KHÁM HIẾM MUỘN CÓ CẦN NHỊN ĂN KHÔNG? LỜI KHUYÊN TỪ IVFMD

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng ngày càng tăng và có khoảng 15% các cặp vợ chồng trên thế giới gặp phải tình trạng hiếm muộn. Đặc biệt, ở Việt Nam mọi người vẫn chưa có thói quen khám tiền hôn nhân trước khi lập gia đình. Điều này dẫn đến nhiều cặp đôi dù đã kết hôn nhiều năm nhưng vẫn chưa có con. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn nên cả hai vợ chồng đều nên thăm khám để biết được nguyên nhân và có hướng giải quyết phù hợp. Và rất nhiều cặp đôi cảm thấy băn khoăn và lo lắng không biết khi khám hiếm muộn thì có cần nhịn ăn hay không? Hãy cùng lắng nghe lời khuyên từ IVFMD về vấn đề này.

Những thời điểm thăm khám hiếm muộn 

Vào lần thăm khám đầu tiên, không cần nhịn ăn uống vì các bác sĩ thường sẽ chỉ định những xét nghiệm cơ bản để đánh giá sức khỏe sinh sản ban đầu. Tuy nhiên, nếu bạn có những tiền sử về sẩy thai liên tiếp, tiền căn sinh con bất thường trước đó các bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số loại xét nghiệm đặc biệt về phân tích nhiễm sắc thể. Trong trường hợp này bạn cần phải nhịn ăn ít nhất 6 tiếng, chỉ được uống nước lọc trước khi lấy máu xét nghiệm và nên thăm khám vào buổi sáng để tránh trường hợp phải nhịn ăn quá lâu để làm xét nghiệm.

Kiểm tra xét nghiệm máu khi thăm khám hiếm muộn

Vì chất dinh dưỡng có trong thức ăn sẽ chuyển hóa thành đường glucose, ruột sẽ hấp thu và chuyển đổi thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Vậy nên sau khi ăn, lượng đường và lượng mỡ trong máu lúc này có thể sẽ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của một số xét nghiệm.

Khi bạn có chỉ định thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ tinh nhân tạo bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe trước khi làm thủ thuật và chuẩn bị mang thai. Các bộ xét nghiệm này thông thường sẽ có xét nghiệm liên quan đến đường huyết vì vậy tốt nhất xét nghiệm đường huyết nên được thực hiện khi đói cụ thể bạn phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ, không uống nước ngọt, chỉ uống nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Đặc biệt những trường hợp có bệnh lý về đái tháo đường nhịn ăn trước khi thăm khám cũng là vấn đề các bạn cần lưu ý.

Có thể uống nước lọc khi làm xét nghiệm

Nhưng đừng quá lo lắng khi bạn đã lỡ ăn uống trước đó vì vẫn có thể xét nghiệm đường huyết bất kỳ đối với các trường hợp không nhịn ăn, tuy nhiên lúc này kết quả có thể chênh lệch vì tùy vào thời gian từ bữa ăn cuối đến khi xét nghiệm. Với những trường hợp có lưu ý đặc biệt cần phải nhịn ăn để làm xét nghiệm vẫn có thể được hướng dẫn để thực hiện khi quay lại tái khám lần sau. 

Đối với những trường hợp bạn quay lại tái khám để theo dõi sự phát triển của nang noãn có thể sẽ kiểm tra các xét nghiệm nội tiết vào thời điểm này bạn có thể không cần nhịn ăn, uống.

