SIÊU ÂM PHỤ KHOA TRONG HIẾM MUỘN VÀ NHỮNG BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP

Siêu âm đầu dò âm đạo trong điều trị hiếm muộn là phương pháp cận lâm sàng, không xâm lấn, chi phí thấp và có thể thực hiện nhiều lần, được bác sĩ siêu âm thực hiện bằng cách đưa đầu dò vào âm đạo của người phụ nữ nhằm kiểm tra tử cung, buồng trứng và khảo sát bệnh lý nếu có.

Hiên nay, siêu âm chẩn đoán hiếm muộn vô sinh có thể giúp chẩn đoán một số bệnh lý về: tử cung, nội mạc tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và một số nguyên nhân khác.

  1. Tử cung:

Tử cung là cơ quan quan trọng trong bộ phận sinh sản của nữ giới có nhiệm vụ như một chiếc tổ của thai nhi, đồng thời giúp người phụ nữ có kinh nguyệt hàng tháng. Tử cung nằm giữa bàng quang và trực tràng có hình quả lê dốc ngược phần trên lồi to gọi là đáy tử cung, phần dưới nhỏ dài gọi là cổ tử cung.

  • U xơ tử cung có thể là nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn. Nhiều phụ nữ bệnh lý u xơ tử cung kích thước nhỏ phần lớn có thể có thai và sinh con bình thường, không cần sử dụng phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên vẫn khoảng 5% – 10% nữ giới vô sinh bị ảnh hương bởi u xơ tử cung và một số khác gây ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và mang thai.
  • Adenomyosis là tình trạng niêm mạc tử cung bình thường (các tuyến và mô đệm) xuất hiện bất thường ở các vị trí khác ngoài buồng tử cung. Nó gây ra cơn đau dữ dội và ảnh hương đến khả năng mang thai.
  • Dị tật tử cung: siêu âm giúp đánh giá một số bất thường về cấu trúc giải phẫu của tử cung: tử cung 1 sừng, tử cung 2 sừng, tử cung đôi, vách ngăn tử cung, không có tử cung…
  1. Nội mạc tử cung

Là lớp mô niêm mạc lót trong buồng tử cung. Độ dày mỏng của nội mạc ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.

  • Tăng sinh nội mạc tử cung: là tình trạng tăng sinh bất thường ở tuyến ở nội mạc tử cung về kích thước và hình dạng làm cho tỷ lệ tuyến/mô đệm tăng lên so với nội mạc tử cung bình thường. Sự hiện diện của tế bào có nhân to, dị dạng, không điển hình là dấu hiệu quan trọng nhất cho nguy cơ diễn tiến thành ung thư nội mạc tử cung ở người phụ nữ bị tăng sinh nội mạc tử cung

Tăng sinh nội mạc tử cung là bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ cũng như khả năng sinh sản.

  • Polyp nội mạc tử cung là sự phát triển quá mức của các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung. Polyp nội mạc tử cung có thể là một hay nhiều polyp với kích thước vài milimet tới vài centimet, cấu tạo có cuống hoặc không cuống và có thể phát triển trong tất cả vị trí ở buồng tử cung.

Polyp nội mạc tử cung có triệu chứng hoặc không có triệu chứng thường gây chảy máu tử cung bất thường và có thể gây vô sinh và sẩy thai.

  • Ung thư nội mạc tử cung là u biểu mô có tính chất ác tính, bắt nguồn từ biểu mô nội mạc tử cung, có thể xâm nhập lớp cơ tử cung và lan tới các bộ phận khác của cơ thể. Nếu bệnh được phát hiện khi đang ở vào giai đoạn sớm và người bệnh được áp dụng kịp thời các phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhân phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh này khi nó đã tiến triển đến giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ xảy ra di chứng và nguy cơ tử vong càng cao hơn. Lúc này, bệnh đã di căn tới những cơ quan của cơ thể như phổi, gan, não,… tác động nghiêm trọng đến khả năng sinh sản cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh.
  1. Buồng trứng


Buồng trứng là tuyến sinh dục của nữ, vừa có chức năng nội tiết (tiết ra các hormon sinh dục nữ quyết định giới tính phụ như estrogen và progesteron), vừa có chức năng ngoại tiết (sự rụng trứng). Trên cơ thể người có hai buồng trứng: một bên phải và một bên trái.

