RA HUYẾT SAU CHUYỂN PHÔI CÓ ĐÁNG LO NGẠI ?

Ra huyết sau chuyển phôi có thể nói là thường xuyên gặp. Đặc biệt các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, hiện tượng này khiến cho các chị em rất lo lắng vì nghĩ rằng phôi đã bị đẩy ra bên ngoài. Vậy ra huyết sau chuyển phôi có phải là vấn đề đáng lo ngại và gây nguy hiểm không? Khi nào cần gặp bác sĩ thăm khám ngay? Sau đây hãy cùng IVFMD tìm hiểu hiện tượng “Ra huyết âm đạo sau chuyển phôi” bạn nhé!

Nguyên nhân ra huyết là gì ?

Có rất nhiều nguyên nhân:

  • Tổn thương nhẹ trong quá trình chuyển phôi do kỹ thuật đặt dụng cụ đưa phôi vào lòng tử cung.
  • Phôi thai đang giai đoạn làm tổ: tức là những ngày đầu sau chuyển phôi, để có thể bám dính vào niêm mạc tử cung của mẹ thì phôi thai phải xâm lấn vào niêm mạc tử cung để bám vào tử cung. Niêm mạc tử cung giai đoạn này có nhiều mạch máu nên việc có một vài mạch máu nhỏ bị tổn thương và ra máu là một việc hoàn toàn sinh lý. Bạn đừng lo lắng quá, hiện tượng ra một ít dịch hồng li ti sau chuyển phôi có thể là tín hiệu phôi thai đang làm tổ.
  • Trầy xước âm đạo trong quá trình đặt thuốc (móng tay bạn để quá dài hay khi bạn đặt thuốc vội vàng …)
  • Quên sử dụng thuốc, thiếu nội tiết.
  • Vị trí phôi làm tổ bất thường.
  • Phôi làm tổ thất bại (ra kinh).

Ra huyết như thế nào là bất thường ?

Thật sự không phải lúc nào các chị em cũng dễ dàng phát hiện ra huyết như thế nào là bất thường. Thường thì khi bạn ra nhiều máu tươi tương tự như ngày đầu của chu kỳ kinh hoặc ra máu có thể ít hơn nhưng kèm theo đau bụng quặn hay ra huyết đỏ tươi kéo dài nhiều ngày chính là ra huyết bất thường.

Các chị em lưu ý là khi phôi thai đã vào buồng tử cung rồi thì hiện tượng ra ít huyết nâu đen thường không đáng lo ngại. Vì khi thai đã làm tổ và phát triển thì đồng thời tử cung cũng to ra để chứa thai nhi khi ấy các mạch máu nhỏ ở tử cung sẽ tổn thương dẫn đến hiện tượng ra ít huyết.

Các mẹ nên làm gì khi có hiện tượng ra huyết?

Bình tĩnh theo dõi các dấu hiệu và báo ngay cho nhân viên y tế 

Mặc dù hiện tượng ra huyết nhẹ là bình thường sau khi chuyển phôi, tuy nhiên nên theo dõi các đặc điểm của ra huyết để loại trừ các biến chứng (thai ngoài tử cung, thai lưu, dọa sẩy thai…). Nếu ra huyết đỏ tươi lượng nhiều, kéo dài và kèm bất kỳ các dấu hiệu bất thường nào khác, các chị em nên chủ động đi khám ngay hoặc liên hệ cho bác sĩ – nhân viên y tế đang trực tiếp theo dõi các chị em trong quá trình thăm khám hiếm muộn để được tư vấn và theo dõi đúng cách.

Tiếp tục sử dụng đơn thuốc bác sĩ chỉ định sau chuyển phôi, tuyệt đối không nên dùng thêm các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp truyền miệng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Ra huyết sau chuyển phôi có thể do nhiều nguyên nhân vì thế bạn cần theo dõi, quan sát thường xuyên để thăm khám bác sĩ nhằm xác định nguyên nhân chính xác nhất. Ra huyết sau chuyển phôi không hẳn đã là hiện tượng xấu và bạn vẫn có thể có thai bình thường. Vì thế, bạn cần bình tĩnh theo dõi tránh lo lắng quá mức. Sau cùng, hy vọng với những chia sẻ trên đây của IVFMD có thể giúp chị em và gia đình yên tâm hơn trong quá trình chào đón con yêu.