Xuất tinh ngược dòng, hay còn được gọi là retrograde ejaculation (RE) trong chuyên ngành y học niệu khoa, là một hiện tượng sinh lý nam gây ra sự thay đổi trong quá trình xuất tinh. Thay vì tinh dịch được đẩy qua đường dẫn tinh và rời khỏi cơ quan sinh dục nam như thông thường, tinh dịch bị đẩy ngược vào bàng quang và bài tiết qua quá trình đi tiểu. Hiện tượng này còn có một cái tên rất “mê đắm” là “cực khoái khô hạn” (Dry orgasm) khi nam giới đạt cực khoái có cảm giác xuất tinh nhưng không có tinh dịch. Đó là một trong những khó khăn mà các cặp vợ chồng có thể gặp phải khi đưa tinh trùng vào âm đạo trong khi giao hợp tự nhiên hoặc thụ tinh trong các quy trình kỹ thuật hỗ trợ. Theo thống kê, RE là một trong những nguyên nhân gây vô sinh, chiếm từ 0,3% đến 2% các trường hợp vô sinh nam. Để có thêm thông tin về RE, hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài biết dưới đây bạn nhé!
1. Xuất tinh ngược dòng có phải là trường hợp phổ biến?
Xuất tinh ngược dòng (RE) là một tình trạng khá hiếm, nhưng tỷ lệ phổ biến có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ. Thường thì tình trạng này thường xảy ra ở nam giới sau khi phẫu thuật hoặc khi mắc một số bệnh lý. Dưới đây là một số thống kê tổng quan về sự phổ biến của xuất tinh ngược dòng:
- RE sau phẫu thuật: Sau một số phẫu thuật như cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) hoặc phẫu thuật làm giãn cổ bàng quang, xuất tinh ngược dòng có thể xảy ra. Tỷ lệ phổ biến của xuất tinh ngược dòng sau phẫu thuật TURP được ước tính từ 70-80%.
- RE liên quan đến tiểu đường: Nam giới mắc tiểu đường có thể gặp phải xuất tinh ngược dòng do tổn thương dây thần kinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ phổ biến của RE ở nam giới tiểu đường dao động từ 4% đến 20%.
- RE do thuốc gây ra: Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị các tình trạng như tăng huyết áp, trầm cảm hoặc phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra xuất tinh ngược dòng như là một tác dụng phụ. Tỷ lệ phổ biến này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể và các yếu tố cá nhân.
Mặc dù RE không được coi là phổ biến, nhưng tỷ lệ phổ biến có thể cao hơn ở một số nhóm người cụ thể hoặc những người mắc các bệnh lý nhất định. Và RE không gây đau đớn hay có hại. Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng có con và mọi thứ không tiến triển thì bạn nên cân nhắc đến trung tâm hỗ trợ sinh sản sớm nhất có thể.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng của RE là gì?
Bạn có thể không nhận ra nếu bạn bị xuất tinh ngược dòng. Tuy nhiên, có thể nhận biết một số dấu hiệu như sau:
- Bạn tạo ra ít hoặc không có tinh dịch khi xuất tinh.
- Sau khi xuất tinh, nước tiểu có thể vẩn đục, cặn lợn cợn.
- Bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề thụ tinh và có con.
3. Nguyên nhân sinh lý hình thành nên RE?
RE xảy ra do thương tổn gây nhiễu loạn các sợi thần kinh giao cảm trung gian vùng cổ bàng quang và vùng cơ thắt tuyến tiền liệt. Hoặc được biết là gặp vấn đề trong hoạt động cơ vòng bàng quang, giúp đóng lại để cho tinh dịch ra ngoài và giữ nước tiểu trong cơ thể. Bởi vì cơ vòng không hoạt động chính xác, cơ bàng quang không đóng lại và cho phép tinh dịch đi vào hướng ngược lại vào bàng quang thay vì thoát ra niệu đạo như bình thường. Hiện tượng này xảy ra vì con đường lựa chọn dễ nhất cho tinh dịch là đi vào bàng quang chứ không thoát ra khỏi cơ thể.
Tinh trùng hoạt động tối ưu trong môi trường kiềm (pH 7,2 – 8,2) nhưng khi tinh trùng đi vào bàng quang tiếp xúc với nước tiểu có tính axit, tinh trùng trở nên kém di động và không thể sống lâu. Trong quá trình điều trị vô sinh, việc tách tinh trùng ra khỏi nước tiểu và duy trì khả năng di động và sự sống của tinh trùng là điều rất quan trọng.
4. Hỗ trợ điều trị tình trạng xuất tinh ngược dòng trong hiếm muộn?
Khi điều trị hiếm muộn đối với bệnh nhân bị RE, bác sĩ buộc phải cố gắng thu nhận tinh trùng. Quy trình có thể được tiến hành qua các bước sau:
- Thu nhận mẫu tinh trùng thông qua nước tiểu: bệnh nhân sẽ được uống thuốc kiềm hóa nước tiểu trước đó. Sau đó, bệnh nhân sẽ đi tiểu để làm rỗng bàng quang và giảm thể tích nước tiểu còn lại. Điều này giúp giảm tiếp xúc của tinh trùng với pH axit của nước tiểu. Sau khi đi tiểu, bệnh nhân được hướng dẫn để tống nước tiểu sau khi thủ dâm vào lọ vô trùng để thu nhận mẫu tinh trùng.
- Để phân lập tinh trùng, mẫu sau đó được chiết tách bằng cách chuyển vào các ống nghiệm và quay ly tâm. Kết quả sẽ thu được cặn lắng tinh trùng.
- Huyền phù cặn lắng với 0,5ml môi trường rửa tinh trùng và nhân viên kỹ thuật tiến hành đánh giá mật độ, di động và hình dạng tinh trùng.
- Khi có các thông số tinh trùng thu được từ kết quả tinh dịch đồ, bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp đối với hai vợ chồng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người vợ có thể chỉ định làm thụ tinh nhân tạo (IUI), hoặc thụ tinh ống nghiệm (IVF/ICSI).
- Trong trường hợp bệnh nhân dự đoán không có tinh trùng hoặc không thể thu nhận đủ số lượng tinh trùng thông qua phương pháp thông thường, bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật can thiệp để trích xuất tinh trùng. Các kỹ thuật này bao gồm hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA) hoặc hút tinh trùng từ mào tinh qua vi phẫu (MESA). Nếu cả PESA và MESA đều không thành công, phương án tiếp theo là chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn qua da (TESA) hoặc phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn (TESE) hay phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn bằng vi phẫu (Micro-TESE).
Tóm lại xuất tinh ngược dòng là tình trạng hiếm gặp, vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ nào bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và tư vấn phương hỗ điều trị để sớm có con. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.
Tác giả: CNSH. Cái Thị Diệu Ánh – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh