Dị tật ống thần kinh là một trong những điều kinh khủng có thể xảy ra với thai nhi. Nguyên nhân gây dị tật, cách phát hiện và phương pháp phòng ngừa nào mẹ có thể áp dụng? Hãy cũng IVFMD tìm hiểu nhé!
1. Dị tật ống thần kinh là gì?
Ống thần kinh là một cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai và sẽ phát triển thành não và cột sống của thai nhi. Thời gian đầu ống thần kinh chỉ là dải mô nhỏ, gập vào phía trong tạo thành hình dạng của một cái ống vào ngày thứ 28 của thai kỳ.
Nếu trong quá trình phát triển, ống thần kinh vì một lý do không đóng lại hoàn toàn thì sẽ gây ra di chứng nặng nề cho trẻ ở não và cột sống ở thai nhi về sau. Đây gọi là dị tật ống thần kinh.
- Tật vô sọ:Tật vô sọ là loại khiếm khuyết ống thần kinh rất nghiêm trọng. Ở tình trạng này, não hầu như không phát triển. Trẻ bị tật vô sọ đều chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay sau khi sinh.
- Tật cột sống chẻ đôi: Ống thần kinh (phần tạo thành tủy sống và cột sống) nếu không đóng lại hoàn chỉnh sẽ gây tổn thương cho sự phát triển của tủy sống bên trong. Trẻ bị cột sống chẻ đôi thường bị liệt các dây thần kinh phía dưới vùng tủy sống bị tổn thương, dẫn đến việc vận động khó khăn, thậm chí không thể vận động được. Trẻ cũng có thể bị các vấn đề liên quan đến hiện tượng tăng áp lực trong sọ và tiêu tiểu không kiểm soát được. Một số trẻ tử vong sớm sau sinh do bị chẻ cột sống quá nặng.
2. Nguyên nhân gây ra dị tật ống thần kinh là gì?
- Dinh dưỡng kém của thai phụ thiếu hụt acid folic (vitamin B9), vitamin B12, …Đây là nguyên nhân chính vì ống thần kinh cần một lượng đủ acid folic để phát triển toàn diện
- Tác động phối hợp giữa gen và môi trường
- Bất thường nhiễm sắc thể
3. Nhóm phụ nữ có nguy cơ cao
- Đã có 1 bé dị tật ống thần kinh trước đó
- Tiểu sử gia đình của vợ và chồng có người thân đã mắc khiếm khuyết này
- Thai phụ đã bị bệnh tiểu đường trước khi mang thai và thuộc insulin nhưng kiểm soát đường huyết kém
- Người mẹ béo phì hoặc dùng một số loại thuốc chống động kinh, đặc biệt là những loại có chứa natri valproate hoặc acid valproic
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao quanh thời điểm thụ thai
- Sống trong điều kiện kinh tế xã hội kém nên không có nhiều kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc bản thân
4. Thai nhi sẽ ra sao nếu mắc dị tật ống thần kinh?
- Vận động khó khăn, thậm chí không thể vận động được
- Mất khả năng kiểm soát đại, tiểu tiện
- Có các vấn đề liên quan đến hiện tượng tăng áp lực trong sọ như não úng thủy…
- Một số trẻ tử vong sớm sau sinh vì bị chẻ cột sống quá nặng
5. Làm sao để giúp mẹ phát hiện sớm nếu con bị dị tật ống thần kinh?
- Siêu âm lần đầu tiên ở tuần thứ 8 – 14 để xác định liệu thai nhi có các vấn đề cột sống hay không
- Xét nghiệm dị tật ở tuần thứ 19 – 20 giúp xác định các vấn đề liên quan đến thể chất của thai nhi
- Xét nghiệm nồng độ AFP trong máu ở tháng thứ 4 của thai kỳ và làm siêu âm ở tuổi thai từ 16 – 20 tuần. Các phương pháp này cho phép phát hiện 98% trường hợp dị tật ống thần kinh và một số loại dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
6. Ngăn ngừa dị tật này như thế nào?
- Bổ sung đầy đủ acid folic trước và trong suốt thai kỳ được coi là biện pháp phòng ngừa dị tật ống thần kinh hiệu quả nhất.
- Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và thực phẩm có chứa nhiều acid folic các loại rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây, các loại hạt
- Ảnh hưởng của lối sống lên thời kỳ mang thai cực kỳ quan trọng, mẹ bầu không nên sử dụng các chất kích thích, thực phẩm có hại cho sức khỏe thai kỳ, tránh xa môi trường làm việc có nhiệt độ cao, hoặc có chất phóng xạ… Có thể tập thể dục nhẹ nhàng, yoga trong khi mang thai để tăng sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Dị tật ống thần kinh ở thai nhi để lại nhiều di chứng nghiêm trọng khó có thể chữa khỏi, là gánh nặng vật chất cũng như tinh thần cho gia đình bệnh nhi. Tuy nhiên, dị tật này có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng được bổ sung acid folic đầy đủ, hoặc bổ sung bằng các loại thực phẩm chức năng dành riêng cho thai phụ. Nhận thức về tầm quan trọng của vitamin này kết hợp với các phương pháp sàng lọc trước sinh là vô cùng cần thiết và cấp bách để xây dựng một thế hệ tương lai tươi sáng hơn. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm kiến thức vào hành trang mang thai của mình. IVFMD chúc các mẹ sẽ có một hành trình hạnh phúc và trọn vẹn để mang thai và làm cha mẹ.
Tác giả: NHS Nguyễn Thị Kim Liên – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD BMT