LỢI ÍCH THAI GIÁO TRONG BA THÁNG ĐẦU THAI KỲ

Chắc hẳn các mẹ bầu đang mang thai hoặc chị em đang chuẩn bị có kế hoạch mang thai đều đã nghe qua cụm từ “thai giáo”. Vậy thai giáo là gì và thai giáo có lợi ích gì? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết dưới đây nhé!

Thai giáo là gì?

Thai giáo cho bé từ khi còn trong bụng mẹ là một bước chuẩn bị cần thiết cho cả mẹ và bé. Đây giống như một bước đệm nhằm củng cố sự gắn kết giữa mẹ và con.

Thai giáo bắt nguồn từ các nghiên cứu về tâm lý của mẹ và bé trong giai đoạn mang thai và giai đoạn trước khi bắt đầu thai giáo cho trẻ.

Có 2 kiểu thai giáo chính:

  • Thai giáo gián tiếp: Chăm sóc cho người mẹ về mặt dinh dưỡng, sức khỏe và tinh thần.
  • Thai giáo trực tiếp: Dạy trẻ thông qua các bài tập kích thích 5 giác quan của trẻ.

“Giai đoạn vàng” để bắt đầu thực hiện thai giáo

Nhiều người cho rằng, thai giáo bắt đầu từ lúc thụ thai và xuyên suốt theo từng giai đoạn tương ứng với các cột mốc phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì thai giáo nên bắt đầu từ lúc chuẩn bị mang thai.

Việc thực hiện thai giáo trước khi mang thai sẽ giúp bố mẹ có một khoảng thời gian để điều chỉnh tâm lý, sức khỏe cũng như lối sống. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ ngơi và ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng. Tất cả những yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai, mang thai và hình thành một thai nhi khỏe manh, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Các phương pháp thai giáo trong 3 tháng đầu của thai kì

Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ là cột mốc khởi điểm cho sự phát triển trí não của bé. Áp dụng các phương pháp thai giáo đúng cách ở giai đoạn này sẽ hỗ trợ rất nhiều đến sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Phương pháp thai giáo thính giác

Thính giác của thai nhi bắt đầu phát triển ở tuần thứ 4 của thai kỳ. Đến tuần thứ 8, tai ngoài được hình thành và đến tuần thứ 16, bé bắt đầu phản ứng được với âm thanh. Từ tuần thứ 24 – 25, hệ thống truyền âm thanh của thai nhi sẽ hoàn chỉnh.

Vì thế, trong giai đoạn từ tuần thứ 4 trở đi, bố mẹ đã có thể bắt đầu thai giáo bằng cách trò chuyện, đọc chuyện, hát ru hoặc cho bé nghe nhạc. Phương pháp này nên được diễn ra đều đặn, thường xuyên, duy trì thành thói quen để tạo cho trẻ sự thân thuộc. Hãy chọn cho bé một tên thân thuộc ở nhà và gọi tên bé mỗi khi trò chuyện. Đây cũng là một cách để bé có thể cảm nhận được tình yêu của bố mẹ thông qua xúc giác và thính giác.

Âm nhạc thực sự có ích trong phương pháp thai giáo này, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kì. Tuy nhiên, bố mẹ cần chú ý nên tránh những âm thanh có cường độ mạnh, quá chói tai sẽ ảnh hướng không tốt đến trẻ.

Phương pháp thai giáo tiếp xúc và tương tác qua da

Xúc giác của thai nhi bắt đầu phát triển khi mẹ bước vào tuần thai thứ 8 của thai kỳ. Ở giai đoạn này, bố mẹ có thể bắt đầu thực hiện phương pháp thai giáo tiếp xúc và tương tác qua da.

Bố mẹ hãy tương tác với con thông qua các đầu ngón tay. Hãy bắt đầu bằng việc xoa, massage nhẹ nhàng bụng bầu kết hợp với đọc chuyện hoặc nói chuyện thân mật với con. Phương pháp này cần lưu ý là xoa nhẹ nhàng, đúng cách, tránh trường hợp kích thích các cơn co tử cung.

