Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng sức khoẻ đáng được quan tâm vì ảnh hưởng sâu sắc đến cả sức khoẻ toàn diện nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng. Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang bị mất cân bằng nội tiết tố làm cho họ khó có thai hơn. Ngoài ra các nghiên cứu còn tìm thấy mối liên quan giữa hội chứng buồng trứng đa nang với các tình trạng sức khoẻ khác trong đó có cả nguy cơ tăng hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA).
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) là một chứng rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ. Khi có Hội chứng ngưng thở khi ngủ, đường thở của bạn sẽ bị tắc nghẽn liên tục trong khi ngủ dẫn đến việc giảm hoặc ngừng hoàn toàn hô hấp. Hầu hết các lần tạm dừng kéo dài từ 10 đến 30 giây, nhưng trong một số trường hợp có thể kéo dài một phút hoặc lâu hơn. Điều này có thể dẫn đến việc giảm đột ngột nồng độ oxy trong máu với mức giảm tới 40% hoặc hơn trong những trường hợp nghiêm trọng.
Các triệu chứng điển hình của Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Các triệu chứng ban đêm của Hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Ngáy lớn.
- Trằn trọc trong khi ngủ, ngủ không yên giấc.
- Thở bằng miệng khi ngủ.
- Bản thân có thể chứng kiến ngưng thở trong giấc ngủ của chính mình.
Các triệu chứng ban ngày của Hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Giấc ngủ không phục hồi (dù đã thức dậy nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi).
- Đau đầu khi thức dậy.
- Khô hoặc đau họng.
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày, đặc biệt trong các hoạt động yên tĩnh .
- Rối loạn về trí nhớ hoặc suy giảm trí thông minh.
- Giảm ham muốn tình dục.
Tại sao phụ nữ có Hội chứng buồng trứng đa nang tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Theo ghi nhận, những phụ nữ có Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có nguy cơ mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ tăng gấp 5 – 10 lần so với nhóm phụ nữ không có Hội chứng buồng trứng đa nang.
Cơ chế dẫn đến tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng ngưng thở khi ngủ trong Hội chứng buồng trứng đa nang vẫn chưa được xác định. Các cơ chế này có thể liên quan đến các đặc điểm chính của Hội chứng buồng trứng đa nang như: béo phì, kháng insulin và tăng androgen máu. Béo phì có thể góp phần gây ra Hội chứng ngưng thở khi ngủ thông qua tăng sự lắng đọng mỡ trên hầu họng dẫn đến hẹp đường hô hấp trên và thay đổi cơ chế của hệ thống kiểm soát hô hấp.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản?
Nghiên cứu trước đây cho thấy Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp nhiều ở phụ nữ hiếm muộn và làm tăng khả năng hiếm muộn. Do đó, phụ nữ có hiếm muộn nên được sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng ngưng thở khi ngủ, điều này có thể giúp tăng tỷ lệ sinh sản của phụ nữ.
Những ảnh hưởng của Hội chứng ngưng thở khi ngủ lên thai kỳ và thai nhi?
Đối với thai phụ được chẩn đoán mắc phải Hội chứng ngưng thở khi ngủ, khi sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thuyên tắc phổi và tử vong tại bệnh viện cao hơn đáng kể so với thai phụ không mắc hội chứng này. Những nguy cơ này có thể trở nên trầm trọng hơn khi có sự hiện diện của thừa cân – béo phì. Sau sinh, những phụ nữ có Hội chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị ức chế hô hấp và cần được theo dõi sát.
Đối với thai nhi, Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mẹ làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh nhẹ cân gấp 1,5 – 2 lần và làm tăng nguy cơ sinh non.
Nhìn chung, những phụ nữ có Hội chứng ngưng thở khi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn gây nên những kết quả không tốt trong quá trình mang thai và sinh con. Vì vậy, Hội chứng ngưng thở khi ngủ nên được quan tâm và phát hiện sớm để hạn chế các ảnh hưởng đáng tiếc. Phụ nữ có Hội chứng buồng trứng đa nang cũng nên có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và giảm cân để hạn chế tối đa các tác hại của Hội chứng ngưng thở khi ngủ.