“Rong kinh có thai tự nhiên được không?” là một câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm và thắc mắc. Bởi sức khỏe sinh sản luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ. Để giải đáp câu hỏi trên, các bạn hãy cùng IVFMD tìm ra câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
Rong kinh là gì?
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 – 32 ngày, thời gian hành kinh là 3 – 5 ngày. Hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày được xem là rong kinh.
Nguyên nhân rong kinh
Rong kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau ở nhiều khía cạnh. Có thể do những vấn đề liên quan đến hormone, cũng có thể do một vài bệnh lý mắc phải hoặc đôi khi là do căng thẳng tâm lý. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất.
Mất cân bằng hormone
Sự cân bằng giữa hormone Estrogen và Progesterone ở phụ nữ sẽ giúp điều chỉnh sự tích tụ niêm mạc tử cung, sau cùng khiến nội mạc tử cung bong ra tạo thành kinh nguyệt có tính chu kỳ. Nếu một trong hai loại hormone này bị thiếu hụt sẽ gây mất cân bằng, niêm mạc tử cung sẽ phát triển quá mức dẫn đến lượng máu kinh ra nhiều và kéo dài.
Những nguyên nhân làm mất cân bằng hormone ở phụ nữ có thể từ: hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh lý tuyến giáp, tình trạng béo phì, hội chứng kháng insulin…
U xơ cơ tử cung
Những khối u xơ cơ tử cung lành tính cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chu kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.
Lạc nội mạc tử cung
Tình trạng lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung có thể gây đau và chảy máu, khiến cho chị em phụ nữ thấy lượng máu vào chu kỳ ra nhiều hơn.
Polyp buồng tử cung
Polyp tử cung là một dạng thịt dư trong nội mạc tử cung, lành tính và kích thước nhỏ. Polyp tử cung cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu kinh kéo dài.
Đặt vòng tránh thai
Rong kinh cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của phương pháp đặt vòng tránh thai để kế hoạch hóa gia đình.
Liên quan đến thai kỳ
Sảy thai (thai nhi tử vong trong tử cung) hoặc mang thai ngoài tử cung có thể gây tình trạng chảy máu bất thường.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu, thuốc nội tiết… có thể gây nên tình trạng chảy máu kinh nguyệt kéo dài.
Các bệnh lý khác
Tình trạng rối loạn đông máu di truyền như bệnh Von Willebrand có thể gây chảy máu kinh nguyệt bất thường. Ngoài ra, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung hoặc ung thư buồng trứng cũng có thể dẫn đến rong kinh.
Rong kinh có ảnh hưởng và nguy hiểm gì không?
Bị rong kinh sẽ đối mặt với những nguy hiểm nào là thắc mắc chung của chị em khi rơi vào tình trạng này.
Thiếu máu
Rong kinh có thể gây thiếu máu do mất máu quá nhiều vào mỗi chu kỳ kinh. Khi bị thiếu máu, chị em sẽ thấy khó thở, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thiếu sức sống…
Đau bụng dữ dội
Bên cạnh lượng máu kinh nhiều, chị em có thể cảm thấy đau bụng dữ dội (triệu chứng giống đau bụng kinh). Một vài trường hợp xuất hiện tình trạng chuột rút có liên quan đến rong kinh.
Nguy cơ vô sinh – hiếm muộn
Khi bị rong kinh, máu sẽ có màu đen do bị ứ đọng lâu trong tử cung, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập gây bệnh. Vi khuẩn có thể đi theo hướng từ âm đạo lên ống dẫn trứng, buồng tử cung… gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Ngoài ra, hiện tượng chảy máu nhiều còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa khác như viêm nội mạc tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang… Nếu chủ quan, không thăm khám và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây vô sinh – hiếm muộn, cướp đi “thiên chức” làm mẹ của chị em phụ nữ.
Khi bị rong kinh phải làm sao để có thai tự nhiên?
Điều trị rong kinh
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: nguyên nhân và nguyện vọng sinh con của chị em phụ nữ.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định chị em dùng thuốc để cải thiện tình trạng rong kinh. Có thể là thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc bổ sung hormone Progesterone hoặc thuốc bổ sung sắt để tránh thiếu máu. Nếu việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thủ thuật can thiệp.
Các thủ thuật điều trị có thể là nong nạo tử cung, cắt đốt nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ tử cung (bao gồm cả tử cung và cổ tử cung)… Tuy nhiên, hạn chế của những thủ thuật này là có thể gây vô sinh, do đó chỉ được áp dụng cho trường hợp phụ nữ lớn tuổi hoặc không còn nhu cầu sinh con.
Tình trạng ở mỗi người là khác nhau, nguyên nhân gây bệnh cũng khác nhau. Do đó, khi nghi ngờ bị bệnh, chị em nên đến ngay cơ sở y tế có đơn vị Sản Phụ khoa uy tín để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả. Sau khi điều trị ổn tình trạng rong kinh, các chị em có thể để có thai tự nhiên.
Phòng ngừa rong kinh
Không thể phòng ngừa được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ lịch khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định riêng để được kiểm soát tốt tình trạng, không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản, sống vui khỏe và hạnh phúc.