LÀM SAO ĐỂ PHÒNG NGỪA TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ?

Tăng huyết áp thai kỳ là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ. Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát hoặc điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp thai kỳ là hiện tượng tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về mức bình thường 6 tuần sau sinh. Khi đo huyết áp thì chỉ số huyết áp tâm thu (chỉ số huyết áp tối da) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số huyết áp tối thiểu) ≥ 90 mmHg.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ cao huyết áp thai kỳ?

  • Cách sống không lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khi mang thai không hợp lý.
  • Thừa cân, béo phì, ít vận động.
  • Thai phụ có tiền sử tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật.
  • Mang đa thai.
  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
  • Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý liên quan dẫn đến biến chứng cao huyết áp khi mang thai.

Những biểu hiện thường gặp khi bị tăng huyết áp thai kỳ

  • Phù ở chân, tay.
  • Nhức đầu bất thường.
  • Tăng cân nhanh.
  • Mắt nhìn mờ.

Phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ như thế nào?

Để tránh bị tăng huyết áp trong thai kỳ, phụ nữ cần lưu ý những điều sau đây trước khi có kế hoạch mang thai:

  • Tránh mang thai, sinh nở khi tuổi đã cao.
  • Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai.
  • Phụ nữ thừa cân cần có kế hoạch giảm cân trước khi mang thai.
  • Giảm căng thẳng, tránh dùng các chất kích thích trong lúc mang thai.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành lạnh, ăn nhiều hoa quả, rau xanh…để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nếu đã mắc bệnh đái tháo đường, thai phụ cần kiểm soát tốt đường huyết trước và trong suốt quá trình mang thai.
  • Tập thể dục điều độ trước và trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Những thai phụ được chẩn đoán tiền sản giật cần vận động nhẹ nhàng, không khuyến khích nằm tại giường trong thời gian dài.

Tăng huyết áp thai kỳ thường xảy ra nhất trong thai kỳ, nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và bé nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Lời khuyên IVFMD muốn gửi đến tất cả các chị là nên đi khám thai định kỳ theo lịch bác sĩ, hoặc đi khám sớm nếu có các triệu chứng bất thường liên quan đến tăng huyết áp thai kỳ; và nên trang bị cho mình một máy đo huyết áp để tiện theo dõi huyết áp tại nhà nhé.