Thụ tinh ống nghiệm là một hành trình dài và không dễ dàng đối với các cặp vợ chồng mong con. Trên chặng đường này, ngày nhận được kết quả “2 vạch” là thời điểm cả bệnh nhân và bác sĩ rất mong chờ. Tuy nhiên trước đó, bệnh nhân cần có phôi tiềm năng và được chuyển phôi vào buồng tử cung. Vào ngày chuyển phôi, bệnh nhân thường tới bệnh viện làm thủ tục, sau đó đợi tới lượt chuyển phôi và ra về. Trong những câu hỏi Alo IVFMD Xin Nghe gặp, không ít bệnh nhân chuyển phôi xong có thắc mắc rằng điều gì diễn ra trong labo IVF với phôi của mình trước khi được chuyển vào buồng tử cung. Hãy cùng Alo IVFMD Xin Nghe tìm hiểu qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Chuyển phôi là gì?
Chuyển phôi là một bước rất quan trọng trong chu kỳ thụ tinh ống nghiệm. Đó là một quá trình mà trong đó phôi (1 hoặc 2 phôi) được đặt vào tử cung với sự trợ giúp của một ống thông mềm (catheter).
Có hai xu hướng chuyển phôi chính:
- Chuyển phôi tươi: phôi được chuyển vào ngày 3, ngày 5 hay 6 của chu kỳ TTTON.
- Chuyển phôi trữ: phôi sau khi tạo thành, được đông lạnh, sau đó được rã ra và chuyển vào tử cung người mẹ sau khi đã chuẩn bị nội mạc tử cung để có thể tiếp nhận phôi làm tổ.
Trên thực tế, tùy vào tình trạng bệnh nhân trong quá trình thăm khám và điều trị mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án chuyển phôi phù hợp.
Điều gì diễn ra trong labo IVF vào ngày chuyển phôi trữ?
Đối với chuyển phôi trữ, vài giờ trước khi phôi được chuyển vào buồng tử cung, các chuyên viên phôi học tại labo IVF lấy phôi từ hệ thống bảo quản lạnh ra và tiến hành rã đông. Sau đó, phôi được chuyển vào hộp chứa môi trường nuôi cấy và đặt trong tủ nuôi cấy tạm thời. Đây là bước quan trọng, vì:
- Khi phôi được rã đông, chất bảo quản đông lạnh bên trong phôi sẽ thấm qua màng tế bào và đi ra ngoài môi trường. Ngược lại, nước ở ngoài môi trường sẽ thẩm thấu vào trong tế bào, nhờ vậy khôi phục các hoạt động trao đổi chất của phôi. Quá trình trao đổi này ở phôi ngày 3 diễn ra nhanh chóng do số lượng phôi bào còn ít (khoảng 8 tế bào), tuy nhiên ở phôi ngày 5 thường tốn nhiều thời gian hơn do số lượng phôi bào lớn và cấu trúc phôi đã trở nên phức tạp. Vậy nên việc nuôi cấy tạm thời giúp phôi sau khi rã đông có thêm thời gian phục hồi về trạng thái sinh lý bình thường và sẵn sàng làm tổ.
- Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiện tượng co ≥ 50% thể tích ở phôi nang được cho là sẽ dẫn đến kết cục không tốt cho chu kỳ chuyển phôi đó. Vì vậy, việc nuôi cấy tạm thời và quan sát quá trình nở lại của phôi sau khi rã đông sẽ góp phần hỗ trợ bác sĩ dự đoán khả năng thành công của chu kỳ chuyển phôi. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển của phôi nang (ngày 5 – 6), phôi thường có hiện tượng co và phục hồi lại ngay sau đó. Đây được cho là hiện tượng sinh lý bình thường ở phôi.
Qúa trình chuẩn bị chuyển phôi tươi diễn ra như thế nào?
Trong trường hợp bệnh nhân được chỉ định chuyển phôi tươi, bác sĩ sẽ chọn ra phôi có chất lượng tốt nhất đang được nuôi cấy để đưa vào buồng tử cung với hy vọng giúp bệnh nhân thành công ở lần điều trị đầu tiên. Đối với phôi 2,3 ngày tuổi các chuyên viên phôi học sẽ hỗ trợ phôi thoát màng bằng cách sử dụng xung laser với độ chính xác cao, nhanh chóng và an toàn cho phôi.
Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể được hỗ trợ thoát màng vào buổi sáng trước khi chuyển phôi gồm:
- Chu kỳ chuyển phôi trữ. Một số nghiên cứu cho thấy quá trình trữ lạnh làm cứng màng trong suốt của phôi, dẫn đến khó thoát màng và làm tổ sau khi được chuyển vào buồng tử cung.
- Phôi có màng trong suốt dày hơn bình thường vì điều này cũng có thể khiến phôi khó tự thoát màng để làm tổ.
- Phôi được tạo bởi noãn lấy từ những bệnh nhân lớn tuổi vì màng trong suốt của phôi có xu hướng cứng hơn.
Nên sử dụng keo dính phôi (Embryo Glue) không?
EmbryoGlue là một môi trường được sử dụng để chuyển phôi trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nó chứa hàm lượng hyaluronan cao, được cho là giúp phôi dễ dàng bám vào thành tử cung. Để sử dụng EmbryoGlue, phôi sẽ được đưa vào môi trường chứa đậm đặc hyaluronan này khoảng 10 đến 15 phút trước khi bơm phôi vào buồng tử cung. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hầu hết các môi trường nuôi cấy phôi trên thị trường đều đã được bổ sung hyaluronan, thành phần chính của EmbryoGlue. Do đó, sử dụng môi trường nuôi cấy bình thường để chuyển phôi đạt được hiệu quả tương tự như sử dụng EmbryoGlue.
Hành trình phôi từ labo IVF đến tay bác sĩ diễn ra thế nào?
Khi nhận được tín hiệu sẵn sàng từ phòng thủ thuật – nơi bác sĩ và bệnh nhân đang chờ, các chuyên viên phôi học ở labo IVF sẽ di chuyển hộp chứa phôi từ khu vực tủ nuôi cấy tạm đến vị trí thao tác vô trùng, sau đó cùng đối chiếu thông tin để xác nhận đúng phôi chuyển. Tiếp theo, phôi được đưa vào catheter một cách nhẹ nhàng. Ở một số trung tâm, bác sĩ và bệnh nhân có thể theo dõi toàn bộ quá trình đưa phôi vào catheter thông qua màn hình siêu âm. Kế đó, bác sĩ nhận catheter chứa phôi trực tiếp từ chuyên viên phôi học và bơm phôi vào buồng tử cung của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân có thể yên tâm ra về và đi thử thai theo lịch hẹn.
Hy vọng qua bài viết quý anh chị đã hiểu rõ hơn về quá trình diễn ra vào ngày chuyển phôi của mình để có thể chuẩn bị sẵn sàng về mặt sức khỏe và tinh thần chào đón con yêu.