Tại sao phải khám thai định kỳ? Người mẹ có thể nắm rõ được tình hình phát triển của thai nhi thông qua các lần khám thai. Đồng thời sẽ được các bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như những điều cần lưu ý khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh, phòng ngừa các tai biến trong sản khoa như băng huyết sau sanh, tiền sản giật, nhau bong non… Hãy cùng IVFMD tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Tam cá nguyệt thứ nhất: khi tuổi thai nhỏ hơn 12 tuần 6 ngày.
- Thai < 11 tuần: Siêu âm để xác định vị trí, số lượng thai, tim thai cũng như tuổi thai để tính ngày dự sanh. Đồng thời kiểm tra các bất thường về tử cung, buồng trứng. Bên cạnh đó còn làm các xét nghiệm máu cơ bản cho mẹ như bộ ba miễn dịch HIV, viêm gan, giang mai, công thức máu xem mẹ có thiếu máu hay không, nhóm máu, xét nghiệm tuyến giáp, các xét nghiệm về nhiễm trùng từ mẹ có thể truyền qua thai nhi như Rubella, CMV, Toxoplasma …
- Thai từ 11-12 tuần: Đây là giai đoạn quan trọng để siêu âm độ mờ da gáy, động mạch tử cung, làm xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi và tầm soát nguy cơ tiền sản giật cho mẹ.
Tam cá nguyệt thứ hai: khi tuổi thai từ 13 – 27 tuần.
- Thai 16-17 tuần: Xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi Triple Test nếu tam cá nguyệt thứ nhất chưa làm Double Test. Siêu âm 2D và đo kênh cổ tử cung để dự phòng sanh non. Đồng thời ở khoảng thời gian này cũng sẽ được siêu âm tim mẹ kiểm tra.
- Thai 21-22 tuần: Siêu âm 4D khảo sát hình thái học thai nhi, tiêm ngừa uốn ván VAT1.
Tam cá nguyệt thứ 3: khi tuổi thai từ 28 – 42 tuần.
- Thai từ 30-34 tuần: Siêu âm Doppler, xét nghiệm nược tiểu, tiêm thuốc hỗ trợ thai nhi trong những trường hợp có nguy cơ sanh non cao.
- Thai 35-37 tuần: Siêu âm Doppler, xét nghiệm nước tiểu. Cấy dịch âm đạo tìm liên cầu khuẩn nhóm B để phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh. Làm xét nghiệm tiền phẫu trước khi sanh. Bắt dầu từ giai đoạn này trở đi, bác sĩ chỉ định đo tim thai để kiểm tra sức khỏe thai nhi.Ngoài ra, sẽ hướng dẫn theo dõi cử động thai tại nhà, khi có các trường hợp đau bụng từng cơn, ra huyết âm đạo cần được đi khám ngay.
- Thai 38 tuần: Siêu âm Doppler, xét nghiệm nước tiểu, đo tim thai. Chụp quang kích chậu trong trường hợp nghi ngờ khung chậu hẹp hoặc khung chậu giới hạn.
- Thai 40 tuần: siêu âm Doppler, xét nghiệm nước tiểu. đến độ tuổi thai này sẽ được các bác sĩ tư vấn nhập viện nếu chưa có dấu hiện chuyển dạ.
Khám thai định kỳ là một hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản quan trọng, thực hiện đúng và đầy đủ sẽ mang đến hiệu quả cao đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Giúp phát hiện sớm những nguy cơ cho mẹ và bé để đưa ra các biện pháp phòng ngừa kịp thời nhất. Bạn cần nhiều thông tin chi tiết hơn nữa, đừng ngần ngại hãy đặt lịch hẹn tư vấn qua điện thoại với đội ngũ Nữ Hộ Sinh IVFMD bằng cách bấm icon phía dưới.