Các bước massage mà ba mẹ có thể tham khảo:

  • Bước 1: Mẹ bầu nằm tư thế thoải mái nhất.
  • Bước 2: Nhẹ nhàng nhấn một ngón tay vào bụng rồi thả ra.
  • Bước 3: Vỗ về nhẹ nhàng, sau đó tiếp tục ấn nhẹ các ngón tay, vuốt bụng bầu từ trên xuống, từ trái qua phải.
  • Lưu ý thời gian thực hiện chỉ nên khoảng 10 phút và thời điểm là trước khi mẹ đi ngủ.

Phương pháp thai giáo tâm lý

Phương pháp này nên bắt đầu từ thời điểm mẹ chuẩn bị mang thai. Người mẹ cần giữ cho bản thân một tinh thần thoải mái, tránh gò bó, áp lực hoặc quá lo lắng.

Không có một hướng dẫn cụ thể nào đối với phương pháp này. Nguyên tắc cơ bản là người mẹ nên duy trì một trang thái cảm xúc tích cực, lạc quan, vui vẻ, hạn chế những cảm xúc tiêu cực, tức giận hay buồn bã mẹ nhé.

Giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là một giai đoạn rất nhạy cảm. Tâm trạng không ổn định của mẹ có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những kết cục không mong muốn như dọa sinh non, sinh non, dọa sẩy thai, sẩy thai…

Người mẹ có thể đi bộ, tập yoga nhẹ nhàng, đăng ký các lớp học tiền sản, các lớp học cắm hoa, viết thư pháp… để giúp giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi.

Phương pháp thai giáo dinh dưỡng

Chế độ dinh dướng đóng một vai trò quan trọng trong suốt quá trình mang thai và sự phát triển của thai nhi. Bắt đầu từ cuối tháng thứ 3 của thai kỳ, thai nhi sẽ hình thành vị giác. Trẻ sẽ có gai lưỡi để cảm nhận mùi vị khác nhau. Vì thế mẹ bầu nên bổ sung thức ăn dinh dưỡng để kích thích vị giác ở trẻ ngay từ thời điểm này.

Mẹ bầu không nên kiêng khem quá mức, cũng không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm được cho là tốt. Thay vào đó, mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Mẹ bầu cũng không nên ăn quá no cho một lần mà có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Phương pháp thai giáo ngồi thiền

Ở giai đoạn thai 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể tập thói quen ngồi thiền. Việc ngồi thiền sẽ giúp mẹ bầu giảm được phẩn lớn các cơn đau khi chuyển dạ, tránh đi các cảm xúc tiêu cực, giảm nghén, mất ngủ…

Mẹ bầu có thể tập ngồi thiền theo các bước sau:

  • Bước 1: Mẹ ngồi thẳng người, nhắm mắt lại, loại bỏ dần các suy nghĩ lo lắng.
  • Bước 2: Tập trung vào hơi thở. Hít thở nhẹ nhàng và chậm rãi. Khi hít vào, bụng nở rộng. Khi thở ra, thở chậm và nhẹ nhàng.
  • Cứ thể mẹ bầu cứ lập lại nhiều lần động tác hít thở đều đặn, nhẹ nhàng. Trong quá trình hít thở, mẹ có thể ôm lấy bụng bầu hoặc đặt một tay lên bụng, miệng khẽ mỉm cười và cảm nhận trẻ. Hãy chậm rãi loại bỏ những cảm xúc tiêu cực trong ngày. Thay vào đó, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp dành cho bé.

Mẹ bầu có thể duy trì phương pháp thai giáo ngồi thiền này đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được phần nào câu hỏi của các bạn. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ thật an vui và đón bé yêu thật khỏe mạnh.