Mặc dù phôi nang người dễ nở rộng trong ống nghiệm, tuy nhiên khoảng 20% những phôi nang này gặp trở ngại trong vấn đề giãn nở hay chỉ dãn rộng ở một vài chỗ hoặc không thể dãn nở hoàn toàn để thoát khỏi màng zona, cuối cùng nang xẹp xuống và thoái hóa. Phương pháp hỗ trợ phôi thoát giúp tạo lỗ thủng trên màng trong suốt (Zona Pellucida – ZP) bao quanh phôi để phôi thoát khỏi màng bao, bám vào nội mạc tử cung để làm tổ và phát triển thành thai.
1. Phôi thoát màng là gì?
Về cấu tạo của phôi: 1 phôi sẽ có cấu tạo cơ bản gồm 1 lớp màng trong suốt bọc bên ngoài, và bên trong là các tế bào sẽ phát triển thành phôi thai (phôi bào). Tùy vào tuổi phôi mà số lượng, hình dạng và cấu tạo của các phôi bào sẽ khác nhau.
Phôi ngày 5, các tế bào đã biệt hóa và phân định rõ nhóm tế bào nào sẽ phát triển thành em bé (Inner cell mass-ICM), nhóm tế bào nào sẽ phát triển thành rau thai (Trophectoderm -TE), ngoài ra, còn có 1 khoang chứa dịch ở trong lòng phôi, được gọi là khoang phôi nang. Cũng vì thế mà phôi ngày 5 còn được biết đến với cái tên là phôi nang, phôi túi, phôi blastocyst.
Theo quá trình phát triển tự nhiên, đến ngày thứ 5 -6, số lượng các tế bào phôi trở nên hiều hơn (>100 tế bào), khoang phôi nang cũng lớn dần lên, màng Zona trở nên mỏng lại và sẽ dần rách ra để phôi chui ra ngoài (phôi hatching) và sẵn sàng làm tổ.
Trong trường hợp vì 1 lý do nào đó, màng Zona không thể rách ra được, phôi sẽ không thoát ra ngoài được thì sự làm tổ sẽ không sảy ra. Vì thế chúng ta cần phải hỗ trợ phôi thoát màng bằng các kỹ thuật đặc biệt.
2. Định nghĩa hỗ trợ phôi thoát màng (AH)
Hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted hatching – AH) là kỹ thuật vi thao tác giúp phôi “nở”, thoát ra khỏi lớp màng zona bằng cách làm mỏng hoặc tạo vết nứt nhỏ trên màng trong suốt. Mục đích của kỹ thuật này là làm tăng tỷ lệ làm tổ của phôi thai trong hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm.
3. Khi nào được chỉ định thực hiện AH
Kỹ thuật AH được bác sỹ chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần
- Bệnh nhân chuyển phôi trữ
- Bệnh nhân ít phôi, lớn tuổi
- Bệnh nhân phôi có màng trong suốt dày bất thường
- Bệnh nhân thực hiện kỹ thuật IVM
4. Phương pháp AH được thực hiện như thế nào?
Hiện tại có 3 phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng: phương pháp cơ học, phương pháp hóa học và phương pháp laser. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống IVFMD đang sử dụng laser hồng ngoại có bước sóng 630-650nm.
Phương pháp laser được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1991 với ưu điểm là ổn định, chỉ tập trung các tia năng lượng bắn vào màng ZP, dễ kiểm soát và chính xác. Tại các vị trí laser beam nhiệt lượng tỏa ra nằm trong mức cho phép không gây ảnh hưởng đến chất lượng phôi
Tóm lại phương pháp AH an toàn cho phôi và giúp cải thiện tỷ lệ có thai, nếu cần tư vấn kỹ hơn, anh chị có thể liên hệ với bác sỹ tại hệ thống IVFMD. Xin cảm ơn!
Tác giả: Nhs. Lê Thị Kim Tho – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh