu âm. Hãy tái khám theo lịch hẹn mà nhân viên y tế đã hướng dẫn. Hy vọng thông qua những thông tin này, các ông bố bà mẹ đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Hãy giữ cho mình một tâm lý thoải mái để có một em bé khỏe mạnh và chờ đón bé yêu của mình đến với gia đình nhé.