NÊN BỔ SUNG CÁC DƯỠNG CHẤT NÀO TRƯỚC VÀ TRONG KHI MANG THAI?

Hầu hết các chị em phụ nữ khi đã có kế hoạch cho việc mang thai đều mong muốn có một sức khoẻ thật tốt cho quá trình thụ thai và sinh con. Vậy nhu cầu hằng ngày đã đủ đảm bảo sức khoẻ cho việc mang thai hay chưa? Làm thế nào để biết được mình cần bổ sung dưỡng chất gì và bổ sung như thế nào là hợp lý? Hãy cùng nhau tìm hiểu các vấn đề này qua bài chia sẽ bên dưới đây các bạn nhé!

Lợi ích của việc cung cấp dưỡng chất thiết yếu trước khi mang thai?

Việc bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp trước sinh sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe cho bản thân cũng như giảm thiểu những rủi ro nhất định cho con bạn trong suốt thai kỳ. Uống vitamin và bổ sung khoáng chất trước khi sinh còn có thể mang lại những lợi ích quan trọng như sau:

  • Giảm nguy cơ dị tật nứt đốt sống và dị tật ống thần kinh ở trẻ.
  • Giảm nguy cơ dị tật sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim.
  • Giúp cung cấp đủ canxi cho sự phát triển của trẻ, giảm nguy cơ trẻ bị còi xương.
  • Giảm nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân và tỷ lệ tử vong thấp.
  • Giảm nguy cơ tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ liên quan đến thiếu Vitamin D ở mẹ.
  • Giúp ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
  • Bảo vệ sức khỏe người mẹ khỏi tác động của việc thiếu canxi.

Thời điểm nào sử dụng là hợp lý?

Theo các chuyên gia, bạn nên bắt đầu sử dụng các vitamin và bổ sung các khoáng chất từ trước khi mang thai càng sớm càng tốt. Lý tưởng nhất là 3 tháng trước khi thụ thai và tiếp tục duy trì đến khi hết thời gian cho con bú (ít nhất là 6 tháng). Ngoài ra, bạn cũng cần cung cấp axit folic 1 tháng trước khi mang thai để ngăn ngừa các dị tật không mong muốn liên quan đến cột sống và não bộ ở trẻ.

Các loại dưỡng chất cần bổ sung là gì?

