Để tầm soát đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ thường chỉ định thực hiện xét nghiệm OGTT (Oral Glucose Tolerance Tests). Khi đó, thai phụ sẽ uống một chai nước đường mà thường được truyền tai nhau là “Nỗi ám ảnh của các chị bầu”. Vậy đái tháo đường thai kỳ là gì? Cần làm gì trước khi xét nghiệm OGTT? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Xét nghiệm OGTT
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose (đường) ở nhiều mức độ, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT) là một xét nghiệm để đo lượng glucose trong máu, thường dùng để chẩn đoán ĐTĐTK. OGTT được chỉ định ở tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ đối với những chị bầu chưa được chẩn đoán ĐTĐ trước đó.
Xét nghiệm OGTT sẽ được tiến hành lấy máu 3 lần:
- Lấy máu lần 1: Lấy máu vào lúc đói để xác định mức đường huyết cơ bản. Sau đó, các chị bầu sẽ uống hết 1 chai nước đường trong 5 – 10 phút.
- Lấy máu lần 2: Lấy máu vào thời điểm 1 giờ sau uống đường.
- Lấy máu lần 3: Lấy máu vào thời điểm 2 giờ sau uống đường.
Chẩn đoán ĐTĐTK khi giá trị đường huyết có chỉ số sau:
- Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Cần làm gì trước khi xét nghiệm OGTT?
OGTT phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Nhịn đói nghĩa là các chị bầu sẽ không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong vòng 8 giờ trước khi xét nghiệm. Thời gian xét nghiệm thường tốn khoảng 3 tiếng nên các chị có thể mang theo sách, báo để đọc trong thời gian chờ lấy máu.
Tại sao phải uống chai nước đường?
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT) được sử dụng để đo lường mức độ hấp thụ một lượng đường lớn hơn khả năng của cơ thể. Nếu lượng đường trong máu đo được trong xét nghiệm cao hơn một mức nhất định, đây có thể là dấu hiệu cho thấy đường không được các tế bào của cơ thể hấp thụ đủ. Bệnh đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ có thể là căn nguyên của vấn đề này.
Trong bệnh ĐTĐTK, lượng đường trong máu thường cao hơn do những thay đổi trong quá trình trao đổi chất khi mang thai và thường giảm trở lại sau khi đứa trẻ được sinh ra.
Chai nước đường có khó uống không?
Nước đường trong xét nghiệm OGTT là chai đường Glucose 30% 250ml, trong đó có 75g glucose khan và 250ml nước cất pha tiêm. Một số người cảm thấy chai nước đường khó uống do vị quá ngọt vì lượng nước đường uống vào khá nhiều (250 ml). Trong quá trình lấy máu, các chị bầu không được ăn uống (chỉ được uống nước lọc). Một số chị bầu sẽ bị nôn trong quá trình uống nước đường. Nếu gặp tình trạng này, hãy báo lại ngay cho nhân viên lấy máu nhé.
Làm sao để tránh bị nôn ói khi uống nước đường?
Việc uống nhanh một lượng nước đường khá nhiều có thể khiến các chị bầu cảm thấy buồn nôn, nhưng đây chỉ là cảm giác thoáng qua. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ buồn nôn và nôn thì các chị bầu nên uống từng ngụm nhỏ chai đường glucose trong 5 – 10 phút.
Thai phụ có thể cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu trước, trong hoặc sau khi uống đường. Điều này thường xuyên gặp phải là do các chị bầu chưa ăn uống gì trong suốt 8 tiếng trước đó. Vì vậy, các chị bầu nên ngồi ghế có lưng dựa trong và sau khi uống đường. Nếu cảm thấy khó chịu hoặc chóng mặt trước khi kết thúc xét nghiệm, hãy báo với nhân viên y tế nhé!
ĐTĐTK là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con. Thực hiện xét nghiệm OGTT giúp phát hiện sớm, theo dõi, điều trị ĐTĐTK để có một thai kỳ khỏe mạnh.
KTV. Nguyễn Thị Thu Thảo – Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Mỹ Đức