Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sinh non được định nghĩa là tình trạng chuyển dạ sinh trước khi tuổi thai được 37 tuần (hay 259 ngày). Có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng sinh non. Tuy nhiên 3 nhóm nguy cơ cao gồm đa thai, bất thường của tử cung và thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Cổ tử cung ngắn khi mang thai là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sinh non hoặc sảy thai. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Xác định chiều dài kênh cổ tử cung như thế nào?
Cổ tử cung là một cấu trúc hình phễu với lỗ cổ tử cung là đường thông nối giữa tử cung và âm đạo, có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong thai kỳ cũng như lúc sinh nở. Cổ tử cung bình thường của phụ nữ gồm lỗ ngoài và lỗ trong tử cung. Chiều dài kênh cổ tử cung thường được đo từ lỗ ngoài đến lỗ trong tử cung, bình thường từ 40 – 50 cm.
Trong thực hành lâm sàng, chiều dài kênh cổ tử cung ≤ 25mm được xem là ngắn, áp dụng chung cho tất cả phụ nữ mang thai.
2. Nguyên nhân gây ngắn chiều dài kênh cổ tử cung
- Nguyên nhân bẩm sinh
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cổ tử cung ngắn, phát triển chưa hoàn thiện hoặc bất thường trong quá trình phát triển hệ cơ quan sinh sản khiến cho cổ tử cung bị dị dạng hoặc nhi hóa. Bất thường tử cung bẩm sinh ̣̣( tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn…) thường kèm theo tình trạng suy yếu cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non.
- Biến chứng phẫu thuật:
Những phụ nữ từng thực hiện phẫu thuật cắt khoét chóp hoặc sinh thiết lõi cổ tử cung, cắt đoạn cổ tử cung, hay tổn thương cổ tử cung do nong, nạo thai.
- Biến chứng bệnh lý:
Biến chứng phụ khoa gặp phải trong thời gian mang thai như viêm hoặc nhiễm trùng cổ tử cung hoặc âm đạo…
- Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác được chẩn đoán có thể do
Thời gian giữa hai lần mang thai gần nhau; tiền sử sản khoa: sảy thai to hoặc đẻ non trước 28 tuần ít nhất 2 lần với đặc điểm chuyển dạ nhanh không đau; hút thuốc; cơ địa; hay không xác nhận được nguyên nhân.
3. Thời điểm nào nên kiểm tra chiều dài cổ tử cung?
Siêu âm ngả âm đạo (Transvaginal ultrasound-TVU) là một phương tiện hữu ích giúp chúng ta đánh giá sự thay đổi của cổ tử cung (CTC) trong suốt thai kỳ. Qua các nghiên cứu, người ta nhận thấy khi chiều dài kênh CTC ngắn trong tam cá nguyệt (TCN) 2 thì nguy cơ sinh non tự phát tăng. Trước 14 tuần tuổi thai, chiều dài kênh CTC ít có giá trị lâm sàng. Tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt như có tiền căn sinh non, tiền căn thủ thuật trên CTC (sinh thiết, khoét chóp …), CTC ngắn ở thời điểm 10-13 tuần sẽ kết hợp với nguy cơ sanh non tự phát cao. Thời điểm thích hợp để đo chiều dài kênh CTC dựa trên tiền căn sản khoa của thai phụ. Đối với những thai phụ có tiền căn sinh non nên được thực hiện lúc 14-16 tuần, ngược lại nếu không có tiền căn sinh non thì thời điểm phù hợp là 18-23 tuần 6 ngày. Chiều dài kênh CTC thường ổn định ở thời điểm 14-28 tuần và ngắn dần sau 28-32 tuần. Tuy nhiên, mẹ bầu yên tâm là trong quá trình bác sỹ kiểm tra sức khỏe thai nhi định kỳ có kèm theo thời điểm kiểm tra chiều dài cổ tử cung.
4. Cần làm gì khi cổ tử cung ngắn?
Khi được bác sỹ chẩn đoán cổ tử cung ngắn, bạn sẽ được bác sỹ tư vấn một số phương pháp điều trị sau:
- Khâu vòng cổ tử cung qua đường âm đạo
Là phương pháp phổ biến nhất. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng dụng cụ đặt vào âm đạo để bộc lộ cổ tử cung và khâu xung quanh nó bằng một chỉ khâu đặc biệt. Sau đó, vết khâu được thắt chặt và buộc lại, giúp giữ cho cổ tử cung đóng kín. Chỉ khâu CTC sẽ được cắt bỏ khi thai 36 -37 tuần để ngăn ngừa rách cổ tử cung hoặc vỡ tử cung khi có chuyển dạ. Khâu CTC không làm tăng nguy cơ phải khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai.
- Khâu vòng cổ tử cung qua thành bụng
Đây là một phẫu thuật không phổ biến nhưng có thể được thực hiện nếu bạn đã từng khâu cổ tử cung ngả âm đạo trước đó nhưng không hiệu quả hoặc do cổ tử cung của bạn quá ngắn, không thể thực hiện khâu ngả âm đạo. Khâu CTC được thực hiện thông qua đường mổ trên bụng hoặc thông qua phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trong trường hợp này, đường khâu sẽ không được cắt bỏ như chỉ khâu ngả âm đạo. Em bé của bạn cần được sinh bằng phương pháp sinh mổ.
Phẫu thuật có thể được thực hiện trước khi bạn mang thai hoặc trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Đặt vòng nâng cổ tử cung (vòng Arabin)
Vòng Arabin được Hans Arabin thiết kế vào cuối những năm 70, với thiết kế dạng vòm,khi đặt vào trong âm đạo, giúp giảm sức ép của tử cung lên CTC.
Vòng nâng Arabin có thể đặt tại phòng khám sản phụ khoa, không cần nhập viện. Việc đặt vào và lấy ra dễ dàng bởi bác sĩ chuyên khoa nên thai phụ có thể về trong ngày. Sau khi đặt vòng nâng có thể kèm tình trạng dịch tiết âm đạo nhiều hơn, nhưng đa số thai phụ đều chấp nhận được, nên rất ít trường hợp phải lấy vòng ra. Vòng nâng Arabin sẽ được lấy ra khi thai khoảng 37 tuần.
Nhìn chung, việc đánh giá chiều dài kênh cổ tử cung qua siêu âm ngả âm đạo trong thăm khám thai, nhằm giúp bác sĩ và mẹ bầu đánh giá, tiên lượng và dự phòng nguy cơ sinh non do cổ tử cung ngắn. Bên cạnh đó, các mẹ bầu nên khám thai định kỳ và theo lịch hẹn của bác sỹ điều trị nhằm đảm bảo sự phát triển của thai nhi và phòng tránh được nhiều nguy cơ trong thai kỳ đặc biệt là nguy cơ sanh non. Chúc các mẹ bầu sức khỏe và một thai kỳ an vui.
Tác giả: ĐD. Trần Thị Thanh Ái – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFVH