QUÁ KÍCH BUỒNG TRỨNG – NỖI SỢ KHI ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN

Hội chứng quá kích buồng trứng được biết đến như một trong các biến chứng nguy hiểm của điều trị hiếm muộn. Quá kích buồng trứng nặng thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân nào có thể gây nên tình trạng này, các dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và dự phòng hội chứng quá kích buồng trứng như thế nào? hãy cùng IVFMD giải đáp những thắc mắc trên. 

1. Quá kích buồng trứng là gì? 

Quá kích buồng trứng là biến chứng có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh (hiếm muộn), đặc trưng bởi hiện tượng gia tăng kích thước buồng trứng.

2. Dấu hiệu quá kích buồng trứng là gì? 

Các triệu chứng của quá kích buồng trứng thường xuất hiện từ 3 đến 6 ngày sau khi tiêm thuốc kích trứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp triệu chứng quá kích buồng trứng cũng có thể xuất hiện muộn hơn.

Dấu hiệu quá kích buồng trứng thông thường sẽ bao gồm:

  • Đau bụng
  • Đầy bụng
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Tiêu chảy
  • Ăn uống kém
  • Khó thở
  • Tiểu ít
  • Phù chân
  • Phù âm hộ
  • Thấy bụng to dần

Biểu hiện của quá kích buồng trứng có thể kéo dài và trầm trọng hơn nếu bạn có thai sau chọc hút trứng. 

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ quá kích buồng trứng

Dựa theo một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có một trong các đặc điểm dưới đây có thể làm tăng nguy cơ quá kích buồng trứng trong quá trình kích thích buồng trứng: 

  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Tiền căn quá kích buồng trứng
  • Có nồng độ estradiol tăng nhanh và cao
  • Có nhiều nang noãn phát triển
  • Bệnh nhân trẻ tuổi, thể trạng gầy
  • Bệnh nhân có thai

4. Cần làm gì khi bị quá kích buồng trứng? 

Sau chọc hút trứng, bạn sẽ được dặn các dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cần liên hệ bác sĩ ngay, dựa vào mức độ nặng nhẹ của quá kích buồng trứng mà bạn sẽ được chỉ định phương pháp điều trị, theo dõi phù hợp:

Với mức độ nhẹ bạn sẽ tự theo dõi tại nhà:

  • Tự theo dõi mức độ cải thiện của các triệu chứng
  • Nghỉ ngơi, sinh hoạt nhẹ nhàng, kiêng giao hợp
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày
  • Ăn nhiều thức ăn có chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa,..
  • Đo vòng bụng, theo dõi cân nặng tại nhà nếu có thể

Với mức độ nặng hơn bạn cần đến khám ngay tại các cơ sở hỗ trợ sinh sản để được theo dõi và điều trị, các dấu hiệu bao gồm: 

  • Đau bụng nhiều, tăng dần
  • Nôn ói nhiều, không thể ăn uống được
  • Đi tiểu rất ít hoặc không có nước tiểu
  • Bụng căng nhiều
  • Khó thở (đặc biệt cảm thấy hít thở khó khăn khi nằm)

5. Quá kích buồng trứng có thể phòng ngừa không? 

Hiện nay, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển; vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được nguy cơ quá kích buồng trứng. Tại hệ thống IVFMD, đối với những bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang, phương pháp nuôi trứng non (CAPA – IVM) hầu như không cần tiêm thuốc kích trứng do đó quá kích buồng trứng là điều không xảy ra. Việc tìm hiểu và lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt về mặc kỹ thuật trong điều trị hỗ trợ sinh sản để hạn chế những biến cố ngoài ý muốn cho bệnh nhân sau điều trị hiếm muộn là vô cùng quan trọng. 

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các anh chị đang tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu cần tư vấn kỹ hơn, anh chị đừng ngần ngại đặt lịch hẹn với bác sĩ tại hệ thống IVFMD để được khám và tư vấn. Xin cảm ơn!