NHÓM MÁU HIẾM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Mỗi người chúng ta sinh ra đã có một nhóm máu duy nhất, ở nước ta có một tỷ lệ rất nhỏ dân số từ 0,04% – 0,07% mang nhóm máu hiếm. Vậy nhóm máu là gì và nhóm máu hiếm là gì? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Khái niệm nhóm máu và nhóm máu hiếm

Ngoài hệ thống nhóm máu ABO, nhóm máu còn được phân loại theo nhóm Rh hay còn gọi là yếu tố Rhesus (Rh), đây là hệ nhóm máu đóng vai trò quan trọng thứ 2 sau hệ nhóm máu ABO. Trong hệ nhóm máu Rh, kháng nguyên D được xem là quan trọng nhất vì nó có tính sinh miễn dịch mạnh nhất. Những người có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu được gọi là nhóm máu Rh dương và ngược lại, nếu không có kháng nguyên D thì sẽ có nhóm máu là Rh âm.

Ảnh hưởng của nhóm máu Rh âm

Thật ra về cơ bản thì người khi mang nhóm máu Rh âm vẫn sống bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định nhóm máu của bản thân, vì người mang nhóm máu Rh dương có thể nhận máu từ người có nhóm máu Rh âm và Rh dương, nhưng người mang nhóm máu Rh âm thì chỉ nhận được người có nhóm máu Rh âm. Chính vì vậy khi biết mình có nhóm máu hiếm, chúng ta nên đi hiến máu để tăng lượng máu dự trữ cho ngân hàng máu và cũng để bản thân có thêm sự ưu tiên nếu chẳng may bản thân cần phải truyền máu.

Ảnh hưởng của nhóm máu Rh âm đối với phụ nữ mang thai

Trường hợp bố và mẹ đều có nhóm máu Rh âm thì con sinh ra cũng sẽ có nhóm máu Rh âm và trẻ sẽ không có nguy cơ tan máu do bất đồng nhóm máu. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp mẹ có nhóm máu Rh âm, bố có nhóm máu Rh dương, thai nhi có thể sẽ mang nhóm máu Rh dương; hậu quả là cơ thể mẹ sẽ sinh ra những kháng thể phá hủy hồng cầu của thai nhi. Trong lần mang thai đầu tiên, thường sẽ ít để lại tai biến nghiêm trọng cho bào thai do cơ thể người mẹ chưa kịp tạo ra kháng thể hoặc kháng thể ở mức thấp. Tuy nhiên ở những lần mang thai sau, thai nhi vẫn có nhóm máu Rh dương thì nguy cơ kháng thể Anti-D sẽ truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, làm ngưng kết hồng cầu thai nhi, gây ra tình trạng tan máu. Hiện tượng này gọi là bất đồng nhóm máu Rh mẹ – con. Tình trạng bất đồng nhóm máu có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sanh non, tan máu… Do vậy, thai phụ cần được xét nghiệm sang lọc kháng thể vào tuần thứ 20 – 28 của thai kỳ nếu thai phụ chưa sản xuất kháng thể thì sẽ được tiêm một liều Anti- D vào tuần thứ 28 của thai kì chậm nhất là tuần thứ 34. Sau khi bé sinh ra sẽ được kiểm tra nhóm máu.  Nếu bé có nhóm máu Rh âm không tiêm mũi hai, ngược lại nếu bé có nhóm Rh dương sẽ phải tiêm mũi hai cho bé. Anti-D được sản xuất từ huyết tương người có tác dụng ngăn sự hình thành kháng thể Rh.

Ngoài ra, sản phụ mang nhóm máu Rh âm trong quá trình chuyển dạ còn có nguy cơ chảy máu, băng huyết sau sinh, cần thiết phải truyền máu. Do đó, sản phụ có nhóm máu hiếm cần thăm khám và theo dõi thai ở trung tâm để có biện pháp dự phòng trước sanh.

Kết luận:

Nhóm máu Rh dương hay Rh âm mang tính di truyền, do đó các cặp vợ chồng cũng nên đi kiểm tra nhóm máu của mình để đảm bảo con sinh ra được thuận lợi và an toàn. Và nếu bạn có nhóm Rh âm thì cũng đừng quá lo lắng, vì trên thực tế hiện nay có nhiều phụ nữ Rh âm nhưng vẫn có thể sinh con một cách an toàn, thậm chí sinh nhiều lần. Điều quan trọng đó là phải đi khám thai định kì theo sự hướng dẫn của bác sĩ.