Bất kỳ bà mẹ nào cũng mong muốn khi mang thai mình đủ sức khoẻ để có một thai kỳ an vui và sinh con khoẻ mạnh. Việc tiêm vaccine để phòng ngừa một số loại bệnh trước khi mang thai là một bước chuẩn bị quan trọng để bảo vệ sức khoẻ của bản thân cũng như cho bé con của mình. Ngày nay việc tiêm phòng đã dễ dàng hơn, thuận tiện để các chị em phụ nữ có thể tiếp cận được nguồn vaccine an toàn và đầy đủ. Vậy phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm các loại vaccine gì và tại sao tiêm ngừa lại cần thiết, chúng ta cùng tham khảo bài viết bên dưới nhé!
Vì sao phụ nữ cần tiêm phòng trước khi mang thai?
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho bản thân. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, cơ thể bạn sẽ trải qua nhiều thay đổi về cảm xúc, sinh lý và cả hệ thống miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Do đó, việc tiêm phòng trước khi mang thai được xem là cách tốt nhất để bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Các loại vaccine cần tiêm phòng trước khi mang thai?
Covid – 19
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy Covid-19 là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất nhanh giữa người với người. Vì vậy, ai cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh, kể cả phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm Covid-19 và có thể dẫn đến một số kết cục bất lợi cho thai kỳ như: chuyển dạ sớm, sinh non, tiền sản giật,… Và điều này sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cho mẹ và bé.
Vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy các thành phần của vaccine hoặc kháng thể được tạo ra sau khi tiêm ngừa có thể gây bất lợi đến việc mang thai ở hiện tại hoặc trong tương lai. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế (BYT) nước ta khuyến cáo phụ nữ trước và trong khi mang thai nên tiêm ngừa vì lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.
Sởi – Quai bị – Rubella (MMR)
MMR được xem là một trong những mũi tiêm vô cùng quan trọng để bảo vệ bạn và bé. Bởi vì tỉ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non hoặc thai dị tật bẩm sinh (tim bẩm sinh, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, kích thước đầu nhỏ…) rất cao nếu không may bạn bị nhiễm vi rút này trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc cuối thai kỳ.
Do đó, đây là mũi tiêm được khuyến cáo đặc biệt nên tiêm ngừa trước khi bạn có dự định mang thai. Và thời điểm tốt nhất để tiêm là trước khi có thai ba tháng hoặc ít nhất một tháng.
Thủy đậu
Thuỷ đậu là một bệnh rất dễ lây truyền từ người này sang người khác khi có sự tiếp xúc trực tiếp với mụn nước hoặc hít phải dịch tiết của người bệnh khi ho hay hắt hơi. Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt phụ nữ mang thai thường sẽ có biến chứng nghiêm trọng hơn. Một số trường hợp bệnh sẽ truyền sang con khi sinh, gây tổn thương ở da, tay chân, mắt hoặc hệ thần kinh.
Cũng giống như vaccine phòng bệnh sởi – quai bị – rubella, bạn nên tiêm trước khi mang thai ba tháng hoặc ít nhất một tháng.
Viêm gan B
Nước ta là một trong những quốc gia chiếm tỉ lệ nhiễm viêm gan B đứng đầu thế giới. Bệnh có thể lây truyền từ đường máu, đường quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Nếu bạn nhiễm vi rút viêm gan B thì khả năng lây cho con là 80% – 90%. Trẻ sinh ra sẽ mắc viêm gan B mạn tính. Ngoài ra, những trẻ sinh ra nhiễm vi rút viêm gan B cấp tính sẽ mang nhiều yếu tố nguy cơ hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, mỗi chúng ta đều nên xét nghiệm máu để biết bản thân đã có kháng thể viêm gan B chưa và nên tiến hành tiêm phòng ngay nếu bạn chưa có kháng thể.
Đối với loại vaccine này, bạn có thể tiêm ở bất cứ thời điểm nào sao cho phù hợp với lịch tiêm ngừa của bạn.
Uốn ván (VAT)
Uốn ván là một bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra, lây truyền qua các vết thương được chăm sóc bằng các dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh khi dây rốn được cắt bằng dụng cụ bẩn hoặc dây rốn không được chăm sóc sạch.
Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn. Đây cũng là một trong những bệnh có tỉ lệ tử vong cao đối với trẻ.
Tiêm phòng vaccine là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Mũi tiêm này có thể tiêm trước khi mang thai hoặc trong lúc mang thai sao cho hai mũi tiêm cách nhau một tháng và mũi thứ hai được tiêm trước sinh ít nhất hai tuần.
Cúm
Cảm cúm là một bệnh thông thường mà hầu như ai cũng từng bị mắc phải. Đa số sẽ khoẻ hoàn toàn trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở người bị suy giảm miễn dịch thời gian có thể kéo dài lâu hơn. Và đặc biệt, khi người phụ nữ mang thai bị cảm cúm ở những tháng đầu thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu.
Tất cả mọi người đều có thể tiêm ngừa vaccine cúm, kể cả phụ nữ trước khi mang thai và đang mang thai. Và việc tiêm ngừa nên được nhắc lại hằng năm để phát huy hiệu quả của vaccine.
Làm gì khi lỡ tiêm phòng thì mình biết mình có thai?
Về lý thuyết, nguy cơ gây dị tật cho thai nhi sau tiêm ngừa là khoảng 1,6%. Tuy nhiên thực tế vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về dị tật bẩm sinh do vaccine gây ra. Vì vậy, những trường hợp phát hiện có thai ít lâu sau khi tiêm ngừa được khuyến cáo không nên bỏ thai.
Bạn nên bình tĩnh và hạn chế lo lắng vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ. Điều đầu tiên bạn nên làm là thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất và khám thai định kỳ để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi.
Không tiêm phòng vaccine trước khi mang thai có được không?
Việc tiêm phòng trước khi mang thai là điều không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng, thai phụ khi mắc phải các bệnh truyền nhiễm kể trên thì bé sinh ra sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền từ mẹ, bị dị tật bẩm sinh. Nghiêm trọng hơn nữa là có thể gây sẩy thai hoặc sinh non. Khi mẹ được tiêm vaccine thì kháng thể cũng sẽ được truyền qua nhau thai cho bé và đồng thời bảo vệ chúng trong những tháng đầu sau sinh.
Vì vậy, khi đã có dự định mang thai bạn nên cân nhắc về việc tiêm phòng đầy đủ để mang lại sự an toàn cho cả bạn và bé trong suốt thai kỳ.
Với những thông tin trên hy vọng các bạn sẽ có thêm thông tin để chuẩn bị sức khoẻ thật tốt cho một thai kỳ khoẻ mạnh, an toàn.