Một chu kỳ IVF thường trải qua nhiều giai đoạn khác nhau bao gồm: kích thích buồng trứng, chọc hút noãn, thu nhận tinh trùng, tạo phôi, nuôi phôi và cuối cùng là chuyển phôi vào buồng tử cung. Đa số bệnh nhân đều có phôi để chuyển và số phôi còn lại sẽ được trữ đông cho các chu kỳ sau. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp sau khi kết thúc chu kỳ thì bệnh nhân không có phôi để chuyển. Vậy nguyên nhân không có phôi là gì và biện pháp nào khắc phục kết quả cho các chu kỳ sau là gi? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài biết dưới đây.
Không có noãn sau khi chọc hút
Đầu tiên để có phôi thì cần phải có noãn trưởng thành để thụ tinh với tinh trùng. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có dự trữ buồng trứng kém thì khi chọc hút có thể không có noãn hoặc noãn thu được chỉ là noãn non không sử dụng được. Một nguyên nhân khác của chọc hút không noãn có thể xảy ra trong chu kỳ tự nhiên khi không sử dụng hoặc sử dụng ít thuốc kích thích buồng trứng.
Trong trường hợp này thì có thể thay đổi phác đồ, chỉnh liều thuốc kích thích buồng trứng hoặc tư vấn hướng xin noãn cho bệnh nhân nếu tiên lượng quá kém.
Thất bại trong thụ tinh
Thụ tinh là quá trình kết hợp noãn với tinh trùng để tạo ra phôi. Quá trình thụ tinh hiện nay thường được tiến hành bằng hai kỹ thuật là IVF cổ điển và ICSI.
Thông thường tỷ lệ thụ tinh sẽ là khoảng 70 – 80% trên số lượng noãn trưởng thành thu được (thường tỷ lệ thụ tinh của ICSI sẽ cao hơn IVF cổ điển) nên hầu hết bệnh nhân sẽ có noãn thụ tinh ở ngày 1 và có phôi ở ngày 3. Tuy nhiên cũng có những trường hợp thất bại thụ tinh hoàn toàn nghĩa là không có phôi nào được tạo thành. Nguyên nhân có thể đến từ chất lượng tinh trùng hoặc noãn bất thường.
Trường hợp này thì trong chu kỳ sau nên sử dụng kỹ thuật ICSI kết hợp hoạt hóa noãn nhân tạo (AOA) có thể cải thiện tỷ lệ thụ tinh. Ngoài ra đối với những bệnh nhân có số lượng noãn thu được từ chọc hút quá ít (1-2 noãn) thì tỷ lệ thu tinh thất bại cũng rất cao do đó bệnh nhân có thể trữ noãn nhiều chu kỳ rồi tạo phôi một lượt.
Không có phôi ngày 3
Sau khi thụ tinh thành công phôi sẽ được nuôi đến ngày 3 hoặc ngày 5 rồi sẽ tiến hành chuyển phôi. Thông thường noãn đã thụ tinh sẽ phát triển lên phôi ngày 3, tuy nhiên cũng có những trường hợp noãn không phân chia sau thụ tinh hoặc phôi ngưng phát triển ở giai đoạn ngày 2.
Thường những bệnh nhân có ít noãn sau chọc hút sẽ có tỷ lệ không có phôi ngày 3 cao hơn bình thường, nhưng cũng có những bệnh nhân có nhiều noãn, nhiều phôi nhưng toàn bộ phôi đều không phân chia hoặc ngưng phát triển. Nguyên nhân có thể đến từ quá trình hoạt hóa bộ gen của phôi.
Không có phôi ngày 5
Hiện nay việc nuôi phôi ngày 5 ngày càng phổ biến do tính ưu việt trong việc lựa chọn phôi. Ngoài ra khi có chỉ định sinh thiết phôi thì việc nuôi phôi ngày 5 là bắt buộc. Tỷ lệ lên phôi ngày 5 là khoảng 50% dựa trên số phôi ngày 3 chất lượng khá, tốt. Do đó, tiêu chuẩn nuôi phôi ngày 5 thường là bệnh nhân phải đang có ít nhất 4-5 phôi ngày 3 loại khá, tốt để đảm bảo tỷ lệ không có phôi ngày 5 là thấp nhất.
Tuy nhiên trường hợp không có phôi ngày 5 (thậm chí đã được tư vấn nuôi đến ngày 6 nhưng vẫn không có phôi) vẫn có thể xảy ra dù trước đó bệnh nhân đang có nhiều phôi ngày 3 chất lượng tốt. Nguyên nhân có thể đến từ khả năng hoạt hóa bộ nhiễm sắc thể bên trong phôi.
Nếu bệnh nhân đã từng thất bại nuôi ngày 5 chu kỳ trước thì có thể chu kì tiếp đó sẽ được tư vấn trữ một nửa số phôi ngày 3, số còn lại sẽ nuôi ngày 5 để đảm bảo bệnh nhân có phôi để chuyển.
Phôi sinh thiết không sử dụng được
Đối với những bệnh nhân có chỉ định sinh thiết phôi (có bệnh di truyền, mang gen bệnh, lớn tuổi, sẩy thai nhiều lần) thì cần phải chờ kết quả sinh thiết cũng nhu tư vấn của chuyên gia di truyền trước khi lựa chọn phôi. Thường những phôi bình thường hoặc bất thường nhẹ sẽ được sử dụng, những phôi bất thường nặng sẽ không sử dụng. Trường hợp xấu nhất là toàn bộ phôi sinh thiết đều bất thường nặng không sử dụng được. Bệnh nhân sẽ phải làm lại chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm để tìm được phôi có khả năng sử dụng.
Trong tất cả các trường hợp trên dù là trong giai đoạn nào hay nguyên nhân gì thì đây cũng là một chu kỳ IVF chưa được kết quả như mong đợi và sẽ ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân. Do đó bệnh nhân cần được bác sĩ và chuyên viên phôi học tư vấn giải thích rõ ràng để giảm bớt lo lắng cũng như tìm ra phương hướng xử trí thích hợp để cải thiện kết quả điều trị cho các chu kỳ tiếp theo.