NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MANG THAI HỘ

Khi nói đến mang thai hộ có lẽ mọi người sẽ nghĩ đó là một chuyện rất kỳ lạ, hoang đường và khó chấp nhận. Và cũng sẽ có người nghĩ nếu không thích mang thai vì lý do nào đó hoặc sợ mang thai làm ảnh hưởng đến sức khỏe thì chỉ cần nhờ người khác mang thai hộ giải quyết được vấn đề.  

Tuy nhiên, thực tế thì không phải ai cũng có thể được phép nhờ mang thai hộ. Hiện tại ở Việt Nam chỉ chấp nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Các quy định của pháp luật đều rất chặt chẽ nhằm hạn chế việc mang thai hộmục đích thương mại cũng như để an toàn cho các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu và có cái nhìn khái quát về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam nhé.

Mang thai hộ là gì?

Mang thai hộ (MTH) xét về mặt kỹ thuật thì chính là thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng và chọc hút lấy trứng. Người chồng sẽ lấy tinh trùng và tiến hành tạo phôi như các trường hợp TTTON thông thường. Tuy nhiên phôi sau khi tạo thành thay vì chuyển vào buồng tử cung của người vợ thì sẽ chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ tự nguyện và đủ điều kiện mang thai hộ. Đứa trẻ sau khi sinh ra sẽ được trao trả lại cho cặp vợ chồng hiếm muộn.

Điều kiện để cặp vợ chồng được phép nhờ mang thai hộ là gì?

Phải là cặp vợ chồng chưa có con chung.

Người chồng: có tinh trùng (trong tinh dịch hoặc từ thủ thuật trích tinh trùng).

Người vợ: Có ít nhất 1 buồng trứng còn hoạt động và mắc phải một trong các vấn đề sau:

  • Không có tử cung (bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật) hay thiểu sản tử cung.
  • Chống chỉ định mang thai/ sinh con vì bệnh lý nội khoa.
  • Có bất thường tử cung (u xơ cơ tử cung to, dính lòng tử cung…) và thất bại sau hơn 4 lần chuyển phôi.
  • Thất bại ≥ 6 lần chuyển phôi và không có bất thường liên quan đến các bệnh lý về nội mạc tử cung và tổng số phôi tốt đã chuyển ≥ 10 phôi.

Điều kiện của người mang thai hộ là gì?

  • Độ tuổi từ 20 đến 45 tuổi.
  • Là người thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng bên nhờ MTH.
  • Có sự đồng ý của chồng bằng văn bản (nếu người MTH có chồng).
  • Chưa từng MTH lần nào.
  • Đủ khả năng mang thai (thực hiện các xét nghiệm, siêu âm…và có xác nhận của cơ sở y tế).
  • Đã sinh con và có ít nhất 1 con khỏe mạnh.

Các giấy tờ liên quan để chứng minh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ?

Bạn nên đem tất cả các giấy tờ, xét nghiệm bạn đang có khi đến tư vấn như:

  • Giấy phẫu thuật cắt tử cung do bệnh lý hay do các tai biến sản khoa.
  • Giấy xác nhận bạn không thể mang thai vì một số bệnh lý nội khoa, ví dụ như bệnh tim, suy tim, suy thận…
  • Hồ sơ bệnh án/ bản tóm tắt quá trình điều trị trong trường hợp bạn đã từng thực hiện TTTON tại các trung tâm khác.

Sau khi gặp bác sĩ tư vấn, nếu bạn thỏa các điều kiện có thể nhờ MTH, nhân viên y tế tại IVFMD sẽ hướng dẫn bạn bổ sung “Giấy xác nhận chưa có con chung” có xác nhận tại địa phương bạn đang ở và nộp lại bệnh viện trong thời gian sớm nhất.

Sau khi IVFMD nhận được “Giấy xác nhận chưa có con chung” của bạn, đơn vị sẽ hoàn tất bộ hồ sơ để trình lên hội đồng xét duyệt. Bệnh viện sẽ chủ động liên hệ lại với bạn khi có kết quả xét duyệt trong thời gian không quá 1 tháng.

Thực hiện các xét nghiệm cho người MTH để đánh giá khả năng mang thai?

Sau khi hồ sơ của bạn được chấp nhận thực hiện MTH, bạn cần dẫn người MTH đáp ứng đúng điều kiện yêu cầu đến để kiểm tra sức khỏe và đánh giá khả năng mang thai. Người MTH sẽ được bác sĩ thăm khám phụ khoa và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm máu, siêu âm, chụp XQ,…) để đánh giá khả năng mang thai.

Sau khi người MTH được đánh giá đủ điều kiện mang thai, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn hoàn tất các giấy tờ trong bộ hồ sơ MTH cho các bên liên quan và giải thích các bước tư vấn y tế, tư vấn tâm lý và tư vấn pháp lý.

Các thủ tục pháp lý cần hoàn tất là gì?

Sau khi bạn đã hoàn tất các bước trên, bạn cần sắp xếp thời gian để vợ chồng bạn và vợ chồng người MTH cùng đến bệnh viện cũng như các văn phòng của bên pháp lý và tâm lý. Bạn cần lưu ý điều này là bắt buộc nên tất cả các bên phải có mặt trong các buổi tư vấn theo thứ tự.

  • Tư vấn y tế: Các bạn sẽ được thực hiện tại IVFMD. Các bác sĩ sẽ là người tư vấn tất cả các nội dung liên quan đến y tế cũng như quy trình điều trị cho hai bên hiểu rõ. Sau khi hoàn tất buổi tư vấn, hai bên sẽ ký vào biên bản tư vấn.
  • Tư vấn tâm lý: Thông thường, IVFMD sẽ liên hệ trước với văn phòng tư vấn. Bên cạnh đó vẫn sẽ có trường hợp các bạn đến tư vấn y tế, sau đó IVFMD cung cấp số điện thoại và địa chỉ của văn phòng tư vấn tâm lý để các bạn tự đặt hẹn. Văn phòng tư vấn tâm lý sẽ hẹn các bạn đến để tư vấn về những vấn đề liên quan đến tâm lý khi nhờ MTH hoặc MTH. Tương tự, hai bên sẽ ký vào biên bản để hoàn tất bước này, các giấy tờ tư vấn sẽ được văn phòng tư vấn tâm lý chuyển về IVFMD.
  • Tư vấn pháp lý: Sau khi hoàn tất hai bước tư vấn y tế và tâm lý, hai bên sẽ đến văn phòng pháp lý để được tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý của MTH. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình MTH sẽ được IVFMD gửi cho bạn mang đến văn phòng tư vấn pháp lý để kiểm tra, công chứng, xác minh tính chính xác của bộ hồ sơ.

Sau khi hoàn tất bước tư vấn pháp lý, toàn bộ hồ sơ của bạn sẽ được chuyển trở lại IVFMD và trình lên ban lãnh đạo bệnh viện xem xét. Nếu hồ sơ hợp lệ, lãnh đạo bệnh viện sẽ gửi văn bản quyết định được thực hiện kỹ thuật MTH về cho IVFMD (thời gian xem xét không quá 3 ngày).

IVFMD sẽ chủ động liên lạc với bạn để thông báo kết quả và hẹn bạn thời gian để bắt đầu tiến hành điều trị.

MTH không quá phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng lại phức tạp đề về các vấn đề tâm lý, pháp lý giữa các bên. Trong điều kiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh, việc thông qua luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm tạo cơ hội cho các cặp vợ chồng không may mắn có cơ hội được làm cha làm mẹ.