  • Nang lạc nội mạc tử cung:  là tình trạng nội mạc tử cung phát triển ở ngoài buồng tử cung và một số vị trí ở trong vùng chậu.
  • Buồng trứng đa nang: Hội chứng buồng trứng đa nang là một hội chứng lâm sàng điển hình được đặc trưng bởi không rụng trứng hoặc ít rụng trứng, các dấu hiệu dư thừa adrogen (ví dụ: rậm lông, mụn trứng cá) và đa nang buồng trứng trên siêu âm. Hội chứng này liên quan đến sự rối loạn chức năng phóng noãn hoặc không phóng noãn và thừa nội tiết đó là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh.
  • U bì buồng trứng: là một khối u phát triển bên trong buồng trứng có nguồn gốc từ các tế bào mầm biệt hóa. Các khối u này có cấu trúc gồm các mô bã, tóc, da, xương…U bì có thể là lành tính hoặc ác tính:
  • Ung thư buồng trứng là tình trạng một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường, phát triển thành những khối u ác tính xâm lấn và tấn công phá hủy các mô, cơ quan bộ phận trong cơ thể
  1. Ống dẫn trứng

Có cấu tạo hình ống, rỗng ruột bên trong và là “cầu nối” giữa buồng trứng và buồng tử cung. Một người phụ nữ sẽ có hai ống dẫn trứng.

  • Ứ dịch ống dẫn trứng: là tình trạng tích tụ dịch vô trùng trong ống dẫn trứng. Ứ dịch ống dẫn trứng thường là hậu quả và giai đoạn cuối của ứ mủ ống dẫn trứng, ống dẫn trứng bị tắc nghẽn hoàn toàn do nhiễm trùng.

Ứ mủ ống dẫn trứng nếu nặng có thể lan đến các cấu trúc xung quanh và tạo thành abces ống dẫn trứng buồng trứng.

Ống dẫn trứng là nơi tinh trùng gặp và thụ tinh với trứng, tạo thành phôi. Ống dẫn trứng ứ dịch sẽ cản trở quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng.

Biến chứng quan trọng nhất của ứ dịch ống dẫn trứng là gây vô sinh. Thông thường bệnh nhân được vô tình phát hiện ứ dịch ống dẫn trứng khi khám vô sinh thông qua chụp hình cản quang buồng tử cung ống dẫn trứng hoặc siêu âm.

Đa phần tình trạng viêm nhiễm trước đó không có biểu hiện lâm sàng mà âm thầm dẫn đến ứ dịch ống dẫn trứng. Một số trường hợp có thể đến khám vì bệnh cảnh abces phần phụ.

Siêu âm phụ khoa trong việc chẩn đoán và điều trị vô sinh hiếm muộn đóng vai trò quan trọng. Là một kỹ thuật không xâm lấn, rẻ tiền, có thể thực hiện nhiều lần. Với việc đánh giá hình ảnh cơ quan sinh sản của nữ giới, siêu âm phụ khoa giúp chẩn đoán khá chính xác những bệnh lý và nguyên nhân thường gặp gây vô sinh hiếm muộn. Hiện nay, ngoài kỹ thuật siêu âm đầu dò âm đạo 2D còn có các kỹ thuật khác như siêu âm bơm nước lòng tử cung (SIS), siêu âm đánh giá lòng tử cung và đánh giá ống dẫn trứng bằng chất tương phản âm (Hyfosy) giúp việc đánh giá chính xác các bệnh lý của nội mạc tử cung và tình trạng ống dẫn trứng (sẽ được trình bày bằng các bài viết khác).

Trần Thị Trà Mi – Thư ký Y khoa Phòng khám Ngọc Lan