Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường ở phụ nữ, chị em nên có những kiến thức cơ bản để chủ động chăm sóc cơ thể tốt nhất, việc rối loạn kinh nguyệt cũng phản ánh các vấn đề về sức khỏe sinh sản hoặc các bệnh lý có liên quan. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là một loạt các thay đổi về nội tiết diễn ra có tính chất chu kỳ. Máu kinh chảy từ tử cung ra ngoài do sự sụt giảm nội tiết đột ngột gây bong tróc nội mạc tử cung.
2. Các giai đoạn của một chu kỳ kinh nguyệt
Một chu kỳ kinh nguyệt bao gồm ba giai đoạn sau:
Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn hành kinh. Trứng của chu kỳ trước sau khi rụng nếu không xảy ra sự thụ tinh, hoàng thể sẽ thoái hoá và không tiết nội tiết nữa làm lớp niêm mạc tử cung bong tróc ra tạo thành kinh nguyệt. Thông thường thời gian ra máu kinh kéo dài từ 3-7 ngày tuỳ vào từng người.
Cùng lúc đó, vùng dưới đồi sẽ nhận được tín hiệu sản xuất hormone kích thích nang trứng phát triển. Nang trứng trưởng thành sẽ làm thay đổi nồng độ nội tiết làm dày niêm mạc tử cung, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình làm tổ của phôi nếu sự thụ tinh diễn ra. Trong độ tuổi sinh sản, mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường chỉ có một nang trứng trưởng thành và rụng.
Giai đoạn rụng trứng (phóng noãn)
Giai đoạn này thường diễn ra vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt
Nang trứng trưởng thành vỡ ra, trứng sau khi được giải phóng sẽ đi vào ống dẫn trứng, và có thời gian sống khoảng 24 giờ. Người phụ nữ có nhiều khả năng mang thai nhất khi quan hệ tình dục trong 3-5 ngày quanh ngày trứng rụng.
Giai đoạn hoàng thể
Tại nơi trứng rụng sẽ hình thành hoàng thể. Nếu trứng được thụ tinh, hoàng thể tiếp tục tiết ra nội tiết tố trong 3 tháng đầu của thai kỳ để nuôi dưỡng thai. Nếu không xảy ra sự thụ tinh, hoàng thể sẽ thoái hoá và trở thành thể trắng, nồng độ nội tiết lúc này giảm xuống đột ngột khiến niêm mạc tử cung bong tróc, một chu kỳ kinh nguyệt mới lại bắt đầu.
3. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ có những đặc điểm gì?
Kinh nguyệt thường xuất hiện khi bé gái bước vào giai đoạn dậy thì từ 12-13 tuổi. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc có sớm hoặc muộn hơn như lối sống, dinh dưỡng, cân nặng hoặc di truyền,…
Một chu kỳ kinh nguyệt điển hình thường kéo dài từ 28-30 ngày, tuy nhiên vẫn có những trường hợp chu kỳ kinh ngắn hơn hoặc dài hơn. Ở phụ nữ hội chứng buồng trứng đa nang hoặc phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Số ngày hành kinh ở mỗi người có thể khác nhau, thông thường từ 3-5 ngày.
Máu kinh là một hỗn dịch máu không đông bao gồm chất nhầy, những tế bào bong ra từ cổ tử cung và niêm mạc tử cung, máu thật chỉ chiếm khoảng 40% trong hỗn dịch đó. Vào ngày hành kinh, các chị em có thể gặp phải các triệu chứng đi kèm như: căng tức ngực, đau bụng, đau lưng, rối loạn tiêu hoá, nổi mụn,…
Có những giai đoạn mà phụ nữ sẽ không có kinh là hiện tượng bình thường như: trước dậy thì, phụ nữ mang thai và cho con bú hoặc phụ nữ mãn kinh.
4. Thế nào được xem là rối loạn kinh nguyệt?
Khi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần hoặc bệnh lý phụ khoa có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của chị em bị rối loạn.
Các bất thường có thể biểu hiện qua số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ kinh thông thường,.. Các biểu hiện rối loạn kinh nguyệt thường gặp như:
- Mất kinh (khi không có kinh trên 90 ngày)
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh ngắn hơn 3 tuần hoặc dài hơn 6 tuần
- Ra huyết bất thường, không xác định được chu kỳ kinh, số ngày hành kinh và lượng máu kinh thay đổi không cố định
- Lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày với số lượng nhiều hoặc ít, rỉ rả
- Có các triệu chứng đi kèm nặng nề hơn bình thường như đau bụng dữ dội, buồn nôn hoặc nôn
Rối loạn kinh nguyệt có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như có thai, do đặt vòng tránh thai, u xơ cơ tử cung, thai ngoài tử cung hoặc biến chứng của thai kỳ trước đó (sót nhau),… hoặc nguyên nhân đến từ các bệnh lý tiềm ẩn có liên quan. Khi có các dấu hiệu bất thường thì Chị em nên đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.
Hy vọng qua bài viết này có thể giúp các chị em chủ động hơn tìm hiểu đặc điểm sinh lý kinh nguyệt để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình.