LAO SINH DỤC NỮ NGUYÊN NHÂN GÂY VÔ SINH

 

Lao là một bệnh truyền nhiễm thường do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh chủ yếu tác động đến phổi nhưng cũng có thể đến những bộ phận khác trên cơ thể như xương, khớp, màng não, đường tiết niệu. Đồng thời, còn một thể lao rất nguy hiểm khác đó là lao sinh dục ở phụ nữ (Female Genital Tuberculosis – FGTB), bệnh này có thể dẫn đến vô sinh và để lại di truyền cho thế hệ sau. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về lao sinh dục nữ là gì?

Lao sinh dục gây vô sinh ở nữ giới

Thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ít xảy ra hơn ở phụ nữ sau mãn kinh. Khoảng 60-80% phụ nữ mắc phải FGTB bị vô sinh do biến dạng hoặc tắc nghẽn ống dẫn trứng, dính trong tử cung gây ra khả năng tiếp nhận nội mạc tử cung không đầy đủ hoặc viêm phá hủy mô buồng trứng dẫn đến suy giảm dự trữ buồng trứng. Ở nữ giới khi có nồng độ CA-125 huyết thanh tăng cao thường gây nghi ngờ bệnh ác tính nhưng cũng có thể gây tăng nguy cơ mắc FGTB. Nó có thể lây truyền qua đường tình dục qua tinh dịch bị nhiễm bệnh từ bệnh lao đường sinh dục đang hoạt động ở bạn tình nam.

Lao sinh dục nữ
Lao sinh dục ảnh hưởng đến sinh sản ở nữ giới

Nguyên nhân thứ phát do một ổ bệnh tập trung ở nơi khác trong cơ thể (điển hình là phổi) thông qua đường máu lây lan qua hạch bạch huyết hoặc trực tiếp từ các cơ quan lân cận đến cơ quan sinh dục tiến triển thành bệnh hoạt động và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nữ giới như:

  • Yếu tố ống dẫn trứng: Khoảng 90-100% ống dẫn trứng sẽ bị ảnh hưởng, thường cả hai bên dẫn tới viêm ống dẫn trứng, dính và tắc nghẽn ống dẫn trứng ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh 

  • Nội mạc tử cung: Bị ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận phôi ở 50-80% bệnh nhân.

  • Chức năng buồng trứng giảm: Nhiễm trùng từ ống dẫn trứng lây lan đến nội mạc tử cung làm biến dạng khoang tử cung và dính buồng tử cung, rối loạn chức năng nội tiết, không rụng trứng. Trong chức năng sinh sản vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis có tác dụng kháng gonadotropin, dẫn tới chất lượng phôi kém và giảm sản xuất progesterone (khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể), thất bại làm tổ, tỷ lệ mang thai thấp hơn.

  • Cổ tử cung: có thể liên quan đến khoảng 5% thường là thứ phát sau lao ống dẫn trứng hoặc nội mạc tử cung biểu hiện dưới dạng sự phát triển dạng polyp hoặc loét mô phỏng ung thư cổ tử cung. 

 Nên nghĩ đến bệnh lao ở những phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu mãn tính, tiết dịch âm đạo mãn tính, vô sinh không rõ nguyên nhân không đáp ứng với điều trị chuẩn. Các triệu chứng thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là kinh nguyệt không đều hoặc các triệu chứng không đặc hiệu khác như đau vùng chậu, đau bụng và tiết dịch âm đạo bất thường. Phụ nữ sau mãn kinh triệu chứng đặc trưng là chảy máu sau mãn kinh và mủ tử cung. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi cũng có thể bị sụt cân và chán ăn không rõ nguyên nhân. Ngoài ra các triệu chứng ít phổ biến và chỉ xảy ra khi nhiễm trùng đồng thời ở nơi khác: khó chịu, đổ mồ hôi vào ban đêm và sốt.

Chẩn đoán lao sinh dục nữ dựa trên những phương pháp

  • Sinh thiết nội mạc tử cung: thực hiện ở giai đoạn hoàng thể (ngày 21 vòng kinh) đây được xem là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán lao sinh dục.

  • Chụp can quang ống dẫn trứng (HSG)/ Siêu âm sử dụng chất tương phản (Hyfosy): đây là những kỹ thuật đánh giá được trình trạng của nội mạc tử cung, lòng ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, hình dạng khoang tử cung bị biến dạng.

  • Siêu âm: thấy nội mạc tử cung dày lên và biến dạng với các vùng giảm âm không đồng nhất do vôi hóa hoặc xơ hóa. Hai ống dẫn trứng giãn nở phù nề và dày lên.

    Siêu âm kiểm tra nội mạc tử cung
  • Nội soi ổ bụng/ buồng tử cung: Khối u buồng trứng. nốt sần dính vùng chậu và quanh gan, hình dạng hạt hoặc dạng ống của ống dẫn trứng và hai buồng trứng. 

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT: rất hữu ích để phát hiện các khối u buồng trứng.

Thông qua những phương pháp chẩn đoán lao sinh dục nữ chúng ta thấy rằng cần phải kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện kịp thời bệnh lý nhằm ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn đến các cơ quan sinh dục. Ngay cả sau khi điều trị vẫn tiên lượng xấu về khả năng sinh sản. Tỉ lệ thụ thai khoảng 12-23% sau điều trị. Nên thực hiện điều trị lao sinh dục ở nữ trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu không có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng của mẹ và con: mắc bệnh lao bẩm sinh và tái phát bệnh lao vùng chậu. Vì vậy việc đánh giá và điều trị sớm lao rất quan trọng. Để cải thiện tỷ lệ mang thai và sinh sống nên phẫu thuật cắt hai ống dẫn trứng trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Trong trường hợp nội mạc tử cung bị phá hủy nhưng buồng trứng vẫn không bị tổn thương thì có thể nghĩ đến phương án mang thai hộ. 

Mặc dù tình trạng bệnh lao sinh dục nữ không phải căn bệnh quá phổ biến thế nhưng tác hại mà bệnh gây ra lại rất nghiêm trọng. Chính vì thế, những phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần tìm hiểu trước những thông tin hữu ích về bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.