  • Axit folic (Folate hay Vitamin B9): Là một vi chất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào. Axit folic còn tham gia vào việc hình thành các tế bào máu, sản xuất các tế bào hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu. Theo khuyến cáo, mỗi phụ nữ nên bổ sung 400-1000 mcg axit folic mỗi ngày. Bạn nên bắt đầu uống từ ít nhất 1-3 tháng trước khi mang thai và tiếp tục duy trì trong khi mang thai. Bạn có thể uống kết hợp viên sắt và axit folic. Sử dụng axit folic sớm có thể giúp bạn giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở não và cột sống (còn gọi là dị tật ống thần kinh) ở trẻ lên đến 70%.
  • Sắt: Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu, cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch và giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thiếu sắt có thể gây thiếu máu hoặc mệt mỏi, đặc biệt là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nhóm phụ nữ này thường có lượng dự trữ sắt trong cơ thể thấp vì bị mất máu hàng tháng qua kinh nguyệt. Việc bổ sung sắt trước khi mang thai không chỉ giúp ngăn ngừa sớm tình trạng thiếu máu trong thai kỳ mà còn giúp hạn chế các vấn đề về rụng trứng trong giai đoạn thụ thai. Trước khi mang thai bạn cần bổ sung khoảng 15mg-30mg sắt/ngày trong vòng ít nhất 3 tháng. Trong lúc mang thai thì bạn cần bổ sung 30-60 mg sắt/ngày để phòng tránh các ảnh hưởng bất lợi cho đến mẹ và bé như: sinh non, sinh con nhẹ cân, băng huyết sau sinh, trẻ sinh ra bị thiếu máu, thiếu sắt, kém thông minh,… Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung sắt bằng cách ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều sắt. Một số thực phẩm chứa nhiều sắt như: rau có màu xanh đậm (rau chân vịt, rau ngót, rau muống, bông cải xanh,…), các loại thịt (thịt bò, heo, cá,…) hoặc các loại đậu, hạt (đậu nành, đậu hà lan, đậu lăng, hạt bí,…)
  • Canxi: Canxi là một thành phần chất khoáng vô cùng quan trọng ngoài việc cấu tạo xương và răng. Canxi còn tham gia vào quá trình vận động, tuần hoàn, dẫn truyền dây thần kinh cơ thể và cân bằng nội tiết tố. Theo các chuyên gia, phụ nữ cần bổ sung canxi trước khi có ý định mang thai ít nhất 3 tháng với nhu cầu khuyến nghị là 800 mg/ngày. Trong thời gian đầu mang thai, nhu cầu canxi của bà bầu là 800 mg- 1000 mg/ngày. Còn trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ và thời kỳ cho con bú có thể tăng lên khoảng 1500 mg/ngày. Đây là khoáng chất cơ thể không thể tự sản xuất nên bạn chỉ có thể bổ sung canxi thông qua việc sử dụng viên uống bổ sung hoặc các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, nước cam, cá hồi, cải xoăn, cải ngọt,…
  • Vitamin D: Ngoài Canxi thì vitamin D cũng rất quan trọng trong việc giúp hấp thu, chuyển hóa, phân phối canxi và phospho trong cơ thể. Vitamin D thấp thường có ảnh hưởng đến các vấn đề về rụng trứng và tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ trước sinh. Vitamin D có thể được cơ thể tự tổng hợp trên da bạn nhờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở những người thiếu hụt vitamin D nên cần bổ sung thêm vitamin D đường uống để phòng tránh tình trạng loãng xương sau này khi mang thai.
  • Omega-3: Acid béo không bão hoà Omega-3 là một acid béo thiết yếu cho cơ thể. Chúng có 2 dạng chính là docosahexaenoic acid (DHA) và eicosapentaenoic acid (EPA). Các nghiên cứu cho thấy Omega-3 giúp hỗ trợ cho hệ tim mạch, não bộ, khả năng vận động khớp, sức khỏe mắt, da, tóc và giúp phản ứng miễn dịch khỏe mạnh. Đối với các bạn điều trị Thụ tinh trong ống nghiệm, Omega-3 giúp tăng chất lượng tinh trùng, cải thiện chất lượng trứng và rụng trứng, cải thiện niêm mạc tử cung để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sự làm tổ của phôi. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, những lợi ích của Omega-3 EPA và DHA bao gồm hỗ trợ sự phát triển của não, mắt, hệ thần kinh của thai nhi, cân nặng và chiều dài thai kỳ khỏe mạnh, phòng ngừa trầm cảm ở phụ nữ sau sinh. Liều DHA tối thiểu cho người trưởng thành khoảng 220 mg/ngày. Trong khi mang thai và cho con bú khoảng 300 mg/ngày. Do bản chất cơ thể không thể tự sản xuất ra Omega-3, vì vậy bạn phải bổ sung Omega-3 thông qua chế độ ăn uống hoặc từ các viên uống tổng hợp hằng ngày. Một số thức phẩm chứa nhiều Omega-3 như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm, dầu gan cá tuyết, hàu, đậu nành, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó,…
  • Kẽm: Có vai trò hỗ trợ miễn dịch, giúp cơ thể tạo ra protein, phân chia tế bào và tổng hợp DNA cho các tế bào mới. Thiếu kẽm có thể dẫn đến giảm thị lực ban đêm, lâu lành vết thương, giảm khứu giác và vị giác, giảm khả năng chống nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút gây ra và kém phát triển cơ quan sinh sản. Liều dùng kẽm an toàn theo khuyến cáo hiện nay cho phụ nữ trước sinh là 8 mg/ngày từ thực phẩm hoặc từ thuốc viên tổng hợp. Trong thai kỳ nếu thiếu kẽm có thể gây ra một số vấn đề cho cả mẹ và thai nhi như: vô sinh, sẩy thai, sinh non, thai lưu, rối loạn thần kinh và suy dinh dưỡng ở trẻ. Liều dùng kẽm cho phụ nữ khi mang thai và cho con bú được các bác sĩ đề nghị hiện nay là 11-12 mg/ ngày. Một số thực phẩm giàu kẽm như: các loại thịt, động vật có vỏ (hàu, sò, hến,…), các loại đậu, hạt, ngũ cốc có vỏ, trứng, sữa,…

Nhìn chung việc bổ sung vitamin và khoáng chất trước khi mang thai sẽ mang đến cho bạn một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và sinh ra những em bé phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thông qua những chia sẻ hữu ích này, IVFMD hy vọng có thể đem đến những hành trang kiến thức đáng tin cậy trong suốt hành trình của bạn cùng con yêu.

Nếu bạn cần thêm thông tin, hãy liên hệ với Đội ngũ Nữ hộ sinh IVFMD bằng cách nhấn vào biểu tượng “Đăng ký tư vấn” bên dưới nhé. IVFMD sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trong hành trình phía trước.