Nhai kẹo cao su là một thói quen rất phổ biến của cuộc sống hiện đại. Một số mẹ bầu cũng rất thích nhai kẹo cao su có vị vì điều này giúp làm giảm tình trạng nghén trong các tháng đầu thai kỳ. Việc nhai kẹo cao su có những lợi ích và nguy cơ gì lên phụ nữ đang mang thai là một câu hỏi mà các mẹ bầu quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào việc cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề này để các mẹ bầu có thể tham khảo.
Kẹo cao su được tạo ra như thế nào?
Kẹo cao su ban đầu được sản xuất từ nhựa cây Chicle ở vùng Trung Mỹ, là nguyên liệu thiên nhiên. Tuy nhiên, ngày nay, vì lý do kinh tế và chất lượng nên người ta sản xuất nó từ polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ. Kẹo cao su còn được bổ sung thêm chất tạo ngọt, hương liệu, màu nhân tạo nhằm tạo ra sự đa dạng về hương vị và màu sắc.
Việc nhai kẹo cao su khi mang thai có thể có những lợi ích nào?
- Giảm cảm giác thèm ăn: Nếu thai phụ đang thực hiện chế độ ăn nhằm kiểm soát cân nặng thì việc nhai kẹo cao su là một cách rất tốt để giảm cơn thèm ăn. Việc nhai một thứ gì đó có thể đánh lừa bộ não, làm cho cơ thể cảm thấy rằng việc tiêu thụ một lượng thức ăn vẫn đang diễn ra và giảm cảm giác thèm ăn trong một khoảng thời gian nhất định.
- Giảm nghén: Nghén là tình trạng thường xuyên xảy ra khi mang thai, nặng nhất là ở thời điểm sáng sớm và chiều tối. Một số biện pháp có thể áp dụng để giảm bớt tình trạng này, trong đó có nhai kẹo cao su. Nhờ hương vị, mùi thơm của kẹo cao su, nhất là các loại có chứa Stavia (đường chiết xuất từ cỏ ngọt) sẽ làm giảm bớt cảm giác khó chịu trong miệng của các mẹ bầu. Kết hợp với động tác nhai, kẹo cao su có thể làm giảm bớt nghén.
- Giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản: Các mẹ bầu thường bị trào ngược dạ dày tái đi tái lại sau mỗi bữa ăn. Nhai kẹo cao su sẽ giúp tăng tiết nước bọt, nước bọt sau đó đi vào dạ dày sẽ giúp trung hòa bớt lượng axit còn sót lại.
- Giảm nguy cơ bệnh lý của nướu răng: Nhai kẹo cao su giúp giảm nghén và trào ngược. Từ đó, giảm tác động gây tổn thương của dịch tiêu hoá (vốn mang tính axit) lên nướu (lợi) và răng.
Những tác hại của việc nhai kẹo cao su khi mang thai là gì?
Bên cạnh những lợi ích thì việc nhai kẹo cao su cũng có một số ảnh hưởng không tốt. Nhất là ảnh hưởng từ chất tạo ngọt.
- Chất tạo ngọt nhân tạo trong kẹo cao su và hương liệu có thể gây ra các vấn đề về răng miệng trong thai kỳ.
- Sorbitol là một chất tạo ngọt được sử dụng rộng rãi trong kẹo cao su. Nó có thể gây ra tình trạng đầy hơi, tiêu chảy, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của ruột và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Một số loại kẹo cao su có chứa chất tạo ngọt là sucralose. Đây là chất tạo ngọt gây hại, có thể là nhân tố góp phần làm tăng nguy cơ rối loạn dung nạp đường và đái tháo đường ở phụ nữ mang thai.
- Đối với các mẹ bầu bị mắc bệnh Phenylketon niệu, chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có trong kẹo cao su sẽ không được chuyển hóa thành hoạt chất an toàn. Chất phenylalanine từ aspartame ứ đọng trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai.
Bên cạnh đó, việc nhai liên tục cũng có thể làm suy yếu các cơ nhai và sụn có chức năng bảo vệ xương hàm khỏi bất kỳ tác động nào từ bên ngoài. Nếu bị tổn thương, sẽ có cảm giác đau mạn tính của vùng miệng.
Sử dụng kẹo cao su có chứa nicotine để cai thuốc lá cũng không phải là lựa chọn tốt. Nicotine là chất gây nghiện và nếu nicotine đến máu con, nó có thể gây nên những vấn đề về tim mạch của trẻ trong tương lai.
Kẹo cao su có thành phần xylitol
Xylitol cũng là một chất tạo ngọt thay thế cho đường được nhiều nhãn hiệu kẹo cao su phổ biến sử dụng nhưng khác với sorbitol. Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, đây là thành phần an toàn cho phụ nữ mang thai. Việc nhai kẹo cao su có chứa xylitol 2 – 3 lần/ngày được nhiều Hiệp hội Y khoa trên thế giới hướng dẫn như là một biện pháp chăm sóc răng miệng, giúp giảm nguy cơ tạo mảng bám và ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Việc này cũng được ghi nhận là có khả năng giảm các nguy cơ về bệnh lý răng – lợi cho mẹ cũng như giảm nguy cơ sâu răng sau này cho trẻ.
Những điều cần lưu ý khi nhai kẹo cao su ở phụ nữ mang thai
- Chống chỉ định cho thai phụ có tình trạng nhạy cảm với insulin (nội tiết giúp điều hòa đường huyết của cơ thể), đái tháo đường hay có rối loạn dung nạp đường.
- Kiểm tra kỹ thành phần của kẹo cao su trước khi sử dụng.
- Không nuốt kẹo cao su.
- Chọn kẹo cao su không đường hay có thành phần tạo ngọt là đường xylitol.
- Nhai kẹo cao su ở mức độ vừa phải không lạm dụng.
- Duy trì sức khỏe răng miệng bằng cách đánh răng thường xuyên.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn và sử dụng bất kỳ loại kẹo cao su nào.
- Dùng chỉ nha khoa sau khi nhai kẹo cao su.
- Ngưng nhai kẹo cao su một tháng trước ngày dự sanh.
Nhìn chung, thai phụ cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc sử dụng kẹo cao su khi mang thai. Trong một số mục đích nhất định, việc nhai kẹo cao su có chứa xylitol được khuyến cáo là lựa chọn an toàn. Nhai kẹo cao su cần được diễn ra song hành với việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đều đặn và đầy đủ.