NHỮNG LƯU Ý KHI CHĂM SÓC SỨC KHỎE SAU SẨY THAI TRONG ĐIỀU TRỊ IVF THẤT BẠI

Đối với các cặp vợ chồng theo đuổi việc mang thai thông qua kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm, bạn có thể sẽ cảm thấy nhiều lo lắng và áp lực dẫn đến dễ mệt mỏi. Thậm chí, việc biết mình có thai sau khi thụ tinh ống nghiệm (IVF) vẫn mang lại nhiều cảm xúc trái chiều. Có thể đó là cảm giác hạnh phúc và mong đợi khi mang trong mình một hình hài bé nhỏ, nhưng cũng có thể là những nỗi lo lắng về sẩy thai, nhất là đối với những người đã từng bị sẩy thai một hoặc nhiều lần trước đó.

Điều gì sẽ gặp phải sau sẩy thai

Sau khi sẩy thai, bạn có thể trải qua cơn sóng gió đặc biệt về cảm xúc, cũng như các triệu chứng về thể chất. Bạn phải mất vài tuần đến vài tháng hoặc lâu hơn để phục hồi thể chất, tinh thần sau khi sẩy thai. Và sự phục hồi này sẽ phụ thuộc vào khoảng thời gian bạn đã mang thai.

  • Chảy máu âm đạo tương tự như kinh nguyệt, có thể kéo dài đến một tuần sau khi sẩy thai.
  • Chảy máu nhẹ hoặc lấm tấm.
  • Tùy thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt của bạn, kinh nguyệt bình thường sẽ trở lại sau 3-6 tuần.
  • Đau bụng dưới tương tự như đau bụng kinh có thể kéo dài đến 2 ngày sau khi sẩy thai.
  • Khó chịu ở vú, căng sữa hoặc rò rỉ sữa; chườm đá và áo ngực hỗ trợ có thể làm giảm cảm giác khó chịu. Cảm giác khó chịu này thường chấm dứt trong vòng một tuần.
  • Một số hormone thai kỳ vẫn còn trong máu từ một đến hai tháng sau khi sẩy thai.

Làm gì để ngăn ngừa nhiễm trùng sau sẩy thai

Sau khi được bác sĩ kiểm tra, bạn có thể làm một số điều sau cho đến khi máu ngừng chảy để ngăn ngừa nhiễm trùng:

  • Sử dụng băng vệ sinh thay vì tampon. Chờ đến kỳ kinh tiếp theo trước khi sử dụng lại tampon.
  • Không thụt rửa bên trong âm đạo.
  • Không đi vào hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng.
  • Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bằng bồn.
  • Không quan hệ tình dục.

Ngoài ra, nếu bác sĩ kê đơn thuốc cho bạn, bạn lưu ý phải uống thuốc đúng theo chỉ định cho đến khi hết thuốc.

Khi nào có thể trở lại các hoạt động bình thường

Bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường ngay khi bạn cảm thấy có thể. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên hỏi bác sĩ đang theo dõi để được hướng dẫn cụ thể hơn về bất kỳ bài tập vận động mạnh nào sau khi sẩy thai.

Sau sẩy thai nên làm gì?

  • Cơ thể bạn cần khôi phục lại sau khi sẩy thai, vì vậy hãy có một chế độ ăn uống lành mạnh. Đảm bảo bữa ăn của bạn có các thành phần protein, carbohydrate, chất xơ, chất béo, các khoáng chất và vitamin thiết yếu.
  • Đối với chất béo lành mạnh, bạn có thể có dầu dừa, bơ và dầu ô liu.
  • Các loại protein bạn nên sử dụng là: trứng, phô mai, thịt gia cầm, thịt đỏ, thịt nội tạng và hải sản (cá mòi và cá hồi).
  • Ngoài ra trái cây và rau quả có hàm lượng dinh dưỡng cao là thực phẩm không thể thiếu. Rau xanh, đậu, bắp cải, rau cải xanh, súp lơ và trái cây như đu đủ, dâu tây và bưởi rất tốt cho bạn.
  • Mức độ canxi giảm mạnh trong thời kỳ mang thai, do đó bạn cần bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa, các sản phẩm từ sữa, trái cây khô, đậu nành và rau xanh.
  • Cơ thể bạn cần nước để phục hồi sau khi sẩy thai. Vì vậy, hãy uống ít nhất tám cốc nước mỗi ngày. Tránh xa đồ uống có chứa caffeine vì caffeine là một chất lợi tiểu và không tốt cho sự hồi phục của bạn.

Mang thai sau sẩy thai

Không có khoảng thời gian hoàn hảo để chờ đợi trước khi điều trị lại, nhưng chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến khích phụ nữ nên đợi ít nhất một vài tháng để tử cung phục hồi và để nội mạc tử cung trở lại cứng và khỏe mạnh trở lại. Nếu cơ thể phụ nữ không sẵn sàng để hỗ trợ mang thai vào thời điểm thụ thai trở lại, cô ấy sẽ đối mặt với nguy cơ sẩy thai lặp lại cao hơn. Về mặt y học, có thể an toàn để thụ thai sau hai hoặc ba kỳ kinh nguyệt bình thường sau sẩy thai.

Sau khi sẩy thai, việc đưa ra quyết định mang thai lần nữa có thể sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là bạn nên bắt đầu lại khi bạn đã thực sự sẵn sàng về mặt thể chất cũng như tinh thần. Nếu bạn chưa có thai và đang cần được tư vấn kỹ hơn để sớm có bé yêu. Bạn có thể đến gặp bác sĩ tại các trung tâm Hỗ trợ sinh sản để để được tư vấn và điều trị.