Những thời điểm thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Đối với thụ tinh trong ống nghiệm (giai đoạn chọc hút noãn): đây là kỹ thuật có gây mê trong quá trình bác sĩ thực hiện thủ thuật vì vậy bạn cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nhịn ăn, uống để không ảnh hưởng đến quá trình gây mê và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình. Quá trình gây mê trong lúc bác sĩ tiến hành chọc hút sẽ giúp bạn giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi và không cảm thấy đau. Trong quá trình gây mê, nếu trong dạ dày còn thức ăn và nước sẽ dễ dẫn đến buồn nôn và nguy cơ thức ăn trào ngược từ dạ dày vào phổi gây hít sặc, ảnh hưởng đến đường hô hấp và trong trường hợp nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Vì thế việc nhịn ăn uống trước khi gây mê là rất quan trọng. Nếu bạn nhịn ăn, uống chưa đủ thời gian tối thiểu để gây mê, bạn có thể sẽ phải hoãn thời gian thủ thuật để đảm bảo an toàn, nhưng nếu trì hoãn lâu sẽ ảnh hưởng đến kết quả chọc hút noãn của bạn vì noãn có nguy cơ đã phóng noãn trước khi được làm thủ thuật.

Bạn sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể: nhịn ăn tối thiểu từ 6-8 giờ, chỉ uống nước ít lọc trước giờ thủ thuật ít nhất 2 giờ, bạn cần tuyệt đối tuân thủ. Nên lựa chọn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, hạn chế thức ăn khó tiêu như thực phẩm chiên, nhiều chất béo, chất đạm, sữa,…Trong trường hợp có ăn uống bất kỳ thứ gì, hãy thông báo sớm để nhân viên ý tế có phương án dự phòng tốt nhất cho bạn trong quá trình gây mê.

Mặc dù nhịn ăn sẽ giúp hạn chế nguy cơ hít sặc nhưng nghiên cứu đã chứng minh rằng để dạ dày rỗng trong một thời gian quá dài cũng không thể giảm thiểu nguy cơ này hơn. Vì vậy bạn không cần nhịn ăn, uống quá dài so với thời gian nhân viên y tế đã hướng dẫn để tránh tình trạng mệt lả, mất nước, chóng mặt ảnh hưởng xấu đến chất lượng của quá trình thủ thuật.

Lưu ý trước chọc hút noãn cần nhịn ăn tại IVFMD

Đối với bơm tinh trùng vào buồng tử cung và chuyển phôi vào buồng tử cung: đây là một kỹ thuật nhẹ nhàng không gây đau nhiều khi thực hiện nên các bạn sẽ hoàn toàn tỉnh táo khi bác sĩ thao tác vì vậy mình không cần nhịn ăn, uống. Nếu bạn có chỉ định đặc biệt cần gây mê khi thực hiện 2 kỹ thuật này thì cũng cần tuân thủ hướng dẫn nhịn ăn, uống như làm thủ thuật chọc hút noãn. 

Đối với chồng người bệnh vào các thời điểm kiểm tra tinh dịch đồ, trữ tinh trùng, lấy tinh trùng vào ngày vợ chọc hút noãn trường hợp tự xuất tinh bình thường thì không cần nhịn ăn, uống. Chỉ khi người chồng cũng cần phải thực hiện các thủ thuật để lấy tinh trùng như PESA, MESA, TESE, Micro TESE phải gây mê khi bác sĩ thao tác thì bắt buộc phải tuân thủ nhịn ăn, uống theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Đối với thời điểm thử thai và siêu âm thai thì các bạn không cần phải nhịn ăn, uống khi thăm khám trừ khi bạn được yêu cầu đặc biệt từ bác sĩ điều trị cần phải lưu ý về vấn đề này, nhân viên y tế sẽ nhắc nhở bạn vào sau mỗi lần thăm khám để bạn có thể thực hiện đúng hướng dẫn cho lần khám tiếp theo.

Trên hành trình tìm kiếm thiên thần nhỏ của bạn IVFMD hy vọng sẽ được đồng hành cùng bạn thành công đưa bé yêu đến với gia đình. Bài chia sẻ trên mong sẽ giúp cho bạn phần nào đó tránh được những nỗi lo lắng mỗi khi thăm khám và điều trị tại IVFMD. Ăn uống để tăng cường sức khỏe nhưng đừng quên những cột mốc quan trọng cần nhịn ăn uống để đảm bảo an toàn, chất lượng điều trị của bạn nhé!