Trên con đường tìm kiếm các thiên thần bé nhỏ, các thời điểm xuất hiện của kỳ kinh nguyệt của các chị em phụ nữ cũng là thời điểm bắt đầu của các giai đoạn điều trị khi sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Và sau khi thực hiện chọc hút trứng cũng vậy, bác sĩ thường lên lịch hẹn các chị em ngày có kinh nguyệt sẽ quay lại điều trị tiếp, các chị em sẽ chờ bao lâu thì có kinh lại? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về nội dung này nhé.
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là sự thay đổi về mặt sinh lí diễn ra liên tục ở cơ thể nữ giới được điều hành bởi hệ hormone sinh dục và rất cần thiết đối với sự sinh sản. Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn hàng tháng giữa giai đoạn dậy thì và mãn kinh. Nói cách khác, kinh nguyệt diễn ra từ tuổi dậy thì cho đến cuối tuổi sinh sản.
Trong một chu kỳ sẽ có 1 hoặc 2 noãn được giải phóng gọi là hiện tượng phóng noãn hay rụng trứng. Trước khi thực hiện phóng noãn, nội mạc bao phủ toàn bộ tử cung và xây dựng theo dạng đồng bộ hóa. Sau khi phóng noãn, nội mạc lại thay đổi nhằm chuẩn bị cho quá trình thụ tinh và hình thành thai kỳ. Nếu không diễn ra sự thụ tinh và hình thành thai kỳ tử cung sẽ hủy bỏ lớp nội mạc và tiếp tục chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
Thông thường một chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới sẽ diễn ra trong khoảng 3-5 ngày hoặc 2-7 ngày vẫn được coi là bình thường. Khoảng thời gian giữa các chu kỳ cách nhau 28-35 ngày.
Những dấu hiệu bình thường của chu kỳ kinh nguyệt gồm có: thèm ăn, dễ thay đổi tâm trạng, hay cáu gắt, khó chịu, đau bụng, đau lưng, nổi mụn,… Các dấu hiệu có thể thay đổi tùy theo cơ địa của mỗi người.
2. Chọc hút trứng trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Nếu vì một lý do nào đó, trong một chu kỳ người phụ nữ có diễn ra phóng noãn nhưng noãn không thể gặp được tinh trùng, tức không thể mang thai một cách tự nhiên được. Để hỗ trợ noãn và tinh trùng có thể kết hợp được tốt hơn chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật mới và tiên tiến nhất hiện nay – phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này sẽ giúp lấy noãn ra ngoài để kết hợp với tinh trùng và tạo thành phôi. Sau đó, phôi sẽ chuyển ngược lại buồng tử cung để tiếp tục phát triển.
Trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ sẽ được tiêm hormone kích thích buồng trứng, dưới tác dụng của hormone nhiều nang noãn sẽ phát triển cùng lúc. Bác sĩ theo dõi sự hình thành và lớn dần của các nang noãn dưới siêu âm, quyết định ngày hẹn chọc hút trứng.
Chọc hút trứng là thủ thuật dùng kim đưa qua ngã âm đạo, tiếp cận buồng trứng và hút toàn bộ chất dịch trong lần lượt từng nang noãn của buồng trứng. Nhân viên labo sẽ lọc rửa và chọn lọc noãn có đủ điều kiện thụ tinh với tinh trùng.
3. Sau chọc hút trứng bao lâu thì có kinh nguyệt?
Trong một chu kỳ kinh nguyệt đều 28 ngày, ngày rụng trứng thường là ngày thứ 14. Nếu không có sự thụ tinh và mang thai, sau thời điểm trứng rụng 14 ngày, lớp nội mạc bong tróc và được tống ra ngoài dưới tác dụng của những cơn co tử cung, người phụ nữ sẽ hành kinh.
Chính vì thế, dù có sự tác động của hormone để thu thập nhiều trứng và nếu không cấy phôi trở lại để mang thai, người phụ nữ sẽ có kinh trở lại trong vòng 10-14 ngày sau khi chọc hút, thông thường là sớm hơn so với chu kỳ trước
Ngoài ra, ngay sau ngày chọc hút trứng hay một hai ngày sau đó, tức vẫn còn trong giữa chu kỳ kinh nguyệt, một vài người thấy xuất hiện một ít huyết âm đạo. Điều này là do hiện tượng rụng trứng xảy ra, không phải là máu kinh, số lượng rất ít và sẽ nhanh chóng biến mất. Đến khoảng 10-14 ngày sau chọc hút trứng, bạn sẽ thấy máu kinh tống ra ngoài âm đạo với những tính chất quen thuộc.
Thời điểm có kinh trở lại, bạn sẽ được bác sĩ hẹn lich thăm khám để canh niêm mạc và thực hiện chuyển phôi hoặc tiếp tục kích thích buồng trứng tiếp để gom noãn. Trong trường hợp bạn chưa muốn chuyển phôi hoặc chưa muốn kích thích buồng trứng tiếp có thể giãn chu kỳ và báo lại với bác sĩ. Nếu sau chọc hút trứng bạn lâu có kinh lại bạn có thể lên liên hệ với bác sĩ để bác sĩ cho toa thuốc chỉnh kinh.
CSKH. Đỗ Thị Nụ – Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột