Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ ngày càng được đẩy mạnh. Phụ nữ khi còn trẻ tập trung nhiều hơn cho hoài bão của bản thân, công việc và xã hội, dẫn đến độ tuổi lập gia đình và có con cũng tăng dần. Không ít người bắt đầu nghĩ đến việc có con và sinh con khi đã lớn tuổi và đã bỏ qua độ tuổi sinh sản tốt nhất. Mẹ lớn tuổi cũng có liên quan đến tăng dị tật thai nhi và biến chứng sản khoa. Vậy, độ tuổi nào có khả năng sinh sản sốt nhất và khi nào nên gấp rút để có con? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Sinh lý tự nhiên.
Số lượng noãn của người phụ nữ được quyết định từ khi họ còn là bào thai. Số lượng noãn đạt nhiều nhất vào khoảng 5 triệu noãn khi thai đạt 19 tuần. Số lượng noãn ngày càng giảm dần, đến khi sinh ra, tổng số noãn trên 2 buồng trứng của trẻ gái là khoảng 2 triệu noãn. Đến thời điểm dậy thì, số lượng noãn trên hai buồng trứng chỉ còn khoảng 600.000 noãn. Số lượng noãn này tiếp tục giảm dần do quá trình chết theo chu trình, bất kể có phóng noãn hay không. Từ độ tuổi 35 thì số lượng noãn bắt đầu giảm nhanh. Và cho đến khi người phụ nữ mãn kinh, tổng số noãn còn lại trên hai buồng trứng là khoảng <1000 noãn nhưng chất lượng noãn giảm rất nhiều.
2. Khả năng sinh sản của phụ nữ theo tuổi như sau
- Độ tuổi từ 20 đến 30
Ở độ tuổi này phụ nữ có khả năng sinh sản tự nhiên cao nhất do số lượng và chất lượng noãn còn tốt, hoạt động của nội tiết sinh sản ổn định, cũng như sức khỏe tổng quát của người phụ nữ là tốt nhất. Khả năng có thai tự nhiên của một chu kỳ có phóng noãn ở độ tuổi này vào khoảng 18-20%. Đây cũng là độ tuổi có nguy cơ biến chứng thai kỳ thấp: tỷ lệ mẹ sinh con ở độ tuổi 25 mắc hội chứng Down chỉ chiếm 1/1250, khi mẹ ở độ tuổi 30 là 1/952.
- Độ tuổi 30 đến 35
Ở độ tuổi này, số lượng cũng như chất lượng noãn của người phụ nữ giảm dần. Tỷ lệ có thai tự nhiên vào khoảng 18% khi 30 tuổi và 15% khi trên 35 tuổi. Vì thế, nếu đã bỏ qua độ tuổi đẹp nhất, người phụ nữ nên tập trung để có con hoặc bảo tồn khả năng sinh sản trước mốc 35 tuổi.
- Độ tuổi từ 35 đến 40
Sau 35 tuổi, khả năng sinh sản bắt đầu giảm nhanh do số lượng và chất lượng noãn tuột dốc. Tỷ lệ có thai tự nhiên khoảng 15% ở tuổi 35 xuống còn khoảng 5% mỗi tháng khi người phụ nữ chạm mốc 40 tuổi. Tỷ lệ mẹ sinh con mắc hội chứng Down khi mẹ 35 tuổi là 1/378 và tăng nhanh khi tuổi mẹ tăng. Tuổi mẹ cao cũng làm tăng nguy cơ phôi lệch bội dẫn đến thai lưu, sẩy thai.
Trong ngành sản khoa, mẹ trên 35 được gọi là lớn tuổi, điều này đồng nghĩa với tăng các nguy cơ thai kỳ như cao huyết áp, đái tháo đường và tiền sản giật.
- Độ tuổi trên 40
Ở độ tuổi này, số lượng và chất lượng noãn suy giảm trầm trọng. Tỷ lệ có thai tự nhiên giảm rất nhanh. Khi người phụ nữ 45 tuổi, khả năng có thai tự nhiên chỉ còn khoảng 1% mỗi tháng. Cũng ở tuổi này, tỷ lệ mẹ sinh con mắc hội chứng Down là 1/30, tức là 30 trẻ sinh sống từ mẹ trên 45 tuổi thì có 1 trẻ mắc hội chứng Down. Các nguy cơ và biến chứng sản khoa trong thai kỳ cho mẹ đồng thời cũng tăng nhanh. Độ tuổi mãn kinh của người Việt Nam hiện tại trung bình là 45 – 50 tuổi, đồng nghĩa với đặt dấu chấm hết độ tuổi sinh sản.
Thông điệp
Tuổi mẹ càng tăng thì số lượng và chất lượng noãn càng giảm. Vì thế, tuổi là yếu tố tiên lượng chính xác nhất và dễ áp dụng nhất để đánh giá khả năng sinh sản của người phụ nữ. Độ tuổi sinh sản tốt nhất là 20 đến 30 tuổi. Khả năng sinh sản bắt đầu giảm nhẹ từ 30 đến 35 tuổi. Từ 35 tuổi, khả năng sinh sản bắt đầu giảm nhanh, và giảm nghiêm trọng khi người phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
Chính vì vậy, người phụ nữ tốt nhất nên có kế hoạch sinh con trước 35 tuổi hoặc bảo tồn khả năng sinh sản nếu chưa có kế hoạch có con trong tương lai và có thể trữ trứng xã hội sẽ là sự lựa chọn nên được cân nhắc với chị em. Hãy đến hệ thống IVFMD để được bác sỹ tư vấn thật kỹ để có kế hoạch tốt nhất cho cuộc sống nhé các chị em.
Tác giả: NHS.Phan Thị Tùng Phương – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột