SỰ PHÂN MẢNH DNA TINH TRÙNG LÀ GÌ?

Tinh dịch đồ được xem là xét nghiệm đầu tay để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới. Xét nghiệm này cho chúng ta biết được các thông số như mật độ, khả năng di động, tỉ lệ sống/chết, hình dạng tinh trùng… Tuy nhiên, tinh dịch đồ lại không thể hiện được mức độ toàn vẹn DNA của tinh trùng. Vì vậy, xét nghiệm đánh giá độ phân mảnh DNA tinh trùng ra đời nhằm hỗ trợ chẩn đoán hiếm muộn nam cùng với tinh dịch đồ.  Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 30% nam giới hiếm muộn có chỉ số tinh dịch bình thường nhưng chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng vượt ngưỡng. Vậy phân mảnh DNA tinh trùng là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các thông tin sau đây nhé!

Phân mảnh DNA tinh trùng là gì?

Phân mảnh DNA tinh trùng được định nghĩa là tổn thương cấu trúc bên trong bộ gen của tinh trùng. Cụ thể đó là sự đứt gãy của các mạch trong cấu trúc DNA tinh trùng. Sự phân mảnh DNA tinh trùng ở nam giới có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản tự nhiên cũng như làm giảm tỷ lệ thành công trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI – DNA Fragmentation Index) sẽ đánh giá mức độ phân mảnh tinh trùng và được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm tinh trùng có phân mảnh DNA trong tổng số tinh trùng có trong mẫu đánh giá.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để đánh giá mức độ phân mảnh DNA tinh trùng như: Khảo sát cấu trúc nhiễm sắc chất tinh trùng (Sperm Chromatin Structure Assay – SCSA); Đánh dấu đứt gãy DNA bằng các dUT được xúc tác bởi enzyme terminal deoxynucleotid transferase (TUNEL); Điện di cá thể tế bào đơn (COMET); Khảo sát sự phân tán nhiễm sắc chất tinh trùng (SCD);…

Trong đó, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Tại IVFMD, chúng tôi hiện đang đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng bằng phương pháp SCSA, được xem là tiêu chuẩn vàng trong các phương pháp xác định giá trị DFI. Xét nghiệm này có quy trình chuẩn hóa, có ngưỡng giá trị chuẩn để tham khảo và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Theo xét nghiệm SCSA, nam giới có chỉ số mức độ phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) sẽ được chẩn đoán như sau:

  • DFI <15%: bình thường, lý tưởng nhất là DFI <10%.
  • DFI từ 15% đến 30%: mức độ phân mảnh nhẹ .
  • DFI >30%: mức độ phân mảnh nặng và khả năng sinh sản tự nhiên rất thấp, tỷ lệ sẩy thai cao.

Dựa trên chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng và tinh dịch đồ, bác sĩ sẽ tư vấn và định hướng phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, những cặp vợ chồng nếu có chỉ số DFI < 25% nên thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hoặc thụ tinh ống nghiệm cổ điển (IVF). Nếu chỉ số DFI  ≥ 25%, phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả nhất là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).

Phân mảnh DNA tinh trùng có ảnh hưởng như thế nào?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng phân mảnh DNA của tinh trùng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ tinh của tinh trùng và chất lượng phôi. Tinh trùng có phân mảnh DNA vẫn có thể thụ tinh được, đặc biệt là khi thực hiện TTTON với phương pháp ICSI. Khả năng thụ tinh phụ sẽ thuộc vào sự cân bằng giữa mức độ tổn thương của tinh trùng và khả năng sửa chữa lỗi của tế bào noãn. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, sự phân mảnh DNA của tinh trùng vượt quá khả năng tự sửa chữa của tế bào noãn hoặc noãn người phụ nữ đã bị giảm chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi. Cụ thể hơn là phôi không phát triển, không làm tổ, hoặc muộn hơn là gây sẩy thai.

Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự phân mảnh DNA tinh trùng?

Sự phân mảnh DNA tinh trùng liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm:

  • Bệnh lý: giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhiễm trùng đường sinh dục, rối loạn nội tiết,…
  • Tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường và công việc: ô nhiễm không khí, nhiệt độ cao, các hóa chất độc hại.
  • Lối sống không lành mạnh: béo phì, hút thuốc, rượu bia,…
  • Đang phải thực hiện hóa trị, xạ trị.
  • Lão hóa.
  • Thời gian kiêng xuất tinh dài.

Hạn chế nguy cơ sự phân mảnh DNA tinh trùng như thế nào?

Như đã đề cập, DNA của tinh trùng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi tác, thuốc lá, béo phì và các hóa chất độc hại. Vì vậy, phương pháp được đề xuất hiện nay là thay đổi lối sống, điều trị chống oxy hóa và cải thiện việc chọn lọc tinh trùng. Bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc hóa chất độc hại và giảm cân ở người nam béo phì là những hành động tích cực để thay đổi trong lối sống. Ngoài ra, bổ sung các chất chống oxy hóa cho nam giới như: vitamin E, vitamin C, carotenoid, kẽm cũng có thể giúp làm giảm khả năng phân mảnh DNA tinh trùng.

Các cặp vợ chồng mong con trong thời gian dài và gặp các yếu tố nguy cơ như trên, nếu muốn được tư vấn chi tiết thì hãy đừng ngần ngại đến gặp các chuyên gia hỗ trợ sinh sản. Các bác sĩ sẽ tư vấn rõ ràng và đầy đủ nhất, đồng thời đưa ra những phương án điều trị thích hợp giúp các bạn sớm thực hiện thiên chức